Thứ Bảy, 8/2/2025

Đoàn kết lương giáo và vai trò của chức sắc tôn giáo trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Đại hội đã xác định 12 nhiệm vụ tổng quát phải thực hiện, trong đó nhiệm vụ thứ 9 xác định rõ: “… không ngừng củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội…”. Nước ta là một quốc gia đa tôn giáo, đồng bào theo các tôn giáo khoảng 25 triệu người, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 83 ngàn chức sắc, tu sĩ; đồng bào các tôn giáo là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc đoàn kết lương giáo, phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Trước hết, đoàn kết lương giáo là tạo môi trường xã hội ổn định để phát triển. Ngay từ khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định đoàn kết lương giáo là vấn đề chiến lược, Hồ Chủ tịch từng kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, đoàn kết cùng Chính phủ và toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà, Người nói: Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ vững nền độc lập, toàn thể đồng bào ta không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến để giữ gìn non sông, Tổ quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, sau Ngày Độc lập 02/9/1945 không lâu, các giám mục và đồng bào Công giáo Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nhà nước tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại.

Trong những năm đổi mới vừa qua, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo được thể hiện trong Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo; cùng với sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, đoàn kết lương giáo không ngừng được củng cố, tăng cường. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia. Từ đó, tạo môi trường xã hội ngày càng ổn định; là yếu tố quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư và tập trung cho phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch và lực lượng chống đối luôn lợi dụng sơ hở, thiếu sót của ta trong tổ chức, thực hiện chính sách nói chung, chính sách tôn giáo nói riêng để kích động, gây chia sẽ đoàn kết lương giáo, tạo nên những mâu thuẫn, bức xúc dẫn tới bất ổn về xã hội và cao hơn là bất ổn về chính trị. Do đó, để giữ vững ổn định về chính trị, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, một trong những yếu tố hết sức quan trọng là phải tiếp tục củng cố và không ngừng tăng cường đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, giữa đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo. Tôn trọng và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; những vấn đề phát sinh liên quan đến tôn giáo cấp ủy đảng, chính quyền phải quan tâm chỉ đạo và giải quyết kịp thời.

Thứ hai, đoàn kết lương giáo nhằm phát huy những mặt tích cực, tính nhân văn của các tôn giáo phù hợp với mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và con người Việt Nam; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bản chất các tôn giáo đều chứa đựng những giá trị nhân bản sâu sắc; luôn khuyên răn, hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ; hoạt động của các tôn giáo luôn hướng tới phục vụ con người. Các tôn giáo ở Việt Nam dù là nội sinh hay du nhập từ bên ngoài đều chứa đựng trong giáo lý của mình những lời khuyên làm điều thiện, tránh điều ác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về các vị sáng lập ra các tôn giáo đã viết: Chúa Giê-su dạy: đạo đức là bác ái; Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi; Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa. Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Điều này, cũng được thể hiện rõ trong đường hướng hành đạo của các tôn giáo: Công giáo “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Phật giáo “Đạo pháp, dân tộc và CNXH”; Tin Lành ‘’Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; Cao Đài “Nước vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo “Vì đạo pháp, vì dân tộc”; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam “Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân”... Trong Huấn dụ của Giáo hoàng Benedict XVI gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam, đã nhắc nhở: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Như vậy, giáo lý của các tôn giáo không hề mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng CNXH ở nước ta, mà trái lại giáo lý và đường hướng hành đạo của các tôn giáo vừa phù hợp với đạo lý, truyền thống, văn hóa của dân tộc, vừa phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Thực tế cho thấy, các tôn giáo đã và đang hết sức tích cực và chủ động tham gia vào các hoạt động chăm lo xây dựng và phát triển con người, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; khuyến khích, động viên tín đồ tích cực phát triển kinh tế, tham gia giáo dục mầm non, dạy nghề, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo; tham gia xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn; tham gia xây dựng hạ tầng giao thông trong khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tu sỹ, bà con tín đồ tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông... 

Để phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD- 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (tháng 5/2014), Hội đồng Giám mục Việt Nam ra Bản lên tiếng về tình hình Biển Đông, kêu gọi người Công giáo Việt Nam “tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ quốc”. Hưởng ứng lời kêu gọi trên, bà con giáo dân cả nước đã quyên góp 3 tỷ đồng để ủng hộ bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Ngày 10/5/2014, hơn 1.150 đại biểu từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ dự Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc - Vesak đã đồng thuận ký Tuyên bố chung Ninh Bình 2014, bày tỏ sự bất bình trước hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Ngày 12/5/2014, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra Thông điệp về hòa bình tại Biển Đông gửi Chư vị Tôn túc lãnh đạo, Tăng Ni Phật tử Phật giáo trên thế giới và gửi Hòa thượng Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc... Những hành động cụ thể trên đã minh chứng: Là người Việt Nam dù theo hay không theo tôn giáo, dù ở trong hay ngoài nước luôn tỏ rõ ý chí, quyết tâm của con dân đất Việt, sẵn sàng làm mọi việc để góp phần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.  

Từ thực tiễn trên đây cho thấy, các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; quan tâm và tham gia tích cực, sâu sắc vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thể hiện rõ tinh thần dấn thân để phục vụ Tổ quốc, phục vụ hạnh phúc của nhân dân.

Thứ ba, đoàn kết lương giáo, phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đất nước đã được xác định trong giai đoạn 2016 - 2021. Chức sắc tôn giáo là những nhà lãnh đạo tinh thần, có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong các tổ chức tôn giáo; có tầm ảnh hưởng lớn đối với bà con tín đồ. Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng: chức sắc các tôn giáo là những người thay mặt đức Chúa, đức Phật... “chăn dắt” phần hồn tín đồ các tôn giáo; giáo dân tin họ, nghe theo họ tức là tin và nghe theo đức Chúa, đức Phật; uy tín và tiếng nói của họ đối với tín đồ tôn giáo là rất lớn. Và chính Hồ Chủ tịch luôn bày tỏ thái độ thân thiện, đoàn kết, thân ái và cộng tác khá chặt chẽ với nhiều vị chức sắc tôn giáo nổi tiếng như: Giám mục Lê Hữu Từ, Linh mục Phạm Bá Trực, Thượng toạ Thích Mật Thế, Chưởng quản Cao Triều Phát...

Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh, lúc nào và ở đâu có sự quan tâm, chú trọng phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, thì ở đó việc triển khai các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào tôn giáo sẽ gặp thuận lợi, tạo được sự đồng thuận của bà con tín đồ, việc tổ chức thực hiện đạt kết quả cao. Điển hình như tỉnh Đồng Nai, địa phương có số lượng chức sắc, tu sĩ chiếm hơn 14,4% tổng số chức sắc, tu sĩ cả nước; việc thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc đã triển khai và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tiên của cả nước đã chứng minh rất rõ vì đã làm tốt công tác tranh thủ, phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, nhất là vai trò của các vị linh mục chánh xứ và ban hành giáo các xứ, họ đạo Công giáo trên địa bàn trong vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định, đa số chức sắc, tu sĩ có tinh thần dân tộc, yêu nước, ủng hộ công cuộc xây dựng xã hội mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; họ sẵn sàng hưởng ứng và nhắc nhở tín đồ tham gia các hoạt động có ích cho đạo, có lợi cho đời mỗi khi được mời gọi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít chức sắc, tu sĩ chưa đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương. Trong quan hệ còn e ngại, giữ khoảng cách với chính quyền; cá biệt có trường hợp vẫn còn thành kiến, đố kỵ với cách mạng. Vấn đề đặt ra là cần đánh giá đúng vị trí ảnh hưởng của họ đối với tín đồ và xã hội; chủ động gặp gỡ, trao đổi, cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin cần thiết; tôn trọng và phát huy vai trò của chức sắc là hết sức cần thiết bởi nguồn lực của 25 triệu đồng bào các tôn giáo ở nước ta là hết sức to lớn. Do đó, việc tiếp tục tăng cường đoàn kết lương giáo; coi trọng phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo là nhân tố quan trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

 

 

Đỗ Văn Phớn
Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo CQTT Ban Dân vận TW tại TP. Hồ Chí Minh (T78)

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN