Thứ Năm, 25/4/2024
Lạng Giang thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Tạo sự đồng thuận, khơi thông nội lực
 

Các thành viên Tổ Dân vận thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương kiểm tra tiến độ làm đường bê tông. 


Công khai, dân chủ

Thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương có 320 hộ với gần 1,3 nghìn dân, để bê tông hóa gần 3 km đường trục chính, nếu chia trung bình, mỗi khẩu phải đóng góp 950 nghìn đồng. Đây là số tiền không nhỏ khi đa số hộ dân kinh tế chưa khá giả. 

Để bà con hiểu được lợi ích của việc làm đường, từ đó đồng thuận về chủ trương và tích cực tham gia đóng góp ủng hộ, các thành viên Tổ Dân vận thôn đã đến từng ngõ, từng nhà tuyên truyền, thuyết phục. Từ năm 2018 đến nay, thôn đã vận động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng để làm mới hơn 4,3 km đường làng ngõ xóm, vượt 1,5 km so với kế hoạch ban đầu.

Ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ: “Khi huy động sức dân, một nguyên tắc quan trọng các thành viên trong Tổ luôn duy trì là hạch toán tài chính công khai, minh bạch. Mỗi phần việc đều ghi rõ nội dung thu, chi để thông báo trong các cuộc họp thôn. Người dân khi thấy kinh phí sử dụng đúng mục đích nên tự nguyện thực hiện”. 

Trong quá trình thi công, chi bộ, ban lãnh đạo thôn Trại Phúc Mãn còn vận động bà con tháo dỡ công trình để mở rộng đường, góp ngày công lao động để giảm chi phí.

Từ 15 tiêu chí ban đầu, sau 2 năm xây dựng NTM, xã Hương Lạc đạt 19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn cuối năm 2018. Thành quả này một phần do cấp ủy, chính quyền xã thực hiện tốt QCDC. Ngoài nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, xã huy động người dân đóng góp gần 6 tỷ đồng, hiến hơn 25 nghìn m2 đất làm đường, mở rộng khuôn viên nhà văn hóa các thôn và một số công trình phúc lợi khác. 

Chủ tịch UBND xã Hương Lạc Hoàng Đình Giao cho hay: “Chúng tôi luôn lấy sự đồng thuận của người dân đặt lên hàng đầu. Trước khi triển khai mô hình sản xuất hay xây dựng công trình phúc lợi, chính quyền chỉ đạo các thôn tổ chức họp dân. Những nội dung như: Xây dựng kênh mương, thiết chế văn hoá, mức huy động kinh phí... đều được các thôn đưa ra từ 2-3 phương án để nhân dân bàn và lấy biểu quyết".

Góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo

Khắc phục những hạn chế còn tồn tại trước đây trong thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là việc chấp hành những nội dung cần công khai cho nhân dân biết, BTV Huyện ủy Lạng Giang đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ ở cơ sở; kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, thị trấn bảo đảm cơ cấu, thành phần. 

Từ đầu năm đến nay, nhân dân trong huyện đã đóng góp hơn 32 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, phát triển sản xuất. Ngoài ra, hiến hàng chục nghìn m2 đất, tháo dỡ tường bao, tài sản trên đất không yêu cầu phải đền bù.

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Mười, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo QCDC huyện, căn cứ tình hình thực tiễn, trong quá trình xây dựng NTM, những chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân đều được cấp ủy các cấp bàn bạc công khai, lấy ý kiến đảng viên, nhân dân trước khi thực hiện, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo như: Quy hoạch sử dụng đất; dồn điền, đổi thửa; quản lý, sử dụng các loại quỹ; các chính sách hỗ trợ, vay vốn phát triển sản xuất…

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Đơn cử như trước những khó khăn của 5 xã thực hiện về đích NTM trong năm nay, ngay từ đầu năm, Thường trực Huyện ủy trực tiếp làm việc với cả 5 đơn vị, nghe báo cáo tiến độ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. 

Cùng đó thực hiện có hiệu quả hoạt động gặp gỡ, đối thoại với nhân dân. Trên tinh thần cởi mở, dân chủ, các cuộc đối thoại đã tiếp thu hàng trăm lượt ý kiến, kiến nghị của người dân. Khi nguyện vọng chính đáng của người dân được xem xét, giải quyết đã tạo được sự đồng thuận chung. 

Ông Bùi Văn Hiệp, thôn Cống, xã Thái Đào nói: "Tôi có 2 thửa ruộng gần nơi quy hoạch bãi rác. Khi xây dựng bãi rác tập trung của xã, tôi được các hội, đoàn thể đến tận nhà tuyên truyền. Ngoài ra, qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo địa phương tôi được giải đáp những băn khoăn nên đã nhất trí với phương án bồi thường”.

Từ đầu năm đến nay, thông qua tuyên truyền, vận động, người dân trong huyện đã đóng góp hơn 32 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, phát triển sản xuất. Ngoài ra, còn hiến hàng chục nghìn m2 đất, tháo dỡ tường bao, tài sản trên đất mà không yêu cầu phải đền bù. Qua đó góp phần tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn. 

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo QCDC huyện tiếp tục yêu cầu các đơn vị, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, theo dõi thường xuyên việc thực hiện các nội dung cần công khai. Bên cạnh đó, phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trong giám sát, phản biện xã hội để QCDC được thực hiện hiệu quả.

(baobacgiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất