Đồng bào Vân Kiều sinh sống chủ yếu ở khu vực các huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Cho đến nay, hầu hết người Vân Kiều ở đây đều lấy họ Hồ làm họ chung của mình. Tuy nhiên xung quanh mốc thời gian đồng bào Vân Kiều ở các tỉnh miền Trung mang họ Hồ từ khi nào, thì đến nay vẫn chưa tìm ra được bút tích, tài liệu, văn bản nào ghi rõ, vì thế đã có khá nhiều cách lý giải khác nhau về sự kiện này. Trong đó, hiện nay ở Quảng Bình đang có lưu truyền một số câu chuyện kể về nguồn gốc đồng bào dân tộc Vân Kiều ở đây mang họ Hồ của Bác Hồ kính yêu. Nhân dịp cả nước đang chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, xin được kể lại câu chuyện về nguồn gốc đồng bào Vân Kiều ở địa bàn miền tây Quảng Bình mang họ Bác Hồ đã và đang được lưu truyền lâu nay, để thấy được tình cảm chung thủy, sắt son mà đồng bào đã dành cho Đảng, cho Tổ quốc và cho Bác Hồ kính yêu.
Mốc thời gian thứ nhất được xác định vào năm 1946, trong kỳ tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mốc thời gian này được tác giả nghe các cụ cao niên, các bậc lão thành cách mạng ở Quảng Bình kể lại và được nghe lưu truyền trong giai thoại dân gian chứ hoàn toàn chưa tìm được một tài liệu nào ghi lại cả.
Cụ Châu Đình Khóa, một cán bộ lão thành cách mạng hiện nay vốn sinh sống ở xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đã từng kể lại rằng: Để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1946, ngay từ cuối năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, công tác điều tra, lập danh sách cử tri bầu cử đã được các tổ điều tra cử tri khắp cả nước thực hiện. Là người có nhiều hiểu biết về khu vực miền tây huyện Lệ Thủy, nên cụ Châu Đình Khóa và Tổ điều tra của cụ đã được phân công lên điều tra, lập danh sách cử tri ở vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều huyện Lệ Thủy.
Được gặp gỡ cán bộ dưới xuôi lên công tác, được nghe kể về cách mạng, về cụ Hồ, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở đây ai cũng vui, phấn khởi và nóng lòng chờ đến ngày đi bỏ phiếu bầu cử. Tuy nhiên, khi tiến hành lập danh sách cử tri, thì Tổ điều tra của cụ Khóa đã gặp rất nhiều khó khăn vì đa số đồng bào ở đây chỉ có tên mà không có họ. Thấu hiểu được những khó khăn của Tổ công tác, già bản của một bản Vân Kiều đã bộc bạch, giãi bày với các cán bộ điều tra rằng: “Đồng bào miềng không có họ mô. Mấy đời ni chỉ biết có cái tên gọi nhau thôi. Đến cái tên miềng mà có khi cũng ít ai nhớ đến, vì khi có con thì người trong bản thường gọi theo tên con, có cháu thì gọi theo tên cháu thôi à!”.
Không thể lập được danh sách cử tri cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, có nghĩa là họ sẽ không được thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, trong khi cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đang đến gần. Sau khi hội ý để tìm cách khắc phục, đã có người trong Tổ điều tra đưa ra ý tưởng, là lấy họ Hồ từ tên Bác Hồ ghi vào trước tên của những người Vân Kiều chưa có họ. Sau khi nghe cán bộ trong đoàn giải thích: “Bây giờ đất nước ta được độc lập, tự do là nhờ công ơn to lớn của Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Bác Hồ kêu gọi đồng bào cả nước tham gia bầu cử. Đồng bào Vân Kiều mình cũng phải có họ để ghi vào danh sách và thẻ cử tri”. Khi nghe nhắc đến Bác Hồ, già bản Vân Kiều đã rất phấn khởi và đề nghị: “Đồng bào miềng nhiều đời ni không có họ, nay Bác Hồ mang tự do cho đất nước miềng và đồng bào miềng, thì miềng xin mang họ Bác Hồ”.
