Thứ Bảy, 20/4/2024

Ấn tượng ở một xã vùng cao biên giới

Từ trung tâm huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng tới xã Đức Hạnh khoảng cách gần 40km, với điều kiện thời tiết thuận lợi, xe ô tô loại tốt phải mất hơn hai giờ mới đến được mơi đây. Đức Hạnh là xã biên giới nằm ở phía Bắc của huyện Bảo Lâm, có đường biên giới dài 4,4km tiếp giáp với huyện Nà Po, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Xã có 18 xóm, 999 hộ với 5.252 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Nùng, Mông và Lô Lô.

Địa hình của xã rất hiểm trở, diện tích chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, giao thông khó khăn, chỉ một trận mưa lớn, đất đá sạt lở là các phương tiện rất khó khăn trong việc đi lại. Điều kiện canh tác của nhân dân phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, thường xuyên thiếu nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Đây cũng là trăn trở lớn nhất của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là các xóm có đông đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô.

Từ mong ước của người Mông xóm Chè Lỳ B

Từ trung tâm xã, sau khoảng 30 phút đi bằng ô tô chúng tôi tới xóm Chè Lỳ B, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông. Lần đầu tiên có đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Lò Văn Giàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban làm Trưởng đoàn tới thăm, Bí thư chi bộ Lầu Mí Mùa, Trưởng xóm Thào A Giàng và đại diện nhân dân đã có mặt tại nhà văn hóa đón đoàn - công trình này do Bộ đội Biên phòng đầu tư vốn, nhân dân góp sức xây dựng. Biết Trưởng đoàn công tác là người dân tộc Thái, trùng tên với mình, Trưởng xóm Thào A Giàng rất cởi mở, gần gũi và chia sẻ một cách tự nhiên ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ. Trang phục của đồng bào tại buổi tiếp rất đa dạng, riêng Trưởng xóm mặc bộ com-lê mới, đi giày đen trông rất lịch sự, ông hồ hởi bắt tay, niềm nở đón tiếp đoàn cán bộ gồm Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Đến Chè Lỳ B đúng vào lúc thời tiết đẹp, thuận lợi cho đồng bào đang rộ mùa thu hoạch ngô, nhờ mưa thuận gió hòa nên năm nay cây ngô tốt tươi, bắp to và đẫy hạt, ngô phơi bên đường và trên sân mỗi nhà như báo hiệu một năm sung túc và đủ đầy của người Mông. Trong nhà văn hóa các đồ dùng, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, chè nóng pha sẵn chờ khách đến, và tất nhiên không thể thiếu chén rượu ngô mới, trong và thơm nồng của đồng bào Mông để đón khách quý từ xa đến.

Chi bộ xóm Chè Lỳ B có 8 đảng viên. Bí thư chi bộ Lầu Mí Mùa còn rất trẻ, năm nay 25 tuổi nhưng đã có 4 năm tuổi Đảng; do chịu khó học nên anh biết cái chữ, đọc được sách báo, có kiến thức, biết cách làm ăn, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi với mọi người, được nhân dân trong xóm tín nhiệm. Lầu Mí Mùa cho biết: Chè Lỳ B có 104 hộ, 578 khẩu, 77 hộ thuộc diện nghèo, hơn 60 hộ chưa có điện thắp sáng. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của đồng bào, đàn gia súc của xóm có 275 con trâu và bò, hơn 100 con dê, mấy năm nay đời sống của đồng bào khá hơn trước rất nhiều. Anh mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chính sách để nâng cao dân trí, giúp đồng bào biết đổi mới cây trồng vật nuôi; đầu tư làm đường giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào đi lại và giao thương hàng hóa; có nguồn nước ổn định bốn mùa để đồng bào sinh hoạt và tưới tiêu. Mô hình đàn trâu, bò, dê… phát triển tốt như hiện nay đã thắp lên hy vọng tới đây nhiều hộ sẽ thoát nghèo, có cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại địa phương và gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, buổi gặp gỡ, thăm hỏi, khảo sát tìm hiểu về công tác dân vận, thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của đồng chí Lò Văn Giàng và đoàn công tác với nhân dân xóm Chè Lỳ B gần gũi và thân quen. Đồng chí Trưởng đoàn kể những câu chuyện thú vị về xuống chợ phiên của người Mông xưa, chia sẻ những khó khăn của các hộ nghèo, hỏi về cách làm ăn ở Chè Lỳ B hôm nay có gì mới, việc thực hiện các chính sách dân tộc thiểu số có đến được với nhân dân không, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào có gì phải điều chỉnh… qua đó đoàn công tác tiếp thu các kiến nghị, chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm của Trung ương quan tâm, tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ và giúp đỡ đồng bào vươn lên thoát nghèo.

Đến quyết tâm của xã Đức Hạnh    

Trở lại trụ sở xã Đức Hạnh làm việc, đón chúng tôi là đồng chí Đại úy Lê Bá Hùng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã. Năm 2006, đồng chí được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quyết định tăng cường lên đây làm Phó Bí thư Đảng ủy; từ năm 2010 đến nay đồng chí được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm bầu và giữ các chức vụ như hiện nay. Vợ anh là người dân tộc Tày và cũng là giáo viên trong xã. Mặc dù là cán bộ người Nghệ An lên Cao Bằng công tác, nhờ gần dân, bám sát địa bàn, tích cực học dân và trau dồi ngôn ngữ nên anh sử dụng thành thạo tiếng Mông, đủ vốn từ để làm công tác tuyên truyền, vận động đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào. Năm 2007, đồng chí Lê Bá Hùng được Bộ Quốc phòng tuyên dương là 1 trong 10 Gương mặt tuổi trẻ tiêu biểu trong toàn quân bởi thành tích tham mưu xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và giữ gìn an ninh trật tự địa bàn khu vực biên giới.

Báo cáo các mặt và các lĩnh vực công tác dân vận của xã Đức Hạnh có nhiều số liệu với những nét rất đáng chú ý. Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, các nội dung về công tác dân vận đã được gắn vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, vận dụng linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tiễn. Nổi bật là công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đạo đức công vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác dân vận được gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tổng giá trị các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn xã từ năm 2010 đến nay gần 40 tỷ đồng tập trung vào hỗ trợ phát triển chăn nuôi, giống cây trồng, làm chuồng trại, nhà vệ sinh, cấp nước sinh hoạt cho các hộ nghèo, xây dựng 17 công trình phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng của địa phương, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ… Nhiệm kỳ qua, Đức Hạnh được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng 7 nhà văn hóa xóm; hằng năm có khoảng 70% số hộ đạt “Gia đình văn hóa”; các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc đang từng bước được khôi phục và phát huy như điệu “lượn nàng ới” của dân tộc Nùng, hát đối đáp của dân tộc Lô Lô, múa khèn của dân tộc Mông...

Công tác giáo dục được quan tâm, đội ngũ giáo viên từng bước chuẩn hóa về chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh các cấp đầu năm đến lớp đạt từ 97% - 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hằng năm đạt 100%, đã bố trí việc làm ổn định cho 15 trường hợp con em người dân tộc thiểu số tại địa phương tốt nghiệp các trường đại học, trung học chuyên nghiệp.

An ninh trật tự xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định, việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để truyền đạo trái pháp luật vào địa bàn luôn được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời; công tác quản lý địa bàn biên giới được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo và thực hiện hiệu quả; công tác vận động nhân dân không xuất cảnh trái phép sang các nước được quan tâm thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Cao Bằng; công tác tuyên truyền các quy định, nghị định về đường biên, mốc giới được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Từ năm 2011 đến nay đã cử đi đào tạo 17 cán bộ là người dân tộc thiểu số để nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; 100% các xóm trên địa bàn xã có chi bộ.

Công tác dân vận của Đảng ở xã Đức Hạnh mặc dù đạt được một số kết quả và có nhiều cố gắng, nhưng còn đó với rất nhiều khó khăn, thách thức, đang là mối lo chung của nhiều cấp, nhiều ngành và bà con nơi đây. Chỉ riêng tỷ lệ hộ nghèo trong xã hiện chiếm 48,6%, riêng người Mông là 50,51%. Nguyên nhân được cán bộ và nhân dân lý giải là do trình độ dân trí thấp, những hộ nghèo thường đông con, điều kiện canh tác khó khăn, bà con sống tập trung ở vùng đồi núi nên diện tích đất canh tác ít, sử dụng nguồn vốn vay còn kém hiệu quả... Và có lẽ việc giải quyết những nguyên nhân này không phải một sớm, một chiều.

Từ xã Đức Hạnh về thành phố Cao Bằng đường hun hút bởi mấy trăm khúc cua với nhiều hình thù và độ ngắn, dài, lớn, nhỏ… khác nhau. Chị Nông Thị Hà, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Bằng đọc cho chúng tôi nghe câu nói quen thuộc mà người dân nơi đây đã ví khi đến huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc là “xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh, lạnh Đồng Mu, sương mù Lũng Pán”. Những địa danh ai đã một lần đến đều không thể nào quên bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và ý chí mãnh liệt của con người. Đức Hạnh là một xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa biên giới có cái tên thật đẹp; nhất định trong tương lai không xa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở đây sẽ quyết tâm phấn đấu từ “ăn no mặc ấm” vươn lên “ăn ngon mặc đẹp”, được hưởng đủ đầy những ước nguyện mà người xưa đã đặt tên cho xã.

Vy Tư Liệu

TẠP CHÍ IN