Thứ Bảy, 20/4/2024

Từ một chuyến công tác

Năm 2015 có nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là năm đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cả nước vui mừng chào đón Kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2015). Để ôn lại những kỷ niệm đã qua, vào một chiều thu Hà Nội, tôi đã đến nhà thăm anh Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Trong không khí hết sức hồ hởi, đầm ấm, chân thành và trân trọng, hai anh em vui vẻ hàn huyên về những kỷ niệm trong quá trình làm công tác dân vận; trong đó, tâm đắc về một câu chuyện đã trở thành kỷ niệm và là dấu ấn đẹp không thể nào quên, từ một chuyến công tác ở địa phương.

Hôm ấy là ngày 01/3/2001, sau khi dự hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2000 của Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An, anh Trương Quang Được đi kiểm tra công tác dân vận tại huyện Nam Đàn. Vào buổi sớm mai ấy, đường thành phố Vinh còn thanh vắng, thỉnh thoảng gặp vài quán cháo lươn thuộc loại đặc sản nổi tiếng của xứ Nghệ ở hai bên đường, người, xe ra vào đông đúc. Anh Trương Quang Được quan tâm hỏi tôi về điều này. Từ câu chuyện đặc sản lươn xứ Nghệ, vốn là người xứ Nghệ, lại từng công tác nơi đây, tôi say sưa kể cho anh nghe về phong tục, tập quán, truyền thống văn hiến, về việc huy động sức dân xưa và nay ở vùng đất “địa linh” này…

 Trong câu chuyện, anh Trương Quang Được hỏi tôi về những vấn đề mới đối với công tác dân vận của tỉnh Nghệ An. Tôi nói với anh về hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2000 của Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An có nhiều nội dung rất mới, cần được nghiên cứu, xem xét và tổng kết, như: việc đề nghị bổ sung trong dự thảo báo cáo văn kiện đại hội đảng các cấp cần ghi và định hướng rõ về công tác dân vận; việc cần có những quy định cụ thể của Đảng để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg, ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận; việc chỉ đạo, hướng dẫn thành lập tổ dân vận thôn, xóm; các giải pháp để quán triệt và nâng cao chất lượng công tác dân vận của các cấp chính quyền; vấn đề tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận ở cơ sở… Nói đến đây, tôi chợt nhớ một câu nói đã lưu truyền từ lâu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Nghệ An. Tôi nói: Thưa anh, ở Nghệ An có câu nói, khi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đi cơ sở hoặc tiếp dân cần phải “nghe dân nói, nói dân nghe”. Tôi vừa dứt lời, anh Trương Quang Được hỏi lại tôi: Liên nhắc lại câu đó anh nghe; tôi nhắc lại rõ từng ý cho anh. Anh trầm ngâm một lúc, rồi bảo: Liên ơi, câu nói đó có thể đã đi vào lịch sử, nhưng bây giờ có lẽ phải bổ sung thêm: theo anh, vế thứ nhất (nghe dân nói) là được rồi, nhưng vế thứ hai (nói dân nghe) chắc là phải chỉnh sửa lại thành: nói dân hiểu. Nghe xong, tôi nói lại là em thấy ý của anh nêu ra rất hay; anh chỉ thay một từ nhưng ý nghĩa đã thay đổi hoàn toàn; nó liên quan đến cả tầm nhận thức, tư duy, năng lực, phương pháp và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi làm việc, đi cơ sở, tiếp xúc và đối thoại với nhân dân.

