Thứ Bảy, 8/2/2025

Công tác dân vận trong giải quyết các vấn đề liên quan đến sự kiện cá biển chết hàng loạt

Trong thời gian qua, cùng với một số tỉnh miền Trung, ở tỉnh Quảng Bình đã xảy ra tình trạng cá biển chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, chủ yếu là các loại cá ven bờ sống ở tầng đáy như: cá phèn, cá đục, cá chình, cá liệt, cá hanh, cá 3 sọc...

Là một tỉnh trọng điểm nghề cá, Quảng Bình có gần 4.000 tàu cá, trong đó có hơn 2.700 tàu dưới 90 CV khai thác gần bờ; số lao động trực tiếp trên các tàu cá trên 15.000 người, số lao động tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá trên 45.000 người. Vì vậy, tình trạng cá biển chết đã làm cho các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch dịch vụ đình trệ, đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân sống dựa vào biển trên địa bàn tỉnh hết sức khó khăn, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, thiệt hại về lĩnh vực khai thác, dịch vụ khai thác, nuôi trồng hải sản khoảng 185 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại về du lịch, dịch vụ do khách hủy các chuyến du lịch Quảng Bình, đặc biệt là trong dịp lễ 30/4 và 1/5/2016.

Trong khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng ở Trung ương về nguyên nhân cá biển chết, một số nguồn tin cho rằng Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã xả thải làm ô nhiễm môi trường biển. Lợi dụng sự việc cá biển chết, một số đối tượng xấu đã kích động ngư dân tụ tập đông người, ngăn cản các hoạt động triển khai Dự án của tập đoàn FLC tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Một bộ phận người dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch quyên góp tiền bạc, thuê phương tiện, mang băng rôn, khẩu hiệu, quần áo đồng phục có ý định ra Hà Tĩnh cùng với ngư dân Hà Tĩnh biểu tình. Trong các ngày từ 28 đến 30/4/2016, một số địa bàn như xã Cảnh Dương, thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) nhân dân mang theo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu kéo ra quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận xã, căng lều bạt, lưới đánh cá, đưa cá chết rải trên đường làm ách tắc giao thông. Một số tiểu thương ở thành phố Đồng Hới đã tụ tập trước trụ sở Thành ủy Đồng Hới và UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền đối thoại tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đánh bắt, thu mua thủy hải sản…

Trước diễn biến phức tạp của tình hình, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác dân vận, kịp thời triển khai nhiều chủ trương, giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân góp phần ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ra các thông báo, kết luận về tình hình liên quan đến cá chết, liên tiếp ban hành các Công văn chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương ổn định tình hình như Công văn số 94-CV/TU ngày 28/4/2016 về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ổn định tình hình nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian nghỉ lễ 30/4 và 01/5, Công văn số 96-CV/TU ngày 03/5/2016 về việc khẩn trương chỉ đạo thực hiện ngay các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân và các thông báo kết luận về giải quyết tình hình nổi lên liên quan đến cá biển chết hàng loạt, Công văn số 100-CV/TU ngày 07/5/2016 về tăng cường lãnh đạo công tác tư tưởng, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021... Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự ổn định về tâm lý trước các thông tin về nguyên nhân cá chết hàng loạt khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác minh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo dõi và tăng cường chỉ đạo các xã vùng biển; thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ công tác giúp Ban Chỉ đạo ổn định tình hình, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát địa bàn, về từng hộ dân để nắm tình hình, tuyên truyền vận động, giải thích cho người dân hiểu. Các địa phương, các cơ quan, ban, ngành liên quan kịp thời chỉ đạo, vận động nhân dân phối hợp thu gom, xử lý cá biển chết, bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý nghiêm việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng cá biển chết.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương để thông báo kết quả quan trắc môi trường chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn tỉnh; xác định làm rõ, công bố thời gian và vùng khai thác an toàn thủy hải sản trên biển; chứng nhận thủy sản an toàn để tiêu thụ, triển khai các điểm bán cá “sạch” ở các địa bàn trong tỉnh, qua đó đã giải tỏa những bức xúc, lo lắng trong nhân dân, nhất là tạo sự ổn định tư tưởng trong bộ phận ngư dân, tiểu thương để chủ động trong việc khai thác, kinh doanh thủy hải sản an toàn.

UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, thống kê thiệt hại để báo cáo các cơ quan chức năng cấp trên và đề xuất việc hỗ trợ kịp thời đảm bảo ổn định đời sống của bà con nhân dân. Đồng thời triển khai ngay các chủ trương, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cho nhân dân trong vùng bị thiệt hại. UBND tỉnh đã quyết định trích ngân sách cấp 500 tấn gạo hỗ trợ cho ngư dân các xã ven biển, bình quân mỗi khẩu 10 kg gạo; hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống, cụ thể: hỗ trợ cho các tàu đánh cá gần bờ, số lượng 2.800 tàu (do cấm đánh bắt) với mức 01 triệu đồng/tàu, tổng số tiền là 2,8 tỷ đồng; hỗ trợ chênh lệch giá với mức 20% trên mức giá thị trường đối với các hải sản của tàu cá đánh xa bờ đã được cấp giấy chứng nhận khoảng 20 tỷ đồng.

Là cơ quan tham mưu trực tiếp công tác dân vận của cấp ủy, thời gian qua, hệ thống dân vận tỉnh Quảng Bình đã phát huy vai trò đầu mối trong công tác phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh để tuyên truyền, vận động nhân dân. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã kịp thời biên soạn tài liệu tuyên truyền vận động sát thực với tình hình, đối tượng; ban hành Công văn số 79-CV/BDVTU ngày 26/4/2016 về việc cử lãnh đạo và 17 đồng chí cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy và Mặt trận, các đoàn thể cấp tỉnh tham gia trực tiếp cùng với huyện Quảng Ninh và cơ sở để tuyên truyền vận động nhân hiểu rõ mục tiêu của Dự án đầu tư; Công văn số 81-CV/BDVTU ngày 29/4/2016 về việc tăng cường công tác dân vận nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 07-TB/BDVTU ngày 03/5/2016 về việc thành lập 06 tổ công tác và phân công lãnh đạo, cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận, các đoàn thể cấp tỉnh phụ trách địa bàn vùng Công giáo. Ban đã tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh thành lập 02 tổ công tác và phân công địa bàn phụ trách cho các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai công tác nắm bắt, tuyên truyền, vận động nhân dân ở các địa bàn vùng giáo.

Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định phải tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ năng lực cho cán bộ dân vận cơ sở, phối hợp với cán bộ dân vận huyện, xã, thôn, xóm để tuyên truyền vận động nhân dân. Trên tinh thần đó, các đồng chí lãnh đạo Ban, cán bộ, chuyên viên Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã tập trung bám giữ các địa bàn xã Hải Ninh (Quảng Ninh), xã Cảnh Dương, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) và một số xã ven biển của huyện Bố Trạch, huyện Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới để nắm bắt tình hình, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không để các đối tượng xấu lợi dụng tình hình để kích động, lôi kéo, xúi giục nhân dân tụ tập đông người, tham gia gây mất trật tự, an toàn xã hội. Một số địa bàn, đã thành lập các tổ, nhóm gồm có cán bộ dân vận tỉnh, huyện, xã do cán bộ thôn, xã làm tổ trưởng để về từng xóm, hộ gia đình, gặp gỡ người dân để tuyên truyền, trao đổi cho nhân dân hiểu về những vấn đề liên quan đến cá biển chết hàng loạt và các giải pháp khắc phục hậu quả theo chủ trương của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Trong tuyên truyền, vận động đã tập trung giải thích những băn khoăn, lo lắng, làm cho nhân dân hiểu, tin tưởng, đồng thuận trong thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương, của tỉnh và các địa phương; chú ý phân loại các đối tượng, nhất là các phần tử cực đoan, cá biệt để có nội dung, phương pháp vận động thiết thực. Qua đó nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xử lý ngay các vấn đề phát sinh, không để nhân dân bị kích động làm tình hình phức tạp thêm.

Các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đều ban hành văn bản chỉ đạo công tác vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân ổn định tình hình, khắc phục hậu quả do hiện tượng cá chết trên địa bàn tỉnh. Mặt trận, các đoàn thể phát huy tinh thần tương thân, tương ái kêu gọi các tổ chức, đơn vị, đoàn viên, hội viên và nhân dân thăm hỏi, quyên góp ủng hộ, giúp đỡ các hộ gia đình ảnh hưởng do cá biển chết. Riêng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hỗ trợ 500 triệu đồng; các huyện, thị xã, thành phố đã hỗ trợ 277 tấn gạo, góp phần động viên, chia sẽ, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Với những chủ trương, giải pháp tích cực trong công tác dân vận của cả hệ thống chính trị nên đến nay, tình hình trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi xa bám biển, đánh bắt vùng ngư trường an toàn; các hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy hải sản có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra để tiếp tục triển khai trong thời gian tới nhưng có thể nói, những kết quả đạt được trên đây đã khẳng định sự nỗ lực cố gắng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh Quảng Bình, quyết tâm phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong công tác khắc phục thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cá biển chết vừa qua, trong đó có phần đóng góp đáng kể của công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Qua đây, ngành Dân vận Quảng Bình đã đúc rút những kinh nghiệm quý trong công tác dân vận giai đoạn hiện nay.

Cái Thị Thùy Giang
Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN