Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) là huyện đặc biệt khó khăn, trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đều thuộc diện đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Thực hiện Quyết định số 582, ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn, các xã khu vực I, II, III thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) huyện Mường Nhé đã rà soát, xây dựng kho dữ liệu đối tượng được cấp thẻ BHYT theo Luật quy định.
Theo đó, hàng năm, BHXH huyện phối hợp với cơ quan chức năng, các xã thực hiện việc rà soát, lập danh sách và cấp thẻ BHYT cho đối tượng người DTTS sống tại vùng khó khăn. Năm 2017, BHXH huyện Mường Nhé đã thẩm định, quyết toán hơn 12 tỷ đồng cho trên 20.000 lượt người. Thống kê 6 tháng đầu năm, BHXH huyện đã cấp 40.300 thẻ cho các đối tượng, gồm cả người nghèo, người DTTS và trẻ em dưới 6 tuổi.
Ông Ðỗ Xuân Kỳ, Giám đốc BHXH huyện Mường Nhé, cho biết: Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS khi ốm đau, BHXH huyện đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với các cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Nhờ đó, công tác khám, chữa bệnh bằng BHYT cũng được các cơ sở y tế tạo điều kiện nhanh chóng về thủ tục khi nhập viện, xuất viện. Bác sĩ Mào Văn Hiếm, Trưởng khoa Khám bệnh (Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé), cho biết: Mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận từ 40 - 50 ca khám bệnh, hều hết là người DTTS đến khám bệnh bằng BHYT. Nhiều người dân ở các bản xa, lần đầu đến khám bệnh nên chưa biết trình tự, thủ tục đăng ký khám chữa bệnh. Ðể hỗ trợ bệnh nhân, Trung tâm đã cử cán bộ, y bác sĩ hướng dẫn tận tình, chu đáo đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Chính sách BHYT triển khai trên địa bàn huyện Mường Nhé đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS. Nhiều gia đình trước đây mỗi khi ốm đau, thường tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian chứ không đến bệnh viện. Nhưng từ khi được cấp thẻ BHYT, bà con đã biết được lợi ích khi khám, chữa bệnh. Mỗi khi đau ốm đều đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, điều trị mà không phải mất chi phí nên họ yên tâm hơn. Chị Giàng Thị Cẩm, bản Nà Pán, xã Mường Nhé, cho biết: BHYT đã trở thành phao cứu sinh đối với gia đình chị, bởi gia đình chỉ có 2 mẹ con, mỗi khi ốm đau riêng tiền thuốc men cũng mất vài trăm nghìn, chưa kể những lần phải nằm điều trị tại viện. Nhưng nhờ có BHYT chi trả 100%, gia đình chỉ phải lo tiền đi lại, ăn uống nên giảm bớt được gánh nặng chi phí.
Ông Ðỗ Xuân Kỳ, cho biết thêm: Mặc dù đã thể hiện được sự ưu việt qua chính sách BHYT nhưng việc cấp, đổi thẻ BHYT cho người DTTS tại một số xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc rà soát, lập danh sách đối tượng của các xã, chưa chặt chẽ, vẫn còn bỏ sót đối tượng. Về phía người dân, thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh khác nhau, phát âm, viết chữ tiếng phổ thông hạn chế nên làm sai lệch giữa thông tin được in trong thẻ và các giấy tờ tùy thân khác, gây khó khăn trong việc quyết toán. Việc bảo quản thẻ BHYT của người dân chưa được quan tâm; thẻ BHYT bị rách, mờ gây khó khăn cho việc tra cứu và nhập dữ liệu vào hệ thống giám định BHYT. Vì vậy, thời gian tới, BHXH huyện Mường Nhé sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, để đồng bào DTTS hiểu quyền lợi và trách nhiệm đối với BHYT.
Linh Trang