Kết hợp quân dân y (KHQDY) là đặc thù của ngành Y tế nước ta, được hình thành từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua các thời kỳ cách mạng, KHQDY đã thể hiện rõ tính chất ưu việt, hiệu quả phát huy tổng hợp sức mạnh của các lực lượng y tế quân y, dân y, góp phần quan trọng cứu chữa thương binh, bệnh binh bảo đảm quân số khỏe cho các chiến trường.
Trong thời kỳ đổi mới, KHQDY trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và bộ đội trong cả nước nói chung, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nói riêng là một chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 29/6/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/2004/CT-TTg về tăng cường công tác KHQDY chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và bộ đội trong giai đoạn mới đã chỉ rõ: “Các cấp các ngành cần hết sức coi trọng công tác KHQDY. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là một trong những giải pháp chiến lược, hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân và xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ: “Kết hợp quân y và dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và các lực lượng vũ trang, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thảm họa, thiên tai...”.
Quán triệt những quan điểm chỉ đạo của Đảng, những năm qua, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình KHQDY với nội dung: “Kết hợp quân dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khoẻ nhân dân”, Chương trình lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các lực lượng vũ trang ở các vùng trọng điểm quốc phòng - an ninh làm mục tiêu phấn đấu; trong đó, đặc biệt chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo.
Qua 10 năm hoạt động (2005-2015), Chương trình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào chiến lược chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật là, KHQDY đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả quân y và dân y trong việc củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo - những địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh; tạo nên mạng lưới khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bộ đội; xóa đói giảm nghèo và làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Đồng thời, KHQDY là một giải pháp tích cực, hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm quốc phòng - an ninh.
Chương trình KHQDY tập trung củng cố y tế cơ sở ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới và biển, đảo bằng các hoạt động cụ thể, như: thành lập các phòng khám, bệnh xá quân dân y, hỗ trợ nâng cấp các trạm y tế quân dân y, thành lập và đầu tư cho các bệnh viện quân dân y tuyến tỉnh. Nguồn kinh phí cho các hoạt động này rất đa dạng, linh hoạt: ngoài kinh phí của Dự án KHQDY, còn có kinh phí xã hội hóa, vốn của đơn vị, địa phương, cùng sự đóng góp hàng triệu ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. 10 năm qua, Dự án QDYKH đã đầu tư nâng cao năng lực hoạt động cho 529 trạm y tế xã, trong đó, số trạm y tế được củng cố thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là 410 trạm (chiếm 77,5%). 278 trạm y tế quân dân y được sửa chữa, nâng cấp nhà trạm, bổ sung trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.
Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng đã phối hợp các địa phương thành lập, đầu tư xây dựng được một hệ thống 152 phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới. Các phòng khám quân dân y thực sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào; tại đây, các “chiến sỹ áo trắng” quân y, quân dân y hàng ngày, hàng giờ tận tình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Ngoài công tác khám chữa bệnh, quân y bộ đội biên phòng còn tham gia triển khai các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản...); giúp nhân dân phát triển kinh tế, tham gia vận động nhân dân xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học, bài trừ hủ tục, tổ chức cai nghiện ma túy tại các xã biên giới (tại Trung tâm cai nghiện ma túy Tiểu khu Kỳ Sơn, Nghệ An; cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở các huyện biên giới thuộc tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa...), tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình...
Thời gian qua, 38 bệnh xá quân y đóng quân ở vùng biên giới, biển, đảo được đổi tên thành bệnh xá quân dân y, đã thực hiện rất hiệu quả việc khám chữa bệnh cho quân và dân trong khu vực. Tiêu biểu là các bệnh xá quân dân y: Đoàn Kinh tế quốc phòng 338 (Quân khu 1), 379 và 313 (QK2), 337 và 92 (QK4); Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15), Trung đoàn 719 và 720 (Binh đoàn 16); Đoàn 959 (BCHQS tỉnh Đồng Tháp); Bệnh xá Thổ Chu, Bệnh xá Bạch Long Vỹ.
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và công bằng xã hội trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, hàng năm, Ban quân dân y cấp Bộ đã chỉ đạo dự án KHQDY hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị, địa phương để tổ chức các phân đội quân y cơ động từ các cơ sở quân y tuyến sau đến phối hợp với y tế địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng ATK..., qua đó, đã tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 23 triệu lượt người, tặng quà cho gần 84 nghìn lượt hộ gia đình chính sách, người nghèo với tổng số tiền 141 tỷ đồng. Các đơn vị của ngành Quân y, các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y trên toàn quốc đã khám chữa bệnh được hơn 40,6 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người và nhận điều trị 20,5 triệu lượt người.
Năm 2014, nhân Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân, hưởng ứng đợt phát động Hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng” của Bộ Quốc phòng, lực lượng quân y đã tổ chức 70 đoàn công tác khám chữa bệnh, tặng quà, tặng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn các cơ sở y tế cử lực lượng cán bộ nhân viên y tế và điều động trang thiết bị y tế tăng cường, phối hợp lực lượng quân y tham gia các đoàn công tác. Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn, Hội Thầy thuốc trẻ các địa phương phối hợp với các đơn vị quân đội thực hiện Hành trình. Kết quả là đã khám, cấp thuốc miễn phí cho 70.000 người; tặng trang thiết bị y tế cho 100 bệnh xá quân dân y, trạm y tế; tặng quà cho 8.200 đối tượng chính sách, hộ nghèo, xây 06 nhà tình nghĩa; tổng số tiền là gần 23 tỷ đồng.
Kết hợp quân dân y đã góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững biên giới với nước bạn Lào và Cămpuchia, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với nước bạn. Các trạm y tế quân dân y tại khu vực biên giới không những bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang, mà còn tham gia khám, chữa bệnh cho người dân nước bạn; tiêu biểu là phòng khám quân dân y khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Phòng khám quân dân y Ba Thu (Long An), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp).
Các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu, khám bệnh cấp thuốc cho hàng vạn lượt người. Cùng với đó, những năm qua, tình hình thiên tai, thảm họa liên tiếp xảy ra tại các khu vực trong cả nước. Lực lượng quân dân y là lực lượng tiên phong trong cấp cứu, vận chuyển làm giảm tỷ lệ thương vong cho nhân dân. Cục Quân y đã tham mưu với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng kịp thời điều động hàng trăm tổ quân y thuộc các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục đến các khu vực trọng điểm, phối hợp với y tế các địa phương cấp cứu, điều trị cho nhân dân và làm vệ sinh môi trường giúp dân sớm ổn định cuộc sống sau sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên. Tiêu biểu là, trong vụ thảm hoạ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26/9/2007, lực lượng quân y của Quân khu 9 có mặt kịp thời với 11 tổ quân y gồm 50 y bác sỹ, tham gia cấp cứu tại hiện trường và phun thuốc xử lý vệ sinh môi trường được hàng vạn m2. Bệnh viện quân y 121 đã xử trí cấp cứu 32 nạn nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân rất nặng đã được cứu chữa, điều trị khỏi.
Qua thực tiễn triển khai hoạt động KHQDY khám chữa bệnh, cấp thuốc điều trị miễn phí do Ban quân dân y cấp Bộ tổ chức thông qua dự án KHQDY ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, biển, đảo, khu ATK cho bà con dân tộc, người có công với cách mạng, đối tượng chính sách... việc khám, chữa bệnh luôn được gắn liền với công tác tuyên truyền vận động nhân dân về vệ sinh phòng bệnh và tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nắm diễn biến tư tưởng của đồng bào để phản ảnh kịp thời với cấp có thẩm quyền; nhiều nơi thông qua việc tiếp cận với nhân dân còn phát hiện kịp thời những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch xúi giục bà con, những đường dây buôn lậu, buôn bán ma túy... để báo cáo với chính quyền địa phương có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý. Thực tế những năm qua cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, chỉ có lực lượng “chiến sĩ áo trắng” mới có thể tiếp cận được những điểm gây rối về chính trị, giúp đồng bào nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những kẻ gây rối. Bằng những việc làm cụ thể, nghĩa tình, các cán bộ, nhân viên quân y, dân y đã góp phần làm cho đồng bào hiểu rõ hơn đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số; đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất; giữ biên cương, lãnh thổ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
10 năm qua, chương trình KHQDY được thực hiện trên diện rộng ở cả cấp Trung ương và địa phương, ở các khu vực địa bàn, với các các hoạt động đa dạng, phong phú, bám sát định hướng, mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước và ngành Y tế. Chương trình đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa chính trị quan trọng, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó cũng chính là một chủ trương, biện pháp dân vận đúng đắn, hiệu quả mà ngành Y tế và Quân đội tiếp tục phát huy trong thời gian tới.