Chủ Nhật, 24/11/2024
Những chuyển biến trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở Bạc Liêu
 

Hội nghị tổng kết công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong tỉnh năm 2018,
triển khai nhiệm vụ năm 2019. Ảnh: X.T 


Chuyển biến dễ nhận thấy nhất là việc thực hiện khá tốt công tác cải cách hành chính. Toàn tỉnh hiện có 19/19 sở, ngành và 4 cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc thực hiện theo cơ chế “một cửa”; có 7/7 huyện, thị, thành phố thành lập Trung tâm Hành chính công và từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả. Cấp ủy các cấp cũng đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Từ đó, nhiều vụ khiếu nại phức tạp của công dân tồn đọng kéo dài đã được giải quyết.

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, cấp ủy, chính quyền các cấp còn tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng công tác đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, những bức xúc của nhân dân. Phong trào "Dân vận khéo" gắn với "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được phát động rộng rãi trong nhân dân. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để đoàn viên, hội viên, nhân dân hiểu và thực hiện đúng các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân.

Hàng năm, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp, các ngành được củng cố, kiện toàn, nhằm đảm bảo đủ về số lượng và hoạt động có chất lượng. Theo đó, đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng quy chế, quy ước như: Quy ước về “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Quy chế “Xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, không có tệ nạn xã hội”; “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”… Để việc thực hiện các quy chế, quy ước đạt hiệu quả, nhiều ban giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập mới hoặc củng cố, kiện toàn nhằm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy chế, quy ước trong cộng đồng dân cư, các công trình, dự án do dân đóng góp. Từ đó, việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tích cực trên nhiều mặt của đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã còn phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc lấy ý kiến nhân dân vào các nội dung như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; quản lý đất đai, các dự án, chương trình, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; hương ước, quy ước; bầu Trưởng ấp - khóm, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng… Qua lấy ý kiến, người dân được trực tiếp bàn bạc, thảo luận, góp ý, tạo cơ sở cho chính quyền quyết định hợp lý, hợp tình. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở nhiều địa phương được triển khai và phát huy hiệu quả, nhất là trong việc triển khai thực hiện các công trình phúc lợi công cộng và thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng và người nghèo.

Xuân Thưởng/ baobaclieu.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất