Sự nỗ lực của hệ thống chính trị
Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện QCDC, gắn với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo các Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Trong những năm gần đây, MTTQ Việt Nam đã thực hiện phản biện có chất lượng, chiều sâu; giám sát có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến nhân dân, đồng thời phát huy vai trò của nhân dân cùng thực hiện giám sát hoạt động của chính quyền.
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn dân cư. MTTQ các cấp tham gia giám sát người đứng đầu, cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử; phối hợp tổ chức đối thoại với nhân dân; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và ngăn chặn những biểu hiện “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cùng với những hoạt động của MTTQ các cấp, nhân dân đã tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền.
Quyết tâm đổi mới các cuộc vận động, các phong trào thi đua để chăm lo tốt hơn đời sống cho nhân dân, “Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư” được tổ chức hằng năm vào dịp 18-11 thực sự là diễn đàn trao đổi dân chủ của nhân dân, góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Công tác nắm tình hình trong đồng bào dân tộc, tôn giáo và tổ chức thăm, tặng quà được quan tâm thiết thực. Qua đó, quyền làm chủ của nhân dân được đề cao, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hoá trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập đã nghiêm túc thực hiện QCDC trong cơ quan, đơn vị; quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, nhằm thực hiện tốt hơn các nhu cầu của người dân. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên thực thi công vụ. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Việc thực hiện QCDC tại nơi làm việc cũng được các cấp, các ngành, doanh nghiệp quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân thực hiện khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Chủ doanh nghiệp đã quan tâm tổ chức đối thoại định kỳ, thực hiện các cam kết với người lao động, khen thưởng kịp thời để động viên tinh thần, đảm bảo các chính sách hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Nhân dân đã thể hiện sự quan tâm đến việc góp ý kiến về xây dựng chính sách, pháp luật, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển và thực hiện được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả. Việc thực hiện QCDC đã góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, triển khai hiệu quả hơn cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế
Mặc dù Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và luôn chỉ đạo các cấp phát huy tốt việc thực hiện QCDC, ở một số địa phương,cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, việc phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện dân chủ còn mờ nhạt, hiệu quả chưa rõ. Việc thực hành dân chủ một số nơi còn hình thức, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự nêu gương trong “nói và làm”. Việc xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy trình thực hiện công khai, dân chủ chưa phát huy hiệu quả; việc tiếp cận thông tin của người dân còn khó khăn.
Hoạt động của một số ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở địa phương chưa hiệu quả; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị có nơi, có lúc chưa được đề cao; tuyên truyền, giáo dục chưa được coi trọng đúng mức. Một số nội dung cần công khai để nhân dân biết và bàn bạc, đóng góp còn hình thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả về vai trò của nhân dân trong xây dựng chính sách và chính quyền cơ sở. Một số chủ trương, chương trình, dự án chưa thực hiện tốt việc công khai lấy ý kiến nhân dân, nên chưa tạo được sự đồng thuận, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên, môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản, bồi thường, tái định cư dẫn đến khiếu kiện đông người, bức xúc kéo dài ở một số địa phương. Thời gian giải quyết công việc còn chậm; người đứng đầu chưa quan tâm đến đối thoại, lắng nghe ý kiến và giải quyết phản ánh, khiếu nại của người dân. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền còn hạn chế. Việc nắm tình hình và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chưa kịp thời.
Việc thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; còn tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo các chính sách về thời gian lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương, tiền thưởng của người lao động.
Trong khi đó, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, người lao động. Chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện và cơ sở chưa thực sự phát huy như mong muốn. Một số đề xuất, kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý ở một số nơi, có lúc còn chưa được chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng.
Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm
Để thực hiện tốt hơn nữa QCDC ở cơ sở, nhằm khơi dậy và phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện QCDC ở cơ sở, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo trong Chỉ thị 30-CT/TW và Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị bảo đảm thực chất và hiệu quả; triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, đưa việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở đi vào nền nếp.
Thứ hai, các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Người đứng đầu các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự liêm chính, phục vụ nhân dân.
Thứ ba, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương. Tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nội dung của QCDC ở cơ sở với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thông qua đó, vừa góp phần thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở vừa chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, đồng bào bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai.
Thứ tư, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại, kịp thời chấn chỉnh sai phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân.
Thứ năm, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận với thông tin, nhất là thông tin về các chính sách, pháp luật; chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt quy chế, hương ước, quy ước ở địa phương. Kịp thời khuyến khích và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, làm cho việc thực hành dân chủ ngày càng sâu rộng trong mọi hoạt động phong phú, đa dạng của đời sống xã hội.
Trần Thanh Mẫn
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo số 4/2019