Thứ Năm, 26/12/2024
Quy chế dân chủ cơ sở là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội
 

Từ sự góp ý của người dân, bộ phận "một cửa" UBND xã Tâm Thắng (Cư Jút) hoạt động
 ngày càng hiệu quả với tinh thần phục vụ, vì sự hài lòng của người dân 


Theo đó, tại Đắk Nông UBND cấp xã đã thực hiện khá đầy đủ 11 nội dung tại Điều 5 của Pháp lệnh 34 để công khai cho người dân biết bằng nhiều hình thức như niêm yết tại trụ sở xã, thông báo trực tiếp qua các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, tuyên truyền miệng. Các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với Mặt trận và các thành viên tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và người dân các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xã hội hóa giao thông nông thôn, vay vốn sản xuất, thủ tục về hộ tịch hộ khẩu...

Việc tổ chức cho người dân tham gia bàn bạc, giải quyết trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, từng bước đi vào nền nếp. Nhân dân đã phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia ý kiến vào các dự thảo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, quản lý đất đai, các dự án, chương trình, chủ trương, phương án đền bù, giải tỏa mặt bằng, quy ước thôn bản, bầu ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Chính quyền phối hợp với Mặt trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến của người dân bằng nhiều hình thức như thông qua các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, công khai bản đồ quy hoạch khu dân cư...

Bên cạnh đó, UBND cấp xã xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức họp dân để thảo luận bàn bạc công khai các nội dung cần người dân bàn và quyết định trực tiếp, các cấp chính quyền triển khai thực hiện như chủ trương, mức đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nhà tình nghĩa, giúp nhau giảm nghèo.

Những khoản đóng góp với mục đích từ thiện, nhân đạo được UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể lấy ý kiến của người dân theo nguyên tắc tự nguyện, không áp đặt, phân bổ. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, các chương trình xã hội hóa đường giao thông nông thôn, các chính sách đền ơn đáp nghĩa được người dân tích cực hưởng ứng.

Đơn cử như ở huyện Tuy Đức, xã Đắk Búk So đã vận động người dân ở các thôn, bon đóng góp công sức, tiền của cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để làm 2,37 km đường bê tông. Xã Quảng Tâm vận động người dân đóng góp trên 764 triệu đồng xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng. Ở thị xã Gia Nghĩa, các xã, phường huy động người dân đóng góp 680 ngày công và trên 10,7 tỷ đồng để xây dựng hội trường, sửa chữa đường giao thông nông thôn. Huyện Krông Nô vận động người dân tham gia 2.356 ngày công lao động để làm mới và sửa chữa 19,7 km đường giao thông nông thôn, 8,4 km kênh mương, trên 20 km đường giao thông liên xã, 35 km đường liên thôn, giao thông nội đồng và hiến 3 ha đất để xây dựng hội trường, nhà văn hóa thôn, bon… Huyện Cư Jút làm 30 căn nhà cho các đối tượng chính sách; tổ chức đưa 65 hộ dân nhận đất và làm nhà ở tại khu tái định canh, định cư ở thôn 15, xã Đắk D’rông.

Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng kịp thời thông báo các văn bản niêm yết công khai thủ tục hành chính, nội quy, quy chế của cơ quan để người dân biết, tiện cho việc giao dịch dân sự, giám sát các khoản đóng góp, nghiệm thu, quyết toán công trình xây dựng. Các chương trình, dự án do ngân sách nhà nước trực tiếp đầu tư; kết quả hoạt động của đại biểu HĐND, cán bộ, công chức; chế độ, chính sách ưu đãi người có công, gia đình chính sách cũng được thông báo đến người dân nắm, hiểu.

Thực hiện “Năm dân vận chính quyền 2018”, chính quyền cấp xã, bộ phận tiếp công dân đã thực hiện nghiêm túc tiếp công dân định kỳ và công khai quy chế, kết quả để người dân biết. Đối với những vụ việc phức tạp, lãnh đạo xã chủ động tiếp công dân để giải thích, vận động tuyên truyền và chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh. Nhờ đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại chuyển biến tích cực, trách nhiệm được nâng lên.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Đắk Nông năm 2018 mới đây, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã yêu cầu, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cần tiếp tục xác định rõ, dân chủ là mục tiêu, động lực để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Việc thực hiện dân chủ phải thường xuyên và đi vào thực chất trong cả hệ thống chính trị và mọi hoạt động của đời sống xã hội. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cần cụ thể hóa nội dung dân chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội, không để tình trạng dân chủ hình thức.    

Hoàng Hoài/ baodaknong.org.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi