Thời gian qua, vai trò của các cấp MTTQ tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở. Mục tiêu là mọi người dân đều được thông tin đầy đủ, kịp thời về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tham gia bàn bạc, giám sát, kiểm tra về những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, lợi ích hằng ngày của chính mình và cộng đồng.
|
Đội ngũ cán bộ MTTQ cơ sở của TP Hạ Long tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ
công tác thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng |
Thông qua đội ngũ cán bộ bám sát cơ sở, MTTQ và các tổ chức thành viên đã và đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng phát huy QCDC ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Theo đồng chí Lê Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, hình thức và nội dung tuyên truyền được đổi mới để hướng mạnh về cơ sở, như: Xây dựng mạng lưới cộng tác viên là lực lượng cốt cán phong trào của mặt trận các cấp, các hội đồng tư vấn và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; tham gia các cuộc tiếp công dân; phối hợp xây dựng các chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cập nhật tin tức hoạt động trên bản tin dân vận, cổng thông tin điện tử...
Đội ngũ cán bộ mặt trận