Thứ Bảy, 8/2/2025

“Vì dân” và “hành động”

Vì nhân dân là bản chất của Nhà nước ta - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Điều đó có nghĩa là nhân dân lập ra Nhà nước của mình, thay mặt mình quản lý đất nước, quản lý xã hội; trong toàn bộ hoạt động của mình, Nhà nước có bổn phận  phục vụ nhân dân vô điều kiện; trong đó, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đúng nghĩa là công bộc của nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về Nhà nước và dân chủ suy cho cùng là như vậy. Nhưng trên thực tế cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng ở chừng mực nào đó tư tưởng “Vì dân” vẫn còn nặng về hô hào, khẩu hiệu, chưa trở thành hành động thực tế của không ít các “công bộc” của dân trong các cơ quan công quyền.

Sau Đại hội XII của Đảng, Quốc hội đã tiến hành kiện toàn lại chức danh lãnh đạo cấp cao các cơ quan Nhà nước. Điều đáng mừng, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương đã thể hiện khá rõ nét tư duy mới trong chỉ đạo, điều hành hướng vào phục vụ nhân dân.

* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Có dân là có tất cả. Không có dân là không thành công”

Trong cuộc họp Chính phủ diễn ra trong ngày 4 và 5/5 vừa qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc, ngoài việc thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội và những vấn đề quan trọng khác, phiên họp còn thảo luận về những định hướng, quan điểm lớn của Chính phủ về phương thức chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng, nói không với tiêu cực, nói không với lãng phí, một Chính phủ làm gương cho xã hội về nói đi đôi với làm. Tăng cường kỷ cương phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật không nghiêm, kỷ cương phép nước không nghiêm, đặc biệt là khu vực hành chính công. Để làm được điều này, người đứng đầu Chính  phủ cho rằng cần phải phát huy, bảo đảm quyền dân chủ của người dân. Dân chủ và kỷ cương là hai vấn đề quan trọng có quan hệ mật thiết với nhau trong xã hội.

Thủ tướng nêu lên yêu cầu phải phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, Chính phủ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách với sự tham gia của người dân, quyết tâm xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.

Theo đó, Chính phủ phải chuyển mạnh từ phương thức quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ phục vụ, hướng tới doanh nghiệp và người dân, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp. Thủ tướng khẳng định: “Có dân là có tất cả. Không có dân là không thành công”, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân; phải nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Sẽ làm cho Quốc hội ngày càng đổi mới, gần dân hơn”

Đó là lời hứa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với cử tri quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ trong dịp về gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, ngày 4/5 vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định sẽ giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, trước và sau kỳ họp Quốc hội sẽ về đây gặp gỡ, báo cáo với cử tri việc Quốc hội đã, đang và sẽ làm, nghe ý kiến, tiếp nhận kiến nghị đề xuất bà con cử tri để đưa các bộ ngành, cơ quan Chính phủ nghiên cứu, giải quyết; sẽ tập trung thời gian, công sức để làm sao cụ thể hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng thành luật pháp của Nhà nước; làm cho Quốc hội ngày càng đổi mới, gần dân hơn, minh bạch, công khai rõ ràng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Là một cán bộ của Đảng, của Nhà nước và là đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là một công dân của đất nước, tôi và các ứng cử viên sẽ làm hết trách nhiệm, việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì không có lợi cho dân thì không làm. Chính sách pháp luật phải đứng trên lợi ích của nhân dân, không cục bộ của ngành, địa phương, nhóm để quyết định…”.

* “Vì dân” và “Hành động”

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ tại 2 thành phố lớn nhất nước, cả Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đều yêu cầu bộ máy chính quyền phải hoạt động ngay lập tức để phục vụ người dân, dừng mọi hoạt động chúc tụng, lễ lạt.

Ngày đầu xuân ở Hà Nội, Bí thư Hoàng Trung Hải xắn quần lội ruộng cấy cày với dân; nhắc nhở các cán bộ dưới quyền “Khối lượng công việc nhiều như nước sông Hồng, còn rất nhiều nhiệm vụ cấp bách, trong khi thời gian không còn nhiều”. Còn ở TP.Hồ Chí Minh, Bí thư Đinh La Thăng xuống gặp dân vùng quê hương cách mạng Củ Chi, làm việc với cấp ủy, các ngành của thành phố để chấn chỉnh thái độ, tác phong, trách nhiệm phục vụ nhân dân, giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội. Đó là những chỉ dấu đáng mừng cho thấy sự gắn bó mật thiết, vì dân, không xa dân của những người lãnh đạo ngay từ buổi đầu tiên nhậm chức.

Tuy nhiên, cái người dân cần chắc chắn không phải là những lời nói suông của lãnh đạo. Đúng như Bí thư Đinh La Thăng nói với các cán bộ lãnh đạo huyện Củ Chi: “Các anh nói dở mà làm được nhiều cho dân thì họ sẽ theo. Cán bộ phải ít họp hành lại mà xuống dân, gần dân. Tôi đề nghị làm gì thì phải công khai cho dân biết việc làm của chính quyền, chúng ta phải vì dân, vì dân và vì dân. Hành động, hành động và hành động”. Thông điệp mạnh mẽ đó đã truyền cảm hứng và tiếp lửa cho những cán bộ vì dân của thành phố này.

Nói hay nhưng làm dở hoặc không làm là căn bệnh kinh niên của không ít cán bộ thời nay. Và người dân đã quá ngán với những loại mỹ từ, lớp lang, bài bản trong không ít diễn văn, phát ngôn của không ít cán bộ có chức quyền. Chính vì vậy, “nói dở mà làm nhiều”, làm hay như Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu chắc chắn không những dân sẽ tin theo mà còn ghi nhận và tôn vinh. Ngược lại, nói mà không làm sẽ mất niềm tin nơi dân và uy tín cũng chẳng còn.

“Vì dân” và “hành động” - ắt hẳn đó là điều mọi người dân đều chờ đợi và mong mỏi ở các vị lãnh đạo, cán bộ các cấp trong giai đoạn mới hiện nay.

Trung Kiên

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN