Thứ Bảy, 8/2/2025

Phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới ở Phúc Thọ

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của nhân dân, nông nghiệp, nông thôn của huyện Phúc Thọ đã có nhiều đổi mới rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn đã có những tiến bộ rất phấn khởi.

Trong quá trình xây dựng NTM, người dân nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng bởi họ chính là người trực tiếp thực hiện, trực tiếp hưởng lợi. Chính vì vậy, việc áp dụng, thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, qua đó sẽ phát huy vai trò chủ động, tích cực của người dân, đồng thời góp phần hạn chế nguy cơ tham nhũng, lãng phí.

Trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác thực hiện QCDC cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức. Tổ chức 30 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 3.015 cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở, mở 02 lớp tập huấn phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới cho cán bộ chuyên trách của huyện và các xã. Tổ chức hội nghị triển khai xây dựng NTM và công tác dồn điền đổi thửa đến hơn 600 đảng uỷ viên, bí thư chi bộ, cụm trưởng dân cư của 23 xã, thị trấn; tổ chức nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo, cán bộ huyện và các xã đi học tập kinh nghiệm về xây dựng NTM ở các huyện thuộc thành phố Hà Nội và các tỉnh bạn. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, huy động sức dân tham gia xây dựng NTM.

Đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp, hỗ trợ ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện QCDC tại địa phương. UBND các xã, thị trấn công khai những nội dung theo quy định dưới nhiều hình thức như: thông qua các kỳ họp HĐND, các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp thôn, cụm dân cư, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, niêm yết trên các bảng tin tại trụ sở UBND xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn, phát tin trên hệ thống truyền thanh huyện và xã, thị trấn. Ngoài ra, các đoàn thể cũng chọn lọc những nội dung thiết thực như chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghêệ cao, các chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ hỗ trợ của các đoàn thể chính trị - xã hội… để thông tin cho đoàn viên, hội viên, tuyên truyền cho nhân dân ở các thôn, cụm dân cư được biết.

Thực tế, việc thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tại các địa phương gắn với thực hiện đề án xây dựng NTM đã mang lại luồng sinh khí mới cho đời sống xã hội ở cơ sở. Tác động lớn nhất là QCDC đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ, quản lý điều hành của chính quyền cơ sở theo hướng ngày một dân chủ hơn, cụ thể và bám sát thực tiễn hơn, khắc phục được tình trạng quan liêu, cửa quyền. Thông qua hoạt động triển khai QCDC ở cơ sở, MTTQ và đoàn thể, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng gắn bó hơn với đoàn viên, hội viên và nhân dân năng lực hoạt động thực tiễn được nâng lên, tăng thêm uy tín, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Đặc biệt, QCDC đã tạo ra những tác động rộng lớn hơn trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia vào xây dựng NTM. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhiều tuyến đường được nhân dân chủ động tổ chức bàn bạc, vận động nhân dân, các doanh nghiệp trực tiếp đóng góp để cùng nhà nước nâng cấp, mở rộng, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn của từng xã. Bên cạnh đó người dân còn tích cực bàn bạc tìm hướng đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh có hiệu quả như hợp tác sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã huy động gần 496,8 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM và dồn điền đổi thửa. Đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 38 km đường trục xã, liên xã; 52,5km đường trục thôn, liên thôn; 177 km đường ngõ xóm; 25 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 22 trường THCS; 44km kênh cấp 3 và nhiều cơ sở hạ tầng nông thôn khác. Điển hình như xã Võng Xuyên đã huy động được nguồn vốn là 171 tỷ 742 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 16 tỷ đồng; xây dựng gần 15 km đường thôn và liên thôn; kiên cố hóa được 23 km kênh cấp 3; xây dựng 8 trạm bơm; làm 15 km đường điện chiếu sáng đường thôn và liên thôn; xây dựng và cải tại 65 phòng học, 03 nhà đa năng, 02 nhà hiệu bộ, 01 nhà ăn bán trú, mua sắm thiết bị cho dạy và học của 05 trường, mua sắp thiết bị phục vụ hoạt động Đảng ủy - UBND, trạm y tế xã; tu bổ, tôn tạo 02 đình, 01 chùa, xây dựng mới đài truyền thanh không dây; 63 tuyến đường bờ vùng, bờ thửa dài 15,5 km, 98 tuyến mương nội đồng; 290 ngôi nhà kiên cố và 412 công trình vệ sinh, bể nước lọc trong dân cư theo quy chuẩn…

Xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thực tiễn khẳng định là một chủ trương đúng đắn, tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Để việc phát huy dân chủ ở cơ sở ngày càng có hiệu quả, mang tính bền vững và lâu dài, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy; sự thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, có trách nhiệm của chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, kết hợp nhiều giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Có như vậy, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở mới thực sự trở thành động lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Hà Thị Tỏa
Ban Dân vận Huyện ủy Phúc Thọ, TP. Hà Nội

Các bài khác

TẠP CHÍ IN