Nghe ý nguyện đó của đồng bào ở đây, Tổ điều tra của cụ Khoá đã ghi họ Hồ vào tên các cử tri của bản Vân Kiều này. Thế là người Vân Kiều ở Lệ Thủy mang họ Hồ từ đó. Một số người trong các bản trước đây đã mang họ Hoàng, họ Nguyễn, họ Trần thì ghi theo họ của mình, còn lại những bà con chưa có họ thì được ghi thêm họ Hồ. Nghe chuyện của bà con dân tộc Vân Kiều ở vùng miền núi Lệ Thủy mang họ Bác Hồ, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở các bản, các làng khác ở Quảng Bình, rồi ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cũng xin được mang họ Bác Hồ trước khi bầu cử.
Đến nay, khi tìm hiểu sơ yếu lý lịch đảng viên của các cán bộ lão thành cách mạng người Vân Kiều ở 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã từng tham gia tổng tuyển cử năm 1946 và sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 - 1954, chúng tôi đều thấy các cụ đã mang họ Hồ từ khi đó, như cụ Hồ Đá, Hồ Nam, Hồ Y Van... ở xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy); các cụ Hồ Linh, Hồ Lội, Hồ Dội, Hồ R’Bố… ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh)…
Ngoài câu chuyện kể về nguồn gốc người Vân Kiều mang họ Bác Hồ ở trên, thì trong bài viết “Nhớ mãi ngày ấy…”, đăng trên cuốn Văn nghệ Quảng Ninh, số tháng 5/2009, tác giả Đỗ Duy Văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã ghi lại lời kể của ông Cổ Kim Thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình và cho rằng, thời gian đồng bào Vân Kiều mang họ Hồ của Bác Hồ được tính từ ngày 16/6/1957, ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình. Theo tác giả bài viết: Sau khi Bác Hồ làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, gặp gỡ đồng bào, thì đến 11 giờ rưỡi, khi Bác đang nghỉ trưa, có 2 đoàn đại biểu dân tộc Vân Kiều của xã Dân Hoá (huyện Tuyên Hóa) và xã Đình Phùng (huyện Lệ Thủy) bất ngờ vào gặp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đề đạt nguyện vọng xin được vào gặp và hỏi thăm sức khoẻ Bác Hồ.
Câu chuyện được tác giả Đỗ Duy Văn ghi lại nguyên văn như sau:
“Vừa gặp đồng bào, Bác hỏi ngay:
- Đồng bào đi đường xa, đến thăm Bác, Bác cảm ơn! Bà con dân tộc mình có mạnh khỏe không?”.
- Dạ thưa Bác, khỏe nhiều, vui hung!”.
- Gặp Bác, đồng bào có đề xuất gì không?”.
- Thưa Bác, đồng bào Vân Kiều nhớ Bác nhiều, nhắn xin Bác Hồ cho đồng bào miềng lấy họ Hồ của Bác đặt họ chung.
- Sao đồng bào không lấy họ của mình?
- Thưa Bác! Dân tộc Vân Kiều lâu lắm mất họ rồi!
Bác lặng đi, suy nghĩ rồi thân mật trả lời:
- Muốn vậy thì Bác đồng ý!
Thế là từ đó đồng bào Vân Kiều mang họ Bác Hồ”.
Tìm hiểu lý lịch của nhiều cán bộ cách mạng và người cao tuổi ở xã Trường Xuân và xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), chúng tôi nhận thấy, từ năm 1959 - 1960, cũng có rất nhiều người Vân Kiều ở xã này mang họ Hồ, như bác Hồ Thanh Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, vào Đảng những năm 60, bà Hồ Thị Khéo, ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân cũng mang họ Hồ từ năm 1960 và đã được gặp Bác Hồ…
Cho đến tận bây giờ, chưa thể khẳng định chính xác thời gian đồng bào Vân Kiều ở Quảng Bình mang họ Hồ và xin để dành câu hỏi này cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Nhưng có một thực tế hết sức cảm động, đó là nhiều đời nay, các thế hệ đồng bào Vân Kiều đều rất tự hào về họ của mình và biết ơn công lao to lớn của Đảng, của Bác Hồ đã giúp họ đổi đời và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.