Thứ Bảy, 27/4/2024

5 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Sóc Trăng

Qua 5 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo”  tỉnh Sóc Trăng đã đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tăng cường đoàn kết, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai đạt kết quả thiết thực được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần cùng Đảng bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015.          

Ngay sau khi Ban Dân vận Trung ương phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị vào năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành nội dung thi đua trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo sức lan tỏa, huy động đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

5 năm qua, toàn tỉnh xây dựng trên 22.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị; qua đó, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên về công tác dân vận, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giải quyết có hiệu quả những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đến nay có trên 3.800 mô hình “Dân vận khéo” về sản xuất, kinh doanh giỏi; xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế trang trại; vận động các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp đất, hoa màu và hàng trăm tỷ đồng cùng Nhà nước thực hiện các công trình, dự án phục vụ dân sinh.

Nổi bật là phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Mỹ Xuyên chọn xã Hòa Tú 2 làm điểm chỉ đạo của tỉnh; tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy cụ thể thành 11 nội dung thuộc trách nhiệm của cộng đồng và người dân để tuyên truyền, vận động đăng ký thực hiện. Chỉ riêng năm 2014, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng và sửa chữa trên 78.000m đường bê tông và đường nhựa; đắp trên 300.000m đường; nạo vét 236.000m kênh; sửa và xây mới 282 cây cầu; trồng trên 1.400.000 cây xanh; vận động nhân dân hiến 112.000m2 đất và 41.450 ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học... Qua đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với các huyện tổ chức hội nghị biểu dương 270 gia đình tiêu biểu tham gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 11 xã điểm hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 50% chỉ tiêu Nghị quyết. Một số mô hình tiêu biểu như mô hình “Hợp tác sản xuất, cánh đồng mẫu” của Hội Nông dân tỉnh; mô hình “Phong trào thi đua Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” của Khối Dân vận xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên; mô hình “Vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn” của ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách; mô hình “Dân vận khéo về tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo” của Đồn Biên phòng Vĩnh Châu… Đến năm 2015, toàn tỉnh có 219 cánh đồng mẫu, năng suất bình quân 6,62 tấn/ha. Tổng sản lượng lúa của tỉnh năm 2015 ước đạt 2,25 triệu tấn, đạt 122% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, việc triển khai, thực hiện Chương trình phối hợp giữa khối dân vận với lực lượng vũ trang tỉnh đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền, vận động thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự hàng năm đạt 100% chỉ tiêu trên giao; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; phối hợp chỉ đạo điểm mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao chất lượng hoạt động dân vận, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở”, mô hình công tác dân vận trong những vùng nhạy cảm, phức tạp; hướng dẫn xây dựng mô hình cổng an ninh tự quản, mô hình bến bãi an toàn, mô hình làm giảm tội phạm và các tệ nạn xã hội, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Qua tuyên truyền, vận động, nhân dân cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng vũ trang chủ động, phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm; phối hợp giáo dục cảm hóa và đưa ra xử lý một số phần tử lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; Quân sự tỉnh phối hợp tổ chức Tết Quân - Dân với nhiều hoạt động thiết thực như: xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, giúp nhân dân nâng cấp, sửa chữa các công trình phúc lợi, tổ chức hội chợ đưa hàng hoá Việt về nông thôn; tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân.... Một số mô hình được đánh giá tốt như: “Vận động tham gia phát triển kinh tế, xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; cứu hộ, cứu nạn” của Đồn Biên phòng Bãi Giá, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng; mô hình “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Phòng An ninh xã hội và mô hình: “Đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao chất lượng hoạt động Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể” của Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Sóc Trăng…

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, công tác dân vận của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đổi mới, đạt kết quả tích cực. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng về công tác dân vận có bước đổi mới theo hướng dân chủ, sâu sát cơ sở và nhân dân; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo các vấn đề dân sinh, dân chủ, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Quy chế dân chủ ở cơ sở được quan tâm thực hiện. Công tác dân vận của chính quyền có tiến bộ, nhất là trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức và công dân. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác dân vận trong vùng có đông đồng bào tôn giáo, dân tộc được thực hiện có hiệu quả, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức nhiều mô hình hoạt động, tiêu biểu như: phối hợp xây dựng các tổ kinh tế hợp tác sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mô hình “thoát nghèo bền vững”; mô hình “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Tuổi trẻ Sóc Trăng chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào “5 không, 3 sạch”; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”…; phong trào thi đua “Dân vận khéo” được kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, 5 năm qua đã có trên 2.200 đoàn viên, hội viên được kết nạp vào Đảng.

Để công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được nhân rộng và phát huy trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần nhận thức sâu sắc hơn về  vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được triển khai thực hiện thường xuyên, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”; Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 10-KL/TU của Tỉnh ủy về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Thứ hai, Ban Dân vận các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy tập trung chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”. Qua đó, nâng cao hiệu quả các phong trào, vận động toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Phong trào thi đua phải được tuyên truyền tốt, tổ chức thường xuyên, liên tục, lấy hiệu quả làm thước đo, tránh làm phô trương, hình thức.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình tập hợp quần chúng; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với truyền thống lịch sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng cùng những thành tựu to lớn trong hơn 20 năm từ khi tái lập tỉnh, với hơn 1,3 triệu dân năng động, sáng tạo là những thuận lợi cho công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng tiếp tục phát huy hiệu quả, tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân; phấn đấu đến năm 2020, Sóc Trăng trở thành tỉnh có mức phát triển khá so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hồ Thị Cẩm Đào

TẠP CHÍ IN