Thứ Bảy, 8/2/2025

Nhận thức quan điểm “Dân là gốc” và phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Vì sao Đảng ta nhất quán quan điểm “Dân là gốc”?

Nhìn lại 30 năm đổi mới, từ những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, Đại hội XII của Đảng rút ra 5 bài học hết sức quan trọng, trong đó có bài học “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “Dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”(1).

Từ ngày có Đảng, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, thương dân, ý thức “Dân là gốc” của ông cha ta qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Ý thức “Dân là gốc” được thể hiện rõ ở triều nhà Lý. Trong bộ luật Hình thư công bố vào năm 1042 đã ghi: chăm lo đến đời sống người dân trăm họ, chỉnh đốn pháp luật sao cho giảm bớt nỗi khổ của dân, xóa bớt bất công trong thiên hạ. Trước giặc Tống hùng mạnh, Lý Thường Kiệt - người anh hùng dân tộc đã viết lời hịch vang dội “Nam quốc sơn hà” để hiệu triệu toàn dân đánh giặc. Được nhân dân và quân sỹ hưởng ứng cùng với tài thao lược của mình, Lý Thường Kiệt đã chỉ đạo quân và dân đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù.

Triều nhà Trần kế thừa nhà Lý, ý thức “Dân là gốc” lại được phát huy cao hơn. Giặc Nguyên Mông hung hãn nhất thời đó, nhưng cả ba lần xâm lược đất Việt (1258, 1285, 1288) đều bị đánh bại. Để có được thành công đó, trước hết nhà Trần đã phát động được toàn dân đánh giặc ngoại xâm sau thành công của hội nghị “Diên Hồng”. Hội nghị “Diên Hồng” được coi là hội nghị “dân vận” đầu tiên của nước Việt. Nhà Trần đã cho mời các vị bô lão, những người có uy tín khắp mọi miền đất nước về kinh thành Thăng Long bàn việc đánh giặc ngoại xâm. Nhờ quyết tâm của toàn dân và thu phục, trọng dụng được nhiều tướng tài như Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… đứng đầu cầm quân là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nên nhà Trần đã bảo vệ vững chắc giang sơn, đất nước. Khi đất nước thanh bình, Trần Quốc Tuấn lại đưa ra kế sách: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.

Đến triều nhà Lê, ý thức “Dân là gốc” được Nguyễn Trãi (danh nhân văn hóa thế giới) viết rất rõ trong mở đầu “Bình Ngô đại cáo”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và ông là người sớm đưa ra nhận định: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” để cảnh báo cho những ai đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân, làm trái lòng dân.

Đến triều Nguyễn, khi vua Hàm Nghi rời kinh đô Huế để phát động cả nước kháng chiến chống Pháp, trong lời chiếu của mình, nhà vua đã viết “Dân là gốc của xã tắc”.

Từ ngày có Đảng, Đảng ta và Bác Hồ đặc biệt đánh giá cao vị trí, vai trò của nhân dân, quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(2)#, “nước lấy dân làm gốc”(3)#. Người còn khẳng định: “Việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh”(4)#.

Quan điểm của Đảng ta về công tác dân vận tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”.

Nhờ nhận thức sâu sắc và hành động nhất quán quan điểm “Dân là gốc” nên Đảng ta đã lãnh đạo thành công các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 30 năm đổi mới.

Thành tựu nổi bật về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân

Đánh giá về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Kết luận 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Nhà nước đã ban hành Hiến pháp năm 2013 xác định rõ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quốc hội đã ban hành Luật trưng cầu ý dân và Luật Dân sự (năm 2015). Chính phủ đã ban hành Nghị định 60-NĐ/CP ngày 19/6/2013 về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Nghị định 04-NĐ/CP ngày 09/01/2015 “về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”…

Trên cơ sở đó, ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân, ý thức về dân chủ xã hội được nâng lên. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn có tiến bộ. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tôn trọng các loại ý kiến khác nhau.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, với công nhân, một số đồng chí bí thư tỉnh, thành ủy đã tổ chức đối thoại với nhân dân…

Đảng, Nhà nước đã coi trọng, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người; bảo vệ và đảm bảo quyền; lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết.

