Thứ Năm, 26/12/2024
Điện Biện: Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với nhiều giải pháp
 

Phát huy quyền làm chủ của người dân xây dựng nông thôn mới, người dân đội 10,
 xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) tích cực tham gia làm đường giao thông
nông thôn nội bản. Ảnh: Gia Kiệt 

Trong xây dựng nông thôn mới, người dân là chủ thể nên việc nhận được sự đồng tình ủng hộ, chung tay xây dựng nông thôn mới từ phía người dân có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công chương trình ở mỗi địa phương. Vì thế, bắt tay triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện ngay từ các cuộc họp bàn tại thôn bản để người dân tham gia ý kiến về mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã và các công việc khác của cộng đồng dân cư phù hợp với quy định pháp luật... Nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, nhất là việc hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn, làm đường giao thông nông thôn được tháo gỡ... là minh chứng cụ thể nhất sức mạnh của công tác tuyên truyền, vận động và phát huy thực hiện dân chủ cơ sở. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn được thể hiện trong việc rõ ràng, minh bạch, người dân giám sát chất lượng xây dựng các công trình, dự án xây dựng nông thôn mới. Ðược tham gia ý kiến đóng góp, bàn bạc thực hiện từng tiêu chí, lựa chọn tiêu chí nào ưu tiên làm trước… đã giúp nhiều địa phương trong tỉnh có bước tiến vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới. Người dân tích cực đóng góp ngày công, nguyên vật liệu xây dựng, hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa; cùng với việc tập trung, phối kết hợp các nguồn lực thực hiện, đến nay chương trình xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được cải thiện và nâng cao. Toàn tỉnh đã có 16 xã đạt, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Ðiều đáng ghi nhận đó là việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tháo giỡ được nhiều khó khăn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng), bắt tay xây dựng nông thôn mới trong điều kiện khó khăn, xuất phát điểm thấp của một xã thuần nông. Phát huy dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành, kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển vượt bậc, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển dịch tích cực, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân. Nhất là người dân đã hiểu rõ ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia xây dựng nông thôn mới nên chung sức đồng lòng cùng thực hiện. Theo đồng chí Lường Văn Bóng, Chủ tịch UBND xã Búng Lao: Không chỉ đóng góp ngày công lao động, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, làm nhà văn hóa… Ðến nay, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí Bộ Tiêu chí nông thôn mới; trong đó nhiều tiêu chí thành phần thuộc các tiêu chí về tổ chức sản xuất, tỷ lệ lao động có việc làm, giao thông, thủy lợi… có sự đóng góp tích cực của người dân thông qua phát huy thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

Không chỉ trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nói về vấn đề này, đồng chí Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Ðể thực sự phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, để người dân hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và tích cực tham gia thực hiện dân chủ cơ sở, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cấp xã đã cụ thể hóa và thực hiện có nề nếp các văn bản chỉ đạo của cấp trên về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cùng với đó là chú trọng củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng làm “nòng cốt” trong công tác giám sát việc thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Ðến nay, 130/130 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có Ban Thanh tra nhân dân với 1.288 thành viên; trong đó 61 ban thanh tra nhân dân có đủ điều kiện đảm nhiệm được nhiệm vụ của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; thành lập 117 ban giám sát đầu tư của cộng đồng với hơn 1.000 ủy viên. Trong năm 2018, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức hàng trăm cuộc giám sát, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc, góp phần nâng cao chất lượng các công trình công cộng phục vụ nhân dân.

Gia Kiệt/ baodienbienphu.info.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi