Công tác dân vận là trách nhiệm, là việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Việc nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi để làm rõ hơn, hiểu đúng hơn về dân vận, thực hành dân vận, trong đó có quy trình dân vận càng cần thiết và có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và hướng tới kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Trong tác phẩm “Dân vận” bất hủ, tác phẩm được coi là cương lĩnh về công tác dân vận của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.
Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.
Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rất rõ yêu cầu dân vận trong thực thi công việc của Đảng, Chính phủ, đoàn thể. Việc dân vận phải được tiến hành đồng bộ theo các bước, có sự phối hợp, phân công chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong thực thi công việc theo những yêu cầu cụ thể: tuyên truyền, giải thích người dân hiểu; lập kế hoạch và tổ chức nhân dân thi hành công việc; theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân; sơ kết, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Như vậy, việc dân vận phải được thực hiện đầy đủ yêu cầu theo quy trình, đó là:
Thứ nhất, giải thích cho nhân dân hiểu. Tìm mọi cách để giải thích thấu đáo cho mỗi một người dân. Thông qua hệ thống thông tin, tuyên truyền; vai trò của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân, người có uy tín, người cao tuổi, già làng, trưởng bản để vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân... bằng nhiều cách tiếp cận để giải thích cho từng đối tượng, từng người dân, không để sót một ai. Việc giải thích phải có tình, có lý, thấu đáo để người dân hiểu rõ ràng việc đó là có lợi ích cho họ; quá trình giải thích phải kiên trì, quyết tâm cao, không nóng vội.
Thứ hai, lắng nghe dân và tổ chức toàn dân thi hành công việc. Bất cứ công việc gì đều phải bàn bạc, hỏi ý kiến, kinh nghiệm của dân. Nhân dân là người am hiểu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn; là người trực tiếp thực hiện các công việc, cho nên phải tổ chức các cuộc họp, trao đổi để nhân dân góp ý, hiến kế, góp công, góp sức vào thực thi công việc. Lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân có ý nghĩa quan trọng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả của công việc.
Khi có sự ủng hộ của nhân dân, thì cùng nhân dân lập kế hoạch cụ thể, thiết thực, phân công trách nhiệm rõ ràng và tổ chức toàn dân ra thi hành công việc. Tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đều phải thực sự nhúng tay vào việc, đi sát cùng nhân dân, hướng dẫn, bày cách làm; đồng thời xung phong thi đua nêu gương và làm mẫu để mọi người noi theo.
Thứ ba, trong lúc thi hành công việc phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải bám sát công việc, theo dõi chặt chẽ, nhất là những nơi, những việc gặp khó khăn để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động, học tập cách làm hay, sáng tạo để khuyến khích nhân dân trong quá trình thực hiện công việc.
Thứ tư, thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Mỗi một công việc, dù lớn hay nhỏ đều phải cùng dân tổ chức kiểm thảo, rút kinh nghiệm. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích; phê bình nghiêm túc những tập thể, cá nhân có khuyết điểm.
Trong thời kỳ mới, công tác dân vận được Đảng và Nhà nước tăng cường quan tâm, có nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và hành động. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới. Công tác vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi đã công bố số điện thoại, hòm thư điện tử; đối thoại với công nhân, thanh niên, doanh nghiệp... Thông qua đó đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp, của nhân dân.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực trong ứng xử, giao tiếp với người dân; gương mẫu, chăm lo chia sẻ, cùng giải quyết các công việc của dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tăng cường bám địa bàn, bám cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cùng lo việc với dân, giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Những năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động, bất ổn. Trong nước, đông đảo các tầng lớp nhân dân luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên đã hăng say lao động, sản xuất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại nhân dân; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tự quản trong xây dựng, giải quyết những vấn đề ở khu dân cư, đơn vị cơ sở; tham gia xây dựng địa phương với ý thức trách nhiệm rất cao, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công làm đường, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi...; nhân dân đã góp phần quan trọng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, trong thực tiễn không ít tập thể, cá nhân thực hiện công tác dân vận còn nhiều hạn chế, yếu kém: nhiều nơi công tác vận động, giải thích cho người dân rất “qua loa đại khái”, thậm chí có nơi người dân không hiểu, không biết về những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; không ít nơi có dự án, công trình không bàn bạc, không hỏi ý kiến nhân dân; còn không ít cán bộ, công chức, viên chức sách nhiễu, ức hiếp dân, quan liêu, tham nhũng; việc kiểm thảo, rút kinh nghiệm cùng dân còn hình thức.
Nguyên nhân chính của hạn chế trên vẫn là do cấp ủy, chính quyền ở một số nơi nhận thức về vai trò của công tác dân vận chưa đầy đủ, chưa thực sự quan tâm chăm lo đến công tác dân vận; một số nơi do sự tha hóa về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nên đã “vô tình” hoặc cố tình không thực hiện đầy đủ quy trình dân vận. Đó là những vấn đề đã và đang đặt ra, cần được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ để công tác dân vận thực sự có hiệu quả hơn, thực chất hơn.
Quan điểm của Bác về công tác dân vận luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, không chỉ có ý nghĩa sâu sắc trong quá khứ mà càng quan trọng, thấm thía hơn trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Trước yêu cầu mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhất là những người được phân công làm tham mưu, phụ trách công tác dân vận ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương của Đảng ta về công tác dân vận; nắm chắc và nghiêm túc thực hiện quy trình dân vận theo chỉ dẫn của Bác để Đảng và dân cùng thống nhất ý chí, hành động trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.