Về tồn tại, văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ: Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức, có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện quan điểm “Dân là gốc”, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân 

Một là, tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến.

Nội dung này đã được Đảng, Nhà nước ta nhất quán thực hiện từ việc lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân xây dựng Hiến pháp 2013 và nhiều luật khác. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng là sản phẩm trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Tuy nhiên, còn một số ít bộ, ngành, địa phương trước khi đưa ra một số chủ trương, thông tư hướng dẫn chưa tổ chức khảo sát kỹ, chưa lấy được nhiều ý kiến góp ý của nhân dân nên không sát thực tế, không khả thi hoặc hiệu lực, hiệu quả thấp, cần được khắc phục kịp thời.

Hai là, Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra các quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện.

Từ sáng tạo của nhân dân, Đảng ta đã tổng kết thành phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để lãnh đạo, chỉ đạo thực hành dân chủ trên các lĩnh vực, tạo điều kiện để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện quyền giám sát của mình thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan dân cử. Tuy nhiên, trong thực tế còn nhiều nơi quan liêu, chưa phát huy quyền làm chủ của nhân dân trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến cuộc sống của người dân, nhất là trên một số lĩnh vực như đầu tư thủy điện, xây dựng một số nhà máy hóa chất, sản xuất thép… tác động nhiều đến môi trường.

Ba là, tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân

Thực tế trong nhiều năm qua, Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng (thông qua Đảng đoàn) đã tập trung xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật để phát huy quyền làm chủ của nhân dân như: Luật Doanh nghiệp (2014), Luật Nhà ở (2014), Luật Hộ tịch (2014), Luật Hôn nhân và gia đình (2014), Luật Tiếp công dân (2013), Luật Việc làm (2013), Luật Khiếu nại (2011), Luật Tố cáo (2011), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010), Luật Trưng cầu ý dân (2015)… Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân cần được luật hóa như Luật Giám sát, Luật Phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Luật Biểu tình, Luật về Hội…

Bốn là, thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện

Bằng Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Đảng đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, các địa phương định kỳ đối thoại với nhân dân. Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định (như nghị định 60-NĐ/CP, 04-NĐ/CP,….) về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để các cơ quan nhà nước tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua các nhiệm kỳ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thường xuyên tiếp xúc cử tri để nắm bắt, tập hợp tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đôn đốc kiểm tra việc giải quyết những kiến nghị, đề xuất đó nên tạo được niềm tin của cử tri, của nhân dân. Tuy nhiên, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân, nhất là những bức xúc về đời sống, việc làm, tham nhũng, tai nạn, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Năm là, tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Đây là nội dung được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện như: Thông báo số 304-TB/TW, ngày 22/6/2000 về kết luận của Bộ Chính trị đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 28/02/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Thông báo kết luận số 159-KL/TW, ngày 15/11/2004 của Ban Bí thư kết quả 6 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, còn nhiều nơi chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền về nhà ở, quyền có việc làm, quyền bình đẳng giới của công dân… còn bị vi phạm, cần được bảo vệ, tôn trọng.

Sáu là, thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

Đây là phương châm mà Văn kiện Đại hội XII của Đảng đặt ra phải được tiếp tục thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. Nhân dân rất quan tâm việc Nhà nước sớm có các văn bản pháp luật quy định rõ những nội dung dân được biết, dân được bàn, dân được làm, nhất là các nội dung và các chế tài để dân được kiểm tra, giám  sát. Một số nghị định về nội dung này đã được Chính phủ ban hành nhưng chưa đầy đủ và chặt chẽ, cần được rà soát, bổ sung kịp thời.

Bảy là, tổ chức thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội

Đây là nội dung mà Đảng đã có quy định bằng Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 12/12/2013 nhưng rất cần thiết phải được Nhà nước có văn bản pháp luật như luật giám sát, luật phản biện…. để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền của mình theo pháp luật.

Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh. Để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đưa nghị quyết vào cuộc sống, phấn đấu vì mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chỉ có thể thành công khi Đảng ta, Nhà nước ta mãi mãi quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, phát huy quyền làm chủ, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân.

1 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.69.

2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, tr.69, t10, tr.453, t.5, tr.501.

Nguyễn Thế Trung
Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN