Thời gian qua, hoạt động giám sát của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại các địa phương thuộc thành phố Hà Nội đã tập trung vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người dân. Nhờ đó, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã đi vào cuộc sống, góp phần ổn định tình hình địa bàn...
|
Thành viên Ban công tác mặt trận thôn La Thạch, xã Phương Đình (huyện Đan Phượng)
giám sát việc xây dựng đường hoa trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt
|
Nâng chất lượng công việc, giảm sai phạm
Hơn một năm nay, môi trường sống của người dân ở ngõ 103 phố 8/3 phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) trong lành hơn bởi hệ thống thoát nước được cải tạo đúng quy cách. Sự thay đổi tích cực đó có sự đóng góp của các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Quỳnh Mai. Ông Nguyễn Hữu Du, Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường chia sẻ: “Quá trình giám sát việc cải tạo hệ thống thoát nước, chúng tôi phát hiện thiết kế hướng thoát nước không đúng với thực tế địa hình nên đã chủ động trao đổi với ban quản lý dự án, đơn vị thi công đề nghị UBND quận điều chỉnh cho phù hợp và đã được chấp thuận”.
Không chỉ riêng công trình này mà tại hầu hết các dự án do phường triển khai, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường đều vào cuộc sát sao. Nhờ vậy, nhiều khâu, nhiều việc chưa đúng với thiết kế đã được các thành viên phát hiện kịp thời và góp ý với đơn vị thi công để công trình hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, được nhân dân đánh giá cao.
Nhờ sự nhiệt huyết của các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Phú La (quận Hà Đông), nên đã phát hiện sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công đường cống thoát nước thải đoạn ga Ba La đi qua quốc lộ 6 thuộc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, kịp thời báo cáo và phối hợp với UBND phường yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục. Tại xã Vật Lại (huyện Ba Vì) qua giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, Ban Thanh tra nhân dân xã đã phát hiện 2 vụ vi phạm xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Vật Lại 1 và Vật Lại 2. Hay Ban Thanh tra nhân dân phường Bồ Đề (quận Long Biên) trong năm 2018 đã phát hiện, kiến nghị xử lý 11 vụ việc vi phạm, phối hợp giám sát 7 cuộc về quản lý trật tự xây dựng…
Phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân
Thời gian qua, hoạt động giám sát của cộng đồng được tập trung vào việc quản lý sử dụng đất đai, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước, nhân dân đóng góp, bồi thường giải phóng mặt bằng, chi trả chế độ chính sách... Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, các ban thanh tra nhân dân đã giám sát 6.771 vụ việc, phát hiện 1.749 vụ có dấu hiệu vi phạm; kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền 1.712 vụ việc. Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 1.641 vụ việc, đạt 95,85%.
Các ban thanh tra nhân dân còn phối hợp giám sát 3.029 vụ việc về quản lý trật tự xây dựng; 1.196 vụ việc về quản lý, sử dụng đất đai; 2.533 vụ việc về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở… Các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát hơn 4.000 công trình, dự án. Thông qua đó phát hiện 426 vụ vi phạm; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 411 vụ vi phạm ở các lĩnh vực: Đầu tư không đúng quy định, vật tư sai quy cách, những việc làm gây lãng phí; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 83.018m2 đất và 494 triệu đồng…
Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Văn Chức nhận định: Khó khăn lớn nhất của hoạt động giám sát tại cộng đồng hiện nay là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sát sao trong việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với chính quyền cơ sở, các tổ chức thành viên trong chỉ đạo, hướng dẫn các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động chưa thật sự chặt chẽ. Công tác nắm bắt, phát hiện những vụ việc phát sinh trong nhân dân của một số ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng chưa kịp thời. Trình độ, năng lực, trách nhiệm, kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động giám sát như: Kiến trúc, xây dựng, tài chính, địa chính… của thành viên còn hạn chế dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chưa đồng đều. Trong khi đó, hoạt động giám sát thường chỉ tập trung vào các dự án công trình phúc lợi của cơ sở đầu tư, việc tiếp cận để thực hiện giám sát đối với các dự án do thành phố, quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư còn hạn chế…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Dương Cao Thanh khẳng định, việc huy động người dân làm “tai”, “mắt” giám sát các công trình mà chính họ thụ hưởng đã phát huy được tinh thần tự quản, đề cao quyền làm chủ của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội và góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Xác định giám sát là một trong những hoạt động cơ bản của công tác mặt trận trong giai đoạn hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Cùng với đó là lắng nghe ý kiến nhân dân để giám sát trúng, đúng những vấn đề người dân quan tâm; tăng cường tập huấn cho đội ngũ làm công tác mặt trận cơ sở và thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng, ban thanh tra nhân dân…
Hiền Phương/ hanoimoi.com.vn