Thứ Bảy, 27/4/2024

Những trải nghiệm sâu sắc về công tác dân vận

Suốt 43 năm tham gia cách mạng, chiến đấu và công tác ở các lĩnh vực khác nhau, từ trong môi trường quân đội đã tham gia chiến đấu ở chiến trường, chuyển ngành về công tác ở huyện, ở tỉnh và từ tháng 6/2008 đến tháng 7/2015, tôi được chuyển về làm Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, hồi tưởng lại quãng đời công tác của mình, thấy lúc nào cũng liên quan đến công tác dân vận và càng ngày càng thấy sâu sắc hơn vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận.

Ngay từ những ngày đầu tham gia quân đội, thời gian huấn luyện chuẩn bị đi B, cũng như thời gian chiến đấu ở mặt trận, không lúc nào không được quân đội giáo dục về bài học dân vận, những người lính chúng tôi luôn được nhắc nhở, tâm niệm một điều “Quân với dân như cá với nước”, “Không được đụng tới cái kim, sợi chỉ của dân”. Giữa năm 1973, tôi đang ở đơn vị, tập luyện, chuẩn bị cho một trận đánh lớn tiêu diệt cứ điểm Chư Nghé thuộc tỉnh Gia Lai thì được gọi về giao nhiệm vụ phụ trách một tổ 3 người đi vào trong một bản làng dân tộc thiểu số ở sâu trong rừng để làm công tác địch vận. Chúng tôi cùng ăn, cùng ở với đồng bào, tham gia mọi công việc, ngày đêm đi vào từng gia đình tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để tuyên truyền, thuyết phục đồng bào, nhất là những gia đình đang có con em, người thân theo địch, đang đóng quân ở cứ điểm Chư Nghé để vận động con em họ bỏ súng quay về với cách mạng.

Cuối năm 1975, sau giải phóng miền Nam, tôi được chuyển ngành về làm cán bộ huyện đoàn rồi sau này làm Bí thư Huyện đoàn, đến Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình. Lúc đó, đất nước còn muôn vàn khó khăn, bề bộn công việc, vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải lo chiến đấu bảo vệ biên giới ở phía Nam, phía Bắc. Công tác vận động thanh niên lúc này cũng rất quan trọng và đòi hỏi cao. Những cán bộ Đoàn như chúng tôi cũng phải gánh một phần trách nhiệm và cùng chung những khó khăn đó. Tôi nhớ mãi, những đồng chí cán bộ Trung ương Đoàn (có khi cả Bí thư Trung ương Đoàn) đạp xe từ Hà Nội về, cùng xuống cơ sở, ăn ngủ tại cơ sở để làm công tác vận động thanh niên. Thời bao cấp mọi thứ đều khó khăn. Là người chịu trách nhiệm chính về phong trào thanh niên của huyện, của tỉnh, tôi phải thiết kế và trực tiếp đi sâu xuống cơ sở vận động, tổ chức phong trào cho thanh niên. Gần 15 năm làm cán bộ chuyên trách công tác đoàn, tôi càng thấy rõ hơn về sự khó khăn và yêu cầu về trách nhiệm, sự nhiệt tình, tâm huyết, sự gương mẫu, tận tuỵ của người trực tiếp làm công tác vận động nhân dân.

Sau này, khi được phân công giữ những cương vị cao hơn, trách nhiệm nặng hơn, như: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Bí thư Huyện ủy, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy rồi Chủ tịch UBND tỉnh, tôi lại càng hiểu rõ hơn sức mạnh của nhân dân và công tác vận động nhân dân. Hầu như không có một việc gì mình làm, dù lớn dù nhỏ mà không phải làm công tác vận động nhân dân.

Có thể nói, trong cả cuộc đời công tác, kỷ niệm sâu sắc nhất về công tác dân vận là vào những năm 1997 - 1998, khi là Bí thư huyện ủy Vũ Thư và Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình, lúc bấy giờ đang xảy ra mất ổn định, tình hình khiếu kiện của nhân dân nổ ra rất nghiêm trọng, gay gắt và phức tạp ở phần lớn các xã trong tỉnh. Trung ương đã phải cử một tổ công tác do một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách về trực tiếp chỉ đạo. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã dồn hết tâm lực, ngày đêm tập trung giải quyết tình hình.

Trong hoàn cảnh đó, điều trăn trở, suy nghĩ đối với tôi là phải nghiên cứu nắm vững tình hình và đánh giá đúng nguyên nhân để tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo giải quyết. Lúc đầu các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như tôi còn rất lúng túng không hiểu đó là cái gì mà sao lại phức tạp đến vậy. Không ít ý kiến của các đồng chí ở Trung ương về công tác đặt ra câu hỏi “Vì sao?” Có đồng chí còn hỏi tôi là: “Đã có địch chưa?”, tôi trả lời là “chưa thấy có” chứ cũng không dám trả lời là “không có”. Song dần dần, từng bước, trong quá trình tập trung vào lãnh đạo giải quyết cũng nhận ra rằng: Đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ, mâu thuẫn giữa cấp uỷ, chính quyền địa phương với nhân dân, mà nguyên nhân chủ yếu là cách làm thiếu dân chủ và có một số hiện tượng tiêu cực, tham nhũng từ cơ sở.

Thái Bình là tỉnh đồng bằng, có trình độ dân trí tương đối khá, có truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Khi bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, tuy là một tỉnh nông nghiệp có nhiều khó khăn nhưng ngay từ những năm đầu thập kỷ 90, Thái Bình đã có phong trào “Điện đường, trường, trạm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phong trào rầm rộ sôi nổi và sớm huy động được sự đóng góp sức người, sức của to lớn của nhân dân, tạo ra cơ sở vật chất hạ tầng rất cơ bản ở nông thôn lúc bấy giờ, làm tiền đề vật chất cũng như kinh nghiệm cho xây dựng Nông thôn mới ngày nay .

Song điều đáng nói ở đây là: Vì sao hiệu quả lớn như vậy mà nhân dân lại bất bình và khiếu tố gay gắt. Nguyên nhân chính của nó là do: Một mặt cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN lúc đầu chưa được hoàn thiện, không có mô hình sẵn, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, còn rất nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu, quy định thành văn bản pháp quy. Mặt khác, do cách làm lúc bấy giờ còn mang nặng phong cách lãnh đạo của thời bao cấp, thiếu dân chủ, không bàn bạc kỹ đối với nhân dân, cộng với công tác quản lý xây dựng cơ bản ở các địa phương còn non kém, nhiều kẽ hở; một số hiện tượng lợi dụng A, B trong xây dựng cơ bản để vụ lợi cá nhân, tham nhũng, tiêu cực, cho nên, làm được nhiều việc cho dân mà chưa lấy được lòng dân, dân bất bình đi khiếu tố đông người. 

Tôi nhớ mãi có một lần đi cùng anh Phạm Thế Duyệt, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác của Trung ương ở Thái Bình xuống một xã dân khiếu kiện gay gắt. Trong một cuộc họp đông đủ thành phần cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, tôn giáo của xã, có một vị sư thầy tuổi còn trẻ, nói: “Các bác đã làm điện, đường, trường, trạm cho dân, lợi ích mang lại cho dân được hưởng, chứ các bác cũng không mang về nhà dùng riêng cho mình. Song tiếc rằng, các bác chưa lấy được lòng dân”. Ý kiến đó cứ trăn trở trong tôi và càng khẳng định rõ hơn là việc làm cho dân là tốt nhưng cách làm không tốt, thiếu dân chủ, không bàn bạc kỹ với dân thì cũng dẫn đến mất lòng dân, dẫn đến hậu quả nặng nề. Đã mất lòng dân rồi thì con đường duy nhất để giải quyết nó chỉ bằng các giải pháp xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, nâng cao uy tín với nhân dân và mở rộng dân chủ, bàn bạc kỹ với nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân. Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết lãnh đạo có nhiều giải pháp củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và thanh tra toàn diện làm rõ đúng sai, công khai dân chủ với dân, xử lý nghiêm minh những cán bộ có vi phạm. Với những giải pháp kiên quyết, tích cực như vậy, dần dần đã tạo ra lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân và tình hình khiếu tố gay gắt của nhân dân đã được giải quyết.

Khi được phân công làm Chủ tịch UBND tỉnh, tôi cũng thấy không có một công việc nào mà cán bộ và chính quyền các cấp không phải làm công tác dân vận. Từ việc quản lý xã hội cho đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, các dự án phát triển kinh tế - xã hội; hay như việc nghiên cứu đề ra cơ chế chính sách, đều phải đi sâu đi sát nắm vững tình hình thực tế, tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân. Khi quyết định rồi, cơ chế chính sách ấy phải được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, phải thực sự mang lại lợi ích cho nhân dân, tạo ra môi trường thông thoáng, không gây phiền hà; khuyến khích, động viên, huy động được sức mạnh, trí tuệ, sự năng động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thì mới có tính khả thi.

Từ tháng 6/2008, được điều về làm Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, tôi lại càng có điều kiện để đi sâu nghiên cứu về công tác dân vận. Qua trải nghiệm thực tiễn, qua đi làm việc ở các địa phương, đi nghiên cứu ở nước ngoài và tiếp xúc trao đổi, nghe ý kiến của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, các vị lão thành cách mạng, tôi càng trăn trở và suy nghĩ nhiều để hoàn chỉnh hơn nhận thức của mình về công tác dân vận. Sản phẩm cuối cùng của công tác dân vận là gì? Phải chăng, đó là lòng tin, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phải vận động phát huy được sức mạnh của toàn dân và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng của Đảng ở các giai đoạn, các thời kỳ, các điều kiện khác nhau. Nếu như công tác dân vận nhằm vào mục tiêu đó thì phải đổi mới về nhận thức: Không chỉ thiết kế, thực hiện các giải pháp đi vận động trực tiếp nhân dân mà cần phải bắt đầu và thực hiện tốt các giải pháp nhằm xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; đề ra được các chủ trương, cơ chế chính sách thực sự là do dân, vì dân; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang phải thật sự gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo.

Rất may cho tôi, trong thời gian công tác ở Ban Dân vận Trung ương, lại được phân công làm Phó Chủ nhiệm và trực tiếp biên tập Đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong thời kỳ mới”, được tham gia Ban Chỉ đạo và trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Qua nghiên cứu, trao đổi, lắng nghe nhiều ý kiến, chúng tôi đã mạnh dạn trình bày trong Đề án và được Ban Chấp hành Trung ương xây dựng thành những quan điểm, giải pháp nhằm tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới.

Đất nước ta đang ở vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng trong điều kiện thế giới đang có những diễn biến phức tạp, có cả thời cơ, có cả nguy cơ, hơn nữa kẻ thù cũng chưa bao giờ từ bỏ những âm mưu thâm độc nhằm chống Đảng, chống chế độ và phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu tổng kết và tăng cường, đổi mới công tác dân vận theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) đã đề ra.

Nguyễn Duy Việt
Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

TẠP CHÍ IN