Câu chuyện đến đó chưa dừng, tôi hỏi anh: Anh ơi! thế về làm việc thì thế nào, vì nhân dân đang nhìn vào những hành vi và việc làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Anh Trương Quang Được nói ngay: đã làm thì phải làm cho dân tin; nếu trong công việc hằng ngày của cán bộ, đảng viên mà nhân dân chưa tin hoặc không tin, thì làm sao vận động được nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức làm việc, thì làm sao phải làm để cho nhân dân tin, đây là vấn đề trọng tâm và cốt lõi của công việc. Anh còn nói thêm, hiện nay có một số cán bộ, công chức, viên chức làm cho nhân dân không tin, thậm chí có người còn làm cho nhân dân bức xúc; và như vậy, làm ảnh hưởng lớn đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Anh Trương Quang Được dừng lời, tôi gút lại và nói với anh về tiêu đề mà hai anh em thảo luận trên xe với một câu khái quát, là: “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Anh Trương Quang Được đồng tình: phải nói như thế mới đúng, và anh còn bảo: nhưng cũng cần phải chú ý đến việc hướng dẫn cho dân làm, đây là vấn đề luôn luôn cần được coi trọng, nhất là đối với cán bộ ở cơ sở.

Đến khu di tích Kim Liên, anh Trương Quang Được, đoàn công tác, cùng  anh Nguyễn Như Vỹ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, anh Đậu Đình Liệu, Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An làm Lễ dâng hương, báo cáo với Bác về thực hiện công tác dân vận theo chỉ dạy của Người.

 Sau khi làm việc với Huyện uỷ Nam Đàn, buổi chiều đoàn công tác về xã Nam Anh. Đây là một xã bán sơn địa, địa hình không thuận lợi, độ chênh của ruộng đồng khá lớn, điều kiện sản xuất, kinh doanh có khó khăn. Thời gian trước, Nam Anh là xã nghèo của huyện. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong xã, Nam Anh đã vươn lên thành một trong những xã khá của huyện. Thời điểm đó, xã Nam Anh đã có 10 cán bộ có trình độ đại học, trong đó có 3 bác sỹ. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế khá rõ nét, như: quy hoạch 7,5 ha nuôi thả cá; quy hoạch vùng trồng cây chanh, trồng cây hồng lấy quả ép khô; trồng rau màu; trang trại chăn nuôi gà, vịt, sin hoá đàn bò; khuyến khích nhân dân mua máy cày, các máy cơ khí đưa vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp…

Tại các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, huyện và xã, anh Trương Quang Được đều nhấn mạnh và đánh giá cao những kết quả đã đạt được, những vấn đề sáng tạo và chủ động của địa phương, cơ sở; gợi ý những vấn đề cần quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện về công tác dân vận, xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Điều tôi nhớ mãi và luôn tâm đắc là tại các phiên kết luận buổi làm việc, anh luôn nhắc nhở và nhấn mạnh đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phải thực hiện phong cách “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, được các đồng chí lãnh đạo địa phương và những người dự hội nghị đồng tình cao. Và từ đó cho đến khi anh Trương Quang Được chuyển công tác sang lĩnh vực mới, đi công tác ở đâu, làm việc ở lĩnh vực nào, anh vẫn luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phải nhớ và trau dồi cho mình phong cách “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Trong lúc trò chuyện ôn lại kỷ niệm, tôi vẫn không quên kể cho anh Trương Quang Được về tình hình hiện nay tại huyện Nam Đàn. Huyện Nam Đàn và xã Nam Anh đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Bộ mặt nông thôn mới có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét, an ninh trật tự được đảm bảo. Huyện Nam Đàn đang phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có 10/23 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5% và không còn hộ đói; số lượng cán bộ xã có trình độ đại học và học sinh đỗ đại học, cao đẳng ngày càng cao.

Anh Trương Quang Được nhắc lại về chuyến đi công tác tại Nghệ An thời đó, còn là dịp đi nghiên cứu, tổng kết để chuẩn bị cho đề án trình hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều hết sức vui mừng và phấn khởi là trong Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) đã khẳng định “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” thành một phong cách mới của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong công tác hàng ngày, cũng như những lúc đi cơ sở, tiếp dân và đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Tạm biệt anh Trương Quang Được và gia đình, trong nắng vàng nhẹ, hiu hiu làn gió mát của chiều thu Hà Nội, với không khí chuẩn bị đón mừng Kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, lòng vẫn luôn rạo rực, bởi những kỷ niệm và dấu ấn đẹp của một thời làm cán bộ tham mưu về công tác dân vận của Đảng.

Võ Đình Liên

TẠP CHÍ IN