Thứ Bảy, 8/2/2025

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ dân vận người dân tộc thiểu số, các tôn giáo trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh

Cơ quan dân vận và đội ngũ cán bộ dân vận (CBDV) là một bộ phận của đội ngũ cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, phụ trách công tác dân vận (CTDV) ở các cấp trong Quân đội. Đội ngũ CBDV và cơ quan dân vận các cấp có vai trò rất quan trọng thực hiện nhiệm vụ dân vận và đổi mới CTDV trong Quân đội ở các cấp. Đội ngũ CBDV và cơ quan dân vận các cấp là một trong những chủ thể quan trọng của CTDV trong Quân đội. Chất lượng, sự mạnh yếu của chủ thể đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của CTDV trong Quân đội.

Thực tiễn cho thấy, quá trình đổi mới CTDV trong Quân đội cần phải quan tâm trước hết đến việc bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì và CBDV chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm CTDV của đơn vị. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ phát triển của Quân đội mà hệ thống cơ quan dân vận các cấp được củng cố kiện toàn. Đội ngũ CBDV chuyên trách được bồi dưỡng nâng cao về phẩm chất và năng lực nghiệp vụ. Đến nay, Bộ chỉ huy quân sự và Bộ chỉ huy biên phòng các tỉnh, thành phố, sư đoàn đủ quân và tương đương trở lên được tổ chức ban dân vận; cấp trung đoàn và tương đương có bố trí cán bộ kiêm nhiệm phụ trách CTDV của đơn vị. Hoạt động của cơ quan dân vận ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ CBDV chuyên trách và cơ quan dân vận của Quân đội còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, như: Đội ngũ CBDV chuyên trách nhìn chung còn thiếu về số lượng, ở một số nơi phải kiêm nhiệm, coi cơ quan dân vận là nơi dồn dịch cán bộ dư biên chế, chờ giải quyết chính sách... do vậy khả năng tích luỹ, kế thừa, đầu tư chiều sâu, ổn định tư tưởng không cao, còn thiếu những chuyên gia giỏi, những cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực dân vận. Việc đào tạo, bồi dưỡng chưa cơ bản; một số ít cán bộ am hiểu tình hình còn hạn chế, chưa thật gần gũi, gắn bó với nhân dân.

Để phát huy vai trò đội ngũ CBDV người dân tộc thiểu số (DTTS), các tôn giáo trên địa bàn trọng yếu về QP-AN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới là một yêu cầu khách quan, là một giải pháp quan trọng của quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng CTDV trong Quân đội hiện nay. Để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, phải nắm vững những yêu cầu cụ thể về chất lượng đội ngũ CBDV người DTTS, các tôn giáo trên địa bàn trọng yếu về QP-AN

Nắm vững chất lượng đội ngũ CBDV người DTTS, các tôn giáo trên địa bàn trọng yếu về QP-AN hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là căn cứ để đánh giá, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng CBDV,  đáp ứng những yêu cầu cụ thể về phẩm chất, năng lực, phương pháp tác phong riêng của ngành mình. Các yêu cầu đó là:

Có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch của địa phương; thấm nhuần và vận dụng sáng tạo các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động quần chúng, nhất là các quan điểm về đổi mới CTDV của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết 49-NQ/QUTW “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”.

Nắm vững và cụ thể hoá các nghị quyết của tổ chức đảng các cấp và hướng dẫn của cơ quan cấp trên thành công việc cụ thể về CTDV của cấp mình. Phải là người có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với CTDV; phải có lòng yêu thương, kính trọng nhân dân; thật sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức và lối sống, có tác phong gần gũi với nhân dân, sâu sát cơ sở; có tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm...”. Có khả năng phát hiện, nắm bắt các vấn đề nảy sinh, tham mưu, đề xuất chính xác, kịp thời với lãnh đạo, chỉ huy những chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ dân vận. Có năng lực, kinh nghiệm và khả năng thuyết phục, vận động, hướng dẫn cho người khác thực hiện. 

Thứ hai, thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt đội ngũ CBDV người DTTS, các tôn giáo trên địa bàn trọng yếu về QP-AN

Để nâng cao chất lượng và phát huy vai trò, trách nhiệm đội ngũ CBDV người DTTS, các tôn giáo trên địa bàn trọng yếu về QP-AN, làm cho họ có đủ phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm tiến hành CTDV, phải thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cho họ những kiến thức cần thiết. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBDV phải được thực hiện một cách tích cực, chủ động, có kế hoạch bằng nhiều hình thức.

Hằng năm cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho CBDV, nhất là đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên sâu và cán bộ kiêm nhiệm CTDV ở các cấp; gửi cán bộ dự các lớp tập huấn CBDV ở các địa phương hoặc của toàn quốc. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng công tác, khả năng phân tích, đánh giá tình hình; phát hiện những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; chủ động, bình tĩnh trước các tình huống xảy ra; biết dự báo và lượng đón để có biện pháp tích cực, phù hợp.

Nâng cao kỹ năng công tác cho đội ngũ CBDV, tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đúng lúc, đúng cách và biết hướng dẫn, triển khai cho đơn vị thực hiện các nội dung của CTDV. CBDV cần có quan hệ rộng, với nhiều đối tượng khác nhau trong và ngoài đơn vị, phải bồi dưỡng, trang bị cho họ kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong công việc. Có thể tổ chức các cuộc hội thi, hội thao CBDV chuyên trách “Dân vận khéo” hoặc cán bộ kiêm nhiệm CTDV ở đơn vị cơ sở, qua đó nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của đội ngũ CBDV các cấp đáp ứng với yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng.

Việc bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ CBDV phải được gắn liền với việc phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của bản thân cán bộ trong tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện để ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Quá trình đó cần phải được kết hợp chặt chẽ với công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên và trách nhiệm của tổ chức đảng, người chỉ huy và các cơ quan chức năng.

Thứ ba, tạo nguồn CBDV tại chỗ người DTTS, vùng cao, vùng sâu, biên giới, biển đảo và các tôn giáo

Công tác xây dựng đội ngũ CBDV các cấp trong Quân đội phải thường xuyên coi trọng tạo nguồn tại chỗ, nhất là các địa bàn chiến lược quan trọng, người DTTS ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, biển đảo, các tôn giáo, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống dân trí thấp. Việc tạo nguồn CBDV tại chỗ người DTTS, các tôn giáo cần có những giải pháp cơ bản, đồng bộ cả về công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, quy hoạch, đào tạo, sử dụng để gìn giữ, thu hút cán bộ tại chỗ đáp ứng cho các yêu cầu, nhiệm vụ.

Cần nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội trong việc tạo nguồn cán bộ tại chỗ trên địa bàn chiến lược, nhất là người DTTS, các tôn giáo trên các địa bàn trọng yếu về QP-AN, coi đó là một chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Quá trình tạo nguồn phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới CTDV của Đảng ở vùng đồng bào DTTS; chú trọng công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng một cách hợp lý đội ngũ CBDV là người DTTS, cán bộ nữ, cán bộ vùng đặc biệt khó khăn và cán bộ đã trải qua công tác ở vùng biên giới. Tăng cường giáo dục định hướng nghiệp vụ quân sự cho thanh niên, học sinh với nhiều nội dung, hình thức phong phú đa dạng, thiết thực. Thường xuyên xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể tạo nguồn cán bộ người DTTS, các tôn giáo trên các địa bàn trọng yếu về QP - AN.

Thứ tư, thực hiện tốt việc đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ; đồng thời có chính sách, quy định phù hợp để phát huy khả năng, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ CBDV người DTTS, các tôn giáo trên địa bàn trọng yếu về QP - AN

Đánh giá, lựa chọn, sử dụng đội ngũ CBDV các cấp trong quân đội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy khả năng, trách nhiệm của mỗi người và cả đội ngũ CBDV. Đánh giá đội ngũ CBDV phải khoa học, biện chứng và xem xét cụ thể. Vì vậy, việc lựa chọn đội ngũ CBDV chuyên trách phải là những cán bộ có phẩm chất, năng lực và thật sự tâm huyết với “nghề” làm CTDV.

Về sử dụng đội ngũ CBDV chuyên trách: Đây là công việc mang tính khoa học, nghệ thuật. Việc bố trí, sử dụng CBDV chuyên trách phải căn cứ vào tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng của CBDV chuyên trách; phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ CTDV của Quân đội. Trong đó phải bố trí đúng người, đúng việc, đúng sở trường. Nên bố trí sử dụng một số cán bộ nghiên cứu, cán bộ chỉ đạo chuyên sâu theo các lĩnh vực, đối tượng riêng biệt, nhất là bố trí cán bộ chuyên sâu hoạt động dân vận ở vùng DTTS, nơi có “điểm nóng”, vùng đồng bào các tôn giáo...

Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBDV chuyên trách, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới, biển đảo, địa bàn trọng yếu về QP- AN cần phải bố trí đủ số lượng cán bộ. Ở cấp Ban chỉ huy quân sự huyện, cấp trung đoàn đủ quân và tương đương cần bố trí một cán bộ trợ lý dân vận, cấp trung đoàn thuộc diện khung rút gọn thì nên bố trí cán bộ kiêm nhiệm nhưng phải ổn định.

Cần phải có chính sách, chế độ quy định phù hợp để thu hút những cán bộ có năng lực vào hoạt động trong ngành dân vận; khuyến khích những CBDV chuyên trách, cán bộ nghiên cứu chuyên sâu, những cán bộ kiêm nhiệm CTDV của các đơn vị yên tâm, phấn khởi, chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong công việc.

Xây dựng cơ quan và đội ngũ CBDV là một nội dung trong xây dựng Quân đội về mặt chính trị, là vấn đề rộng lớn và phức tạp, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng, của Quân đội. Vì vậy, chăm lo xây dựng, phát huy tốt vai trò cơ quan, đội ngũ CBDV các cấp, nhất là đội ngũ CBDV người DTTS, các tôn giáo trên địa bàn trọng yếu về QP-AN phải tiến hành đồng bộ các biện pháp nêu trên, đây là sự quan tâm và trách nhiệm của cấp ủy các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở và của cả hệ thống chính trị đối với CTDV của Quân đội trong tình hình mới.

Đại tá, ThS. Trần Văn Dương
Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN