Thứ Bảy, 27/4/2024
Quảng Nam: tăng cường mạng lưới "cô đỡ thôn bản"
 
 Y tế cơ sở miền núi luôn cần những đội ngũ nhiệt tâm

Cầu nối

Ông Chơ Rum Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, cho biết cách đây 16 năm, huyện Nam Giang đã bắt đầu đào tạo chuyên môn sâu cho các “cô đỡ thôn bản”. “Vì nhóm người này sẽ dễ dàng tiếp cận với phụ nữ đồng bào thiểu số, họ làm cầu nối cho bà con cộng đồng miền núi không chỉ ở vai trò “bà mụ” mà còn là những tuyên truyền viên về sức khỏe sinh sản” - ông Chơ Rum Thanh Vòm nói. Ngay từ đầu những năm 2000, chương trình đào tạo “cô đỡ thôn bản” là người dân tộc thiểu số từng bước được thiết lập, tạo bước ngoặt trong giảm tỷ lệ tử vong mẹ tại vùng núi, đồng bào khó khăn. Theo đó, các “cô đỡ thôn bản” đã tích cực trong công tác quản lý thai nghén, truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người dân, vận động thai phụ đi khám thai và sinh con tại trạm y tế xã. Phát hiện thai có nguy cơ và chuyển tuyến kịp thời, chăm sóc sau sinh cho cả mẹ và con. Chị A Rất Nghiệp (làng Tu Ngung, xã A Roi, Đông Giang) chia sẻ, thôn chị có một “cô đỡ” rất nhiệt tình, thường xuyên tìm đến nhà để bày cho phụ nữ cách chăm sóc bản thân, tư vấn cách phòng tránh thai hiệu quả...

Sự đóng góp của các “cô đỡ thôn bản” được cộng đồng đánh giá cao do sự thuận tiện, gần gũi, đáp ứng đúng yếu tố văn hóa của đồng bào. Những thôn bản có “cô đỡ”, kiến thức và thực hành của phụ nữ dân tộc trong chăm sóc thai nghén, mang thai, sinh con... đã tăng lên rõ rệt. Ông Chơ Rum Thanh Vòm nói thêm, hiện nay việc tiếp cận với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở các xã vùng cao, biên giới. Sự khác biệt về yếu tố văn hóa như ngôn ngữ, phong tục tập quán ở đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến việc mang thai, sinh con làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Các yếu tố nghèo đói, giao thông khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, các dịch vụ chưa phù hợp với văn hóa của đồng bào dân tộc... cũng đã cản trở đồng bào dân tộc đến sinh con tại các cơ sở y tế. “Do nhiều tập tục vẫn còn đè nặng, đa số phụ nữ làm nông, làm rẫy nên rất khó khi cán bộ y tế tiếp cận nghiệp vụ. Vì vậy, nhờ mạng lưới “cô đỡ thôn bản” mà kiến thức về sức khỏe sinh sản được tuyên truyền đến đồng bào” - ông Chơ Rum Thanh Vòm chia sẻ.

Đẩy mạnh đào tạo

Thống kê từ Bộ Y tế, đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 3 nghìn “cô đỡ thôn bản”. Mạng lưới này được xem như cánh tay nối dài của y tế cơ sở. “So với những năm trước đây, tỷ lệ sinh đẻ tại nhà giảm khoảng 60%. Tai biến sản khoa cũng đã được kiềm chế đáng kể. Từ năm 2009 đến nay, A Roi không có trường hợp tai biến sản khoa nào xảy ra. Đây là những chuyển biến rõ nét từ khi mô hình “cô đỡ thôn bản” được triển khai ở địa phương” - bác sĩ A Rất Nghen, Trạm trưởng Trạm y tế xã A Roi nói.

Hiện Quảng Nam tiếp tục có nhiều hoạt động nhằm tăng cường mạng lưới “cô đỡ thôn bản” cho các địa phương miền núi, đặc biệt xã vùng cao, vùng sâu. Bắt đầu từ năm 2018, từ sự hỗ trợ của tổ chức Samaritan’s Purse International Relief, các khóa đào tạo ngắn hạn trong vòng 6 tháng cho các “cô đỡ thôn bản” là người dân tộc thiểu số được triển khai. Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, dự án đào tạo “cô đỡ thôn bản” bắt đầu từ năm 2018 và mới đây, cùng với sự phối hợp giữa CDC Quảng Nam và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đã khai giảng khóa học thứ 3 cho các cán bộ y tế tại huyện Nam Giang và Tây Giang. Năm 2019, tổ chức Samaritan’s Purse International Relief tiếp tục viện trợ hơn 600 triệu đồng để thực hiện dự án đào tạo “cô đỡ thôn bản” và dự án chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ở các địa phương miền núi Quảng Nam. Theo ông Kiệm, trong thời gian đến, CDC Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam tập trung đào tạo lực lượng y tế thôn bản cho các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi trên toàn tỉnh, đặc biệt là 14 xã biên giới nơi điều kiện y tế còn khó khăn.

Phạm Sơn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất