Thứ Bảy, 8/2/2025

Xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” ở Hải Phòng: Từ thực tiễn đến lý luận

Trước đây, từ thực tiễn công tác dân vận ở Hải Phòng, trong quá trình vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương đã xuất hiện những ý tưởng sáng tạo, cách làm hay của một vài hộ dân, một nhóm gia đình, dòng họ, đơn vị, tổ chức... Đây là những điểm sáng, được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở ghi nhận, tuy nhiên, những sáng tạo này vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Ở thành phố chưa xuất hiện khái niệm “mô hình Dân vận khéo” cũng như các tiêu chí của mô hình, chưa có sự chỉ đạo, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị một cách bài bản, hệ thống.

Năm 2008, Thành ủy Hải Phòng mới chính thức có sự chỉ đạo đối với mô hình “Dân vận khéo”. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tiến hành tổng kết, biểu dương mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết cấp thành phố, chỉ đạo tổng kết điểm ở quận Hồng Bàng và huyện An Dương để rút kinh nghiệm nhân rộng. Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, các quận, huyện ủy, đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát, đánh giá, lựa chọn mô hình “Dân vận khéo”. Thành phố lựa chọn được 492 mô hình trên các lĩnh vực đời sống xã hội, tổ chức biểu dương 53 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp thành phố. Năm 2008, Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng cũng đã bước đầu xây dựng được các tiêu chí của mô hình “Dân vận khéo”;  xác định được quy trình chỉ đạo có tính định hướng, khái quát, dễ áp dụng gồm 24 chữ: “Thực tiễn sinh động - chủ trương sát hợp - biện pháp linh hoạt - nhân dân đồng thuận - biểu dương kịp thời - tổng kết nhân rộng”. Quãng thời gian từ năm 2003 - 2008 được coi là giai đoạn đặt nền móng quan trọng cho việc chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”. Thời gian này đã giúp công tác dân vận của Đảng bộ thành phố rút ra được một số vấn đề mang tính lý luận về “Dân vận khéo” như sau:

- Mô hình “Dân vận khéo” thực chất là khéo tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động dân vận của cả hệ thống chính trị nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, để ý Đảng hợp lòng dân.

- “Dân vận khéo” là nắm chắc được diễn biến tâm trạng, tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội.

- “Dân vận khéo” là nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những sáng kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân để đề ra các giải pháp xử lý phù hợp với đặc điểm của địa phương đơn vị và khéo kết hợp ba lợi ích (cá nhân, tập thể và Nhà nước).

- “Dân vận khéo” là khéo tuyên truyền, vận động, thuyết phục, khơi dậy được trách nhiệm công dân, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo trong quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận để nhân dân tự giác chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước hoặc tự tổ chức thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và giúp đỡ của Nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thiết thực, “ích nước, lợi nhà” của từng địa phương, đơn vị.

- “Dân vận khéo” trở thành mô hình khi cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân có chủ trương chỉ đạo và thực hiện, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; được đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng…

Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện mô hình “Dân vận khéo” được xem là sáng kiến, giải pháp đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng; nhằm khẳng định, biểu dương sức sáng tạo to lớn của quần chúng nhân dân và sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là các đồng chí ở cơ sở. Tuy nhiên, giai đoạn này có những mô hình chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, do không phù hợp với thực tế. Trong đó có nhiều nguyên nhân, mà đầu tiên là do một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ trong việc đánh giá, lựa chọn mô hình “Dân vận khéo”. Một số mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả còn hạn chế, nội dung của công tác dân vận trong mô hình không được thể hiện rõ.

Năm 2009, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Từ mốc thời gian này, việc chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” của Đảng bộ thành phố nói chung, các đảng bộ xã, phường, thị trấn nói riêng bắt nhịp với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn cả nước. Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp thành phố; trên 70% các quận ủy, huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Thường trực làm Trưởng ban đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ. Các ban chỉ đạo từ thành phố xuống các quận, huyện hoạt động trong 2 năm (2009 - 2010) đã rà soát được 552 mô hình trên các lĩnh vực, trong đó biểu dương 55 mô hình cấp thành phố. Tiếp theo đó, tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” (2008 - 2013) từ cấp cơ sở đến cấp thành phố, đã rà soát, lựa chọn 635 mô hình, biểu dương 30 mô hình cấp thành phố. Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 85 năm truyền thống công tác dân vận của Đảng, 60 năm giải phóng Hải Phòng, trong 1.014 mô hình đã rà soát, lựa chọn biểu dương 60 mô hình cấp thành phố.

Trong lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng đã từng xuất hiện những cách làm hay, sáng tạo xuất phát từ cơ sở được hệ thống dân vận thành phố nghiên cứu, đề xuất và được Thành uỷ chỉ đạo, nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình “Quy chế làm chủ” do HĐND phường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) và xã Đông Sơn (huyện Thủy Nguyên) tổ chức thực hiện, sau này phát triển trở thành phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; hay mô hình “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp” (tại Đoàn Xá, Kiến Thụy từ những năm 80 thế kỷ trước...

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp đó, trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương tổ chức phát động, Hải Phòng luôn là một trong những địa phương đi đầu, sáng tạo trong thực hiện, mạnh dạn trong đánh giá, tổng kết, nghiên cứu và nhân rộng. Từ đó, phương thức lãnh đạo và chất lượng công tác dân vận của Đảng trên địa bàn thành phố thường xuyên được chú trọng nâng cao, đóng góp vào sự phát triển ổn định và củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo” cũng khẳng định, biểu dương sức sáng tạo to lớn của quần chúng nhân dân và sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là các đồng chí ở cơ sở; đồng thời góp phần khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Ban Dân vận Thành uỷ Hải Phòng đã chủ trì đề tài khoa học “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020”. Đề tài đã được nghiệm thu ngày 22/4/2016, đạt loại xuất sắc.

Đề tài đã đề xuất 03 giải pháp lớn, mang tính toàn diện đối với các chủ thể trong hệ thống chính trị; phân tích và xác định được nhóm giải pháp đột phá trong xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” nhằm giải quyết những lĩnh vực, những nội dung có tính chất phức tạp, nhạy cảm, quyết định đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của thành phố.

ThS. Bùi Trung Tiến
Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN