Thứ Bảy, 8/2/2025

Giải quyết khiếu kiện của ngư dân thị xã Sầm Sơn - Những vấn đề rút ra

Trong những ngày đầu tháng 3/2016, nhiều ngư dân của thị xã Sầm Sơn đã tập trung trước cổng Trụ sở một số cơ quan cấp tỉnh và UBND thị xã Sầm Sơn kiến nghị không di dời bến đậu thuyền, bè, mủng đánh bắt hải sản của ngư dân. Việc khiếu kiện đông người của ngư dân đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn thị xã Sầm Sơn và thành phố Thanh Hóa. Ngay sau cuộc tiếp xúc đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vào sáng ngày 07/3/2016 với chủ phương tiện thuyền, bè, mủng đang đậu đỗ tại bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại thị xã Sầm Sơn và thành phố Thanh Hóa đã ổn định, mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày trở lại bình thường, không còn tình trạng ngư dân thị xã Sầm Sơn tập trung đông người đi khiếu kiện.

Từ chủ trương… đến nhận thức của người dân

Chủ trương cải tạo và chỉnh trang không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn đã có từ cuối năm 2015. Dự án được triển khai trên bờ biển thuộc địa bàn xã Quảng Cư và 3 phường: Trường Sơn, Bắc Sơn và Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn). Trong cải tạo, chỉnh trang có chủ trương giải tỏa thuyền, bè, mủng của ngư dân 4 xã, phường trong vùng dự án có công suất máy chính dưới 20CV và đóng mới, mua mới tàu cá có công suất từ 30CV đến dưới 400CV; đồng thời chuyển bến neo đậu thuyền, bè, mủng khai thác hải sản của ngư dân đến vị trí mới phù hợp. Để hỗ trợ ngư dân thực hiện việc giải tỏa, đóng mới tàu thuyền và di chuyển bến thuyền, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 705/2016/QĐ-UBND ngày 01/3/2015 về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án trên và có giá trị hỗ trợ, đền bù cao hơn nhiều so với các dự án đã triển khai trước đây. Có thể thấy, đây là một chủ trương đúng, phù hợp với xu thế và đã được nhiều địa phương trên cả nước có biển và bờ biển du lịch triển khai, nhằm khắc phục tình trạng du lịch thời vụ một mùa trong năm; góp phần khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng du lịch của thị xã Sầm Sơn, xây dựng bãi biển Sầm Sơn trở thành một trong những bãi biển đẹp ở phía Bắc cũng như cả nước.

Tuy nhiên, do người dân chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương của tỉnh, lợi ích của chính sách mang lại; chưa coi đây là cơ hội để thay đổi và nâng cấp chất lượng nghề đánh bắt thủy hải sản; một phần vì mưu sinh trước mắt; hiểu biết pháp luật còn hạn chế và bị một số kẻ xấu lợi dụng, xúi giục, kích động nên đã có nhiều phản ứng tiêu cực. Trong khi đó, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương của cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa kịp thời; công tác tuyên tuyền hiệu quả thấp; sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở cơ sở chưa đồng bộ, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong giải quyết vấn đề. Vì vậy, trong khi tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo nào quy định về thời hạn phải di dời bến thuyền ra khỏi dự án trước khi xây dựng được bến mới thì đã có tin đồn phải di dời khiên cho ngư dân một số xã, phường của thị xã Sầm Sơn tụ tập đông người, kéo đến nơi làm việc của các cơ quan của tỉnh, thị xã để khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và hoạt động bình thường của một số cơ quan nhà nước và dân cư trên địa bàn.

Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm

Từ sự việc tập trung khiếu kiện đông người của ngư dân thị xã Sầm Sơn, hệ thống chính trị, nhất là hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể ở cơ sở đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư và giải quyết các vấn đề liên quan khiếu kiện đông người, vượt cấp. Từ thực tiễn giải quyết khiếu kiện có thể rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác dân vận trong triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội như sau: 

Thứ nhất, khi địa phương có các chủ trương, dự án có liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, đến quyền lợi của người dân thì cấp uỷ, chính quyền cần xác định tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện là ưu tiên hàng đầu. Ngay từ khi có chủ trương và triển khai thực hiện thì cấp uỷ, chính quyền địa phương nên lấy ý kiến tham gia của hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể, có sự bàn bạc thống nhất với người dân chịu ảnh hưởng của dự án, từ đó đề ra được những giải pháp huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Kết hợp tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân hiểu đầy đủ về chủ trương, về lợi ích của dự án mang lại đối với đời sống của bản thân, gia đình và địa phương. Tuỳ theo từng thành phần, đối tượng mà có những hình thức tuyên truyền, vận động cho phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.

Ở Sầm Sơn, mặc dù hệ thống chính trị ở cơ sở thị xã Sầm Sơn đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhưng do nhận thức người dân chưa đầy đủ về chủ trương, lợi ích của dự án mang lại nên dẫn đến khiếu kiện; trong khi đa số ngư dân trình độ nhận thức hạn chế, hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ, thời gian hầu hết giành cho đi biển, cách triển khai thực hiện và phương pháp tuyên truyền, vận động chưa phù hợp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền theo đúng quan điểm của Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI): “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, MTTQ, các đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt’’. Điều này có ý nghĩa quan trọng trọng công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án. Các cấp chính quyền cần chủ động nắm chắc tình hình và giải quyết công khai, minh bạch những việc liên quan đến đời sống nhân dân. Trước khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cán bộ làm công tác kiểm kê, áp giá, đền bù... cần thông tin đầy đủ đến các hộ bị ảnh hưởng về chủ trương, về mức đền bù, phương án giải toả...; sau đó thống nhất phương án với nhân dân, nhất là việc xây dựng các khu tái định cư, khu chuyển đến xong trước khi thực hiện các bước giải phóng mặt bằng.

Sự việc ở Sầm Sơn cho thấy, trước khi thực hiện di dời bến đậu thuyền, bè, mủng đánh bắt hải sản của ngư dân thì chính quyền cần lắng nghe nguyện vọng và thống nhất với các hộ dân về nơi xây dựng các bến bãi, bến neo đậu thuyền, mủng ở những nơi phù hợp. Đồng thời, sớm xây dựng xong các bến mới và đưa ra các giải pháp chuyển đổi nghề phù hợp cho các hộ có nguyện vọng kết hợp với tuyên truyền để người dân hiểu đồng thuận thực hiện. Điều này chính quyền địa phương làm chưa đạt yêu cầu như đánh giá của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ tại buổi đối thoại.

Thứ ba, khi cấp uỷ, chính quyền đã tổ chức, triển khai các biện pháp theo quy trình, nhưng vẫn có dấu hiệu phức tạp thì cần nắm chắc tình hình, dự báo các tình huống có thể xảy ra; rà soát, phân loại đối tượng để tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích, phân tích, vận động; phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, thực hiện phương châm đến từng nhà, gặp từng hộ, “mưa dầm thấm lâu”… để người dân nhận thức đầy đủ và đồng thuận. Đồng thời, lấy các hộ gia đình thực hiện tốt để nêu gương, tuyên truyền đối với các hộ gia đình khác. Mặt khác, cần xây dựng các phương án ứng phó trong trường hợp  khiếu kiện đông người, vượt cấp, bị kẻ địch lợi dụng, kích động gây mất an ninh trật tự. Điều quan trọng là phải dự báo, phát hiện sớm vấn đề, phối hợp giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, tránh hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm sự việc phức tạp hơn, phát sinh thành điểm nóng sẽ rất khó xử lý.

Thứ tư, nếu xảy ra các vấn đề phức tạp như tụ tập đông người, khiếu kiện vượt cấp làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự; hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể cần chủ động nắm chắc tình hình ở cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên hiểu và nhận thức đầy đủ về chủ trương, chính sách; vận động người dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục, kích động tham gia tụ tập đông người, khiếu kiện vượt cấp gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, vi phạm pháp luật; đồng thời rà soát, phân loại đối tượng, dự báo tình hình, đề xuất các giải pháp với cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết kịp thời, tránh hiện tượng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. 

Thứ năm, khi vấn đề dự báo phức tạp hơn, hệ thống dân vận cần phối hợp tham mưu để người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện đối thoại trực tiếp, giải quyết các kiến nghị của các hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền thì cần trả lời ngay tại buổi đối thoại; đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền cần tiếp thu, trao đổi và hứa thời gian cụ thể trả lời với nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân thực hiện tốt các chủ trương theo kế hoạch, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không khiếu kiện đông người, vượt cấp làm mất an ninh trật tự; chỉ đạo xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật.

Sự việc ở thị xã Sầm Sơn được giải quyết khi người đứng đầu của tỉnh đã đối thoại, giải quyết trực tiếp những kiến nghị của người dân; qua đối thoại người dân nhận thức đầy đủ hơn, ủng hộ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đó là vì sự phát triển tốt đẹp của thị xã Sầm Sơn, của tỉnh Thanh Hoá, cũng như vì chính lợi ích lâu dài của mỗi người dân nơi đây. 

Trương Công Tuấn
Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN