Theo thống kê của Sở Y tế, đến nay, toàn tỉnh có 9 bệnh viện đa khoa tuyến huyện với 1.165 giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh đạt 95%; 129 trạm y tế thuộc các huyện thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng tại địa phương với 645 giường bệnh; số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 8,1/10.000 người.
|
Cán bộ Trạm Y tế xã Năng Khả (Na Hang) chăm sóc vườn thuốc nam |
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa tuyến huyện được nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Các trạm y tế xã được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới khang trang, đồng thời đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Trung tâm y tế các huyện đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, phòng chống các bệnh xã hội, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông giáo dục sức khỏe; điều tra, giám sát, xử lý dịch, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Y tế tuyến xã thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 95%. Nhiều năm liền, các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là các chương trình, dự án phòng chống bệnh sốt rét, bệnh phong, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, phòng chống mù lòa... Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ở các huyện được kiểm tra, giám sát, tuyên truyền thường xuyên, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Na Hang cho biết, ngay từ đầu năm 2019, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đơn vị đã chủ động giao chỉ tiêu chuyên môn cho tuyến y tế xã, thị trấn; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh bệnh tay - chân - miệng, cúm AH5N1, quai bị và dịch thủy đậu… không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện.
Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đã không ngừng được nâng cao, tạo được sự tin tưởng, hài lòng của người dân khi đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh. Trong năm 2018, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã khám gần 1,6 triệu lượt người. Đến nay, toàn tỉnh có 277.603 người dân tộc thiểu số, gần 28 nghìn người ở vùng đặc biệt khó khăn và trên 73 nghìn người nghèo được cấp thẻ BHYT. Nhờ đó, đồng bào vùng sâu, vùng xa đã được quan tâm, chăm sóc sức khỏe, hạn chế nhiều dịch bệnh có thể xảy ra.
Anh Trương Văn Khánh, thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) chia sẻ, những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cuộc sống của bà con trong thôn đã dần đổi thay, ấm no hơn trước. Nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe, các cán bộ y tế tại trạm luôn tận tình hướng dẫn bà con cách phòng, chống dịch bệnh, nhắc nhở lịch tiêm chủng, tư vấn dinh dưỡng để trẻ em khỏe mạnh. Người dân trong thôn có bệnh đều tới trạm y tế để được khám, điều trị, Nhà nước còn hỗ trợ cả chi phí tham gia BHYT nên ai cũng yên tâm mỗi khi đau ốm.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng đội ngũ cán bộ y tế đã không ngừng nâng cao y đức và trình độ nghiệp vụ, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đàm Quyền