Thứ Năm, 2/5/2024

Chuyển biến trong công tác vận động người Việt Nam tại Ca-na-đa, Mỹ

Nhằm nắm bắt tình hình và nghiên cứu phương thức, giải pháp đẩy mạnh công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, từ ngày 02 đến 12/8/2015, Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương và một số cơ quan Trung ương do đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát, nghiên cứu về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài tại Ca-na-đa và Mỹ. Tham gia Đoàn có đại diện Đảng ủy Ngoài nước, Ban Đối ngoại Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Chuyến công tác của Đoàn diễn ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, giải pháp, chính sách mới về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và một số diễn biến quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với Ca-na-đa và Mỹ. Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Đặc biệt là chuyến thăm lịch sử đến Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầu tháng 7/2015 với nhiều kết quả quan trọng, tác động sâu sắc về nhiều mặt trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong các hoạt động tại mỗi nước, Đoàn đã thăm và làm việc với cấp ủy Đảng, các cơ quan đại diện Việt Nam và gặp gỡ, trao đổi với đại diện các tầng lớp cộng đồng người Việt Nam ở một số thành phố.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ca-na-đa có khoảng 250.000 người, chủ yếu là số người đi di tản, vượt biên, đoàn tụ gia đình; sau này có thêm số sang theo diện lao động, kết hôn, du học (du học sinh hiện có khoảng 5.000 người). Đa số kiều bào Việt Nam tại Ca-na-đa bày tỏ thái độ ủng hộ đất nước, tích cực tham gia các hoạt động do cơ quan đại diện Việt Nam tổ chức và các hội do kiều bào tự thành lập. Điển hình là Hội Hữu nghị Ca-na-đa - Việt Nam, Hội Doanh nhân Trí thức Việt kiều Ca-na-đa, Hội Văn hóa Tràng An…; tuy chưa xây dựng được Hội Thanh niên Sinh viên toàn Ca-na-đa nhưng đã tổ chức được Hội Sinh viên Việt Nam ở các thành phố lớn. Hoạt động của các hội này đã góp phần tích cực gắn kết cộng đồng, hỗ trợ lẫn nhau, vận động bà con cùng hướng về quê hương, giữ gìn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam, đấu tranh với các tổ chức cực đoan, chống phá. Trước việc Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải trình Dự luật S-219 với nội dung xấu, xuyên tạc sự thật về ngày 30/4, bà con kiều bào và lưu học sinh ở Ốt-ta-oa và Mông-tơ-rơi đã cùng với Đại sứ quán Việt Nam đấu tranh thông qua nhiều hình thức, buộc dự luật phải sửa một số nội dung (nhất là một số câu chữ phê phán chế độ ta) mới được thông qua.

Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ hiện có khoảng 2,2 triệu người, chiếm gần một nửa số kiều bào Việt Nam trên thế giới. Thế hệ thứ nhất phần lớn đã trên 60 tuổi, chủ yếu là những viên chức, sĩ quan, binh lính của chế độ Sài Gòn cũ di tản; sau này được bổ sung bằng gia đình họ đi theo diện đoàn tụ, vượt biên, HO trong những năm 1980. Thế hệ thứ hai ít quan tâm đến quá khứ chiến tranh nhưng gặp khó khăn trong việc duy trì tiếng Việt. Du học sinh tại Mỹ hiện có khoảng 17.000 người, tăng liên tục trong 12 năm qua; hơn 50% theo học tại các trường thuộc bang California. Đa số bà con kiều bào gắn bó với quê hương, giữ mối liên hệ với họ hàng và ngày càng có nhiều người về Việt Nam thăm thân, đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực... có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đã hình thành Hội Người Việt Nam, Hội Sinh viên ở các bang... trở thành nơi sinh hoạt và gắn kết của bà con, hỗ trợ, giúp đỡ nhau mưu sinh và ổn định cuộc sống; giáo dục con em, tuyên truyền để cộng đồng hiểu và giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam, hướng về quê hương đất nước, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (như: quyên góp ủng hộ bão lụt, thiên tai; đặc biệt là hoạt động phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông tháng 5/2014). Hội Thanh niên Sinh viên ở Mỹ tuy mới được thành lập 03 năm qua, nhưng đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ sinh viên, giúp đỡ cộng đồng, ngày càng thu hút sự quan tâm và tham gia của các lưu học sinh Việt Nam.

Tuy nhiên, vì những lý do, hoàn cảnh rời Việt Nam, nên một bộ phận trong cộng đồng vẫn còn định kiến, cực đoan, cản trở sự phát triển của quan hệ Việt – Mỹ. Song gần đây, các nhóm chống đối hoạt động rời rạc, không có sự ủng hộ, hậu thuẫn. Sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nhóm chống đối càng thêm phân hóa và chia rẽ, nhiều đối tượng thất vọng hoàn toàn.

Về tâm tư, nguyện vọng, đại diện bà con kiều bào đều bày tỏ tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, phấn khởi trước những thành tựu to lớn đã đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước những năm qua, đồng thời tỏ ý sẵn sàng làm cầu nối cho quan hệ hữu nghị của Việt Nam với Ca-na-đa và Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực mà bà con có khả năng hỗ trợ như hợp tác kinh doanh, thương mại, giáo dục và chuyển giao công nghệ. Bà con đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào như miễn thị thực, cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được có quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác; tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua và sở hữu nhà ở Việt Nam, đầu tư, kinh doanh... Đặc biệt dư luận kiều bào hết sức phấn khởi và đánh giá cao kết quả chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho rằng chuyến thăm là thắng lợi của ngoại giao Việt Nam, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Kiều bào đặc biệt ấn tượng với những thông điệp mà Tổng Bí thư đã gửi đến kiều bào, tạo bước chuyển quan trọng trong nhận thức chung cộng đồng hướng về quê hương, đất nước và tác động tích cực vào việc đấu tranh phân hóa, cảm hóa các đối tượng phản động cực đoan. Bà con cũng đánh giá cao những hoạt động hướng tới hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua, trong đó có việc dân sự hóa nghĩa trang Bình An và cho phép kiều bào tìm kiếm, cải táng hài cốt thân nhân là binh lính chế độ cũ….

Đại diện bà con kiều bào tại Ca-na-đa và Mỹ đã nêu một số băn khoăn: (1) Một số tờ báo trong nước đưa nhiều tin giật gân về các vụ tham nhũng, cướp của giết người, gây ấn tượng xấu về tình hình trong nước; tạo cơ hội để các nhóm Việt kiều phản động bóp méo sự thật, bôi xấu chế độ; (2) Việc triển khai các chính sách về thu hút đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ tại một số địa phương và cơ quan chức năng chưa tốt, còn có những khó khăn, vướng mắc; (3) Kiều bào cũng băn khoăn về các vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam, việc dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba tại nước sở tại; về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; về vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước...

Làm việc với cấp ủy, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Ca-na-đa và Mỹ, đồng chí Hà Thị Khiết đã nghe các cơ quan báo cáo về tình hình cộng đồng và công tác vận động cộng đồng. Đồng chí đã thông báo về tình hình phát triển đất nước; công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan đại diện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cộng đồng; đồng chí yêu cầu các cơ quan đại diện cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận, tăng cường tiếp xúc thường xuyên với cộng đồng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con để tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Gặp gỡ, tiếp xúc; nghe trao đổi, tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào, đồng chí Hà Thị Khiết đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (trong đó nhấn mạnh những nội dung Nghị quyết 36-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài); về công tác dân vận (như Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH Trung ương, Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị…); ghi nhận sự đóng góp của bà con đối với đất nước, bảo vệ Tổ quốc (nhất là qua việc bà con phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam); động viên bà con an tâm định cư, đoàn kết yêu thương lẫn nhau, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam với các nước sở tại. Đồng chí Hà Thị Khiết và các thành viên trong Đoàn cũng đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề mà bà con quan tâm, bao gồm vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, biên giới lãnh thổ, bản sắc văn hóa, vấn đề của chế độ Sài Gòn cũ, quan hệ Việt - Mỹ... Đoàn đã giải đáp cơ bản những thắc mắc, băn khoăn của bà con kiều bào, giúp cho kiều bào giải tỏa tâm lý, nhận thức đầy đủ hơn về tình hình đất nước, về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời Đoàn cũng trao đổi về công tác vận động, tập hợp kiều bào, nhất là thế hệ trẻ; về các biện pháp xây dựng lực lượng nòng cốt, chống lại sự lôi kéo của các lực lượng chống đối… đòi hỏi các cơ quan đại diện tăng cường hơn nữa trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, chăm lo cho cộng đồng.

Qua tiếp xúc, trao đổi, bà con kiều bào đã hiểu thêm về tình hình trong nước, tin tưởng hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng và khẳng định lòng yêu nước thiết tha, luôn hướng về Tổ quốc. Cùng với chuyến làm việc, khảo sát, nghiên cứu tại Hungary, Áo, và Cộng hòa Séc năm 2014 của đồng chí Hà Thị Khiết, chuyến làm việc, khảo sát, nghiên cứu lần này một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị. Chuyến công tác cũng là bước triển khai trên thực tế kết quả chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần tăng cường công tác đối với cộng đồng, động viên bà con kiều bào đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, gắn bó với quê hương đất nước và làm cầu nối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Ca-na-đa và Mỹ. 

Bùi Tuấn Quang
Chánh Văn phòng ban Dân vận Trung ương

TẠP CHÍ IN