Chủ Nhật, 24/11/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ ở Ninh Bình: Khơi nguồn lực lớn xây dựng nông thôn mới
 
Diện mạo nông thôn mới ở xã Yên Lâm (Yên Mô)


Minh chứng sống động từ cơ sở

Đến Gia Vân (Gia Viễn) vào thời điểm này, điều dễ nhận thấy là bộ mặt nông thôn mới kiểu mẫu đang ngày càng hiện hữu trên tất cả các lĩnh vực. Vốn là một xã miền núi, khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã mới đạt 4/19 tiêu chí, đó là tiêu chí về điện nông thôn, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự xã hội và hệ thống chính trị vững mạnh. Cái khó của Gia Vân khi đó là chưa có quy hoạch phát triển chung, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa... chưa đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất của nhân dân, trong khi việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp muốn làm được cần có nguồn lực kinh phí rất lớn.

Trước khó khăn đó, lãnh đạo xã đã thống nhất quyết tâm, triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ. Trong đó đặc biệt thấu hiểu kinh nghiệm đã được ông cha đúc kết “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cấp ủy, chính quyền xã Gia Vân chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở. Từ việc khảo sát, thành lập các Ban xây dựng nông thôn mới và thuê đơn vị tư vấn, xây dựng đề án, Đảng ủy, UBND và các Ban đã tiến hành các bước để lấy ý kiến đóng góp của người dân thông qua các hội nghị chuyên đề từ xã xuống các thôn để tiếp thu và điều chỉnh phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kết quả phê duyệt quy hoạch được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa các khu dân cư để nhân dân nắm bắt và tổ chức thực hiện theo quy hoạch.

Trong quá trình triển khai xây dựng các công trình như đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương nội đồng... sau khi có dự toán thiết kế, tiến hành tổ chức họp dân để nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng cũng như kinh phí đóng góp để quyết định thực hiện. Ngoài các ban xây dựng nông thôn mới thì cũng khuyến khích các thôn mời những người có kinh nghiệm, tâm huyết để giới thiệu tham gia ban xây dựng của thôn để tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện...

Kết quả đã huy động được nguồn lực 192,5 tỷ đồng trong đó nhân dân tự đầu tư xây dựng các công trình của gia đình là 188 tỷ đồng và đóng góp bằng tiền để hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn và nhà văn hóa là 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh các nguồn lực của nhân dân đóng góp, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực kêu gọi con em quê hương chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, tạo thành phong trào rộng khắp. Giai đoạn 2011-2015 xã và các thôn đã tiếp nhận nguồn đầu tư vật chất của các tổ chức, cá nhân con em quê hương trên 4 tỷ đồng.

Thực hiện dồn điền đổi thửa, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các bước đúng quy trình và công khai dân chủ cho nhân dân tổ chức thực hiện. Trước khi thực hiện bình quân mỗi hộ có 9,2 thửa, sau khi thực hiện còn 2,5 thửa/hộ; nhân dân đã hiến trên 80ha đất để làm các công trình, tổng kinh phí các hộ dân đóng góp để thực hiện dồn điền đổi thửa là gần 1,8 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, do thực hiện tốt QCDC nên đã có đơn vị không phải tổ chức bốc thăm mà nhân dân tự nhận ruộng theo vùng đã được quy hoạch để thuận lợi trong sản xuất.

Những kết quả nêu trên đã góp phần vào việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới để sau gần 5 năm thực hiện, vào cuối năm 2015, xã Gia Vân được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với những cơ sở vững chắc, Gia Vân được tỉnh chọn là đơn vị làm điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; xã đang tích cực phấn đấu để trong năm 2019 được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.

Và những kết quả ấn tượng

Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta có xuất phát điểm thấp, bình quân chỉ đạt 5 tiêu chí/xã, có xã mới đạt 1-2 tiêu chí; cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn lực có hạn. Nhận thức đúng đắn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân... do đó đến nay kết quả đạt được rất ấn tượng.

Tỉnh chỉ đạo thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Tại các xã, ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, các chính sách về an sinh xã hội, huy động đóng góp… đều được công khai để nhân dân biết, được bàn, được quyết định, được giám sát. Nhiều nội dung lấy ý kiến của nhân dân nhiều lần, trao đổi kỹ để nhân dân hiểu, nhân dân được giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Bên cạnh thực hiện có chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Trung ương quy định, tỉnh quy định thêm tiêu chí số 20 về “ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân” để xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, trước khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã phát phiếu lấy ý kiến các hộ dân, chỉ khi nhận được từ 90% số phiếu đồng tình trở lên thì mới đủ điều kiện để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Qua thực tiễn cho thấy tiêu chí này được đông đảo nhân dân đồng tình nhất trí và tích cực tham gia. Đây cũng là một trong những cách làm sáng tạo của Ninh Bình, góp phần đưa Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (chỉ số SIPAS) tỉnh Ninh Bình năm 2017 và 2018 xếp thứ 2 toàn quốc.

Công tác giám sát và phản biện xã hội, việc đối thoại trực tiếp với nhân dân theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (Khóa XI) được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo không khí dân chủ trong xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện 687 cuộc giám sát; phối hợp tham mưu cho lãnh đạo các cấp tổ chức 193 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân; riêng cấp tỉnh tổ chức 27 cuộc giám sát, 7 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp đối thoại với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động định kỳ hàng năm, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm; giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân; tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân...

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, tỉnh đã huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền gần 34.987.241 triệu đồng, trong đó nguồn huy động từ sự đóng góp của nhân dân trên 8.681.513 triệu đồng; vận động nhân dân hiến trên 1.000 ha đất, huy động trên 10 vạn ngày công để dồn điền đổi thửa và xây dựng đường giao thông nông thôn. Hết năm 2018, các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đều đạt ở mức cao, bình quân toàn tỉnh đạt 17,6 tiêu chí/xã (tăng 12,6 tiêu chí/xã so với năm 2010), không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Đến nay đã có 90/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 75,6 %), 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến hết năm 2019 toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 khu dân cư kiểu mẫu và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Gia Viễn được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước tháng 6/2020.

Đặc biệt, do làm tốt việc công khai, minh bạch, dân chủ bàn bạc, tôn trọng, cầu thị, nên quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh không phát sinh những khiếu kiện, những bức xúc của người dân trong đóng góp xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Ninh Bình được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn có thể khẳng định, việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. ở bình diện rộng hơn, trong thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh cần tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, đưa việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở đi vào nền nếp, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.

(baoninhbinh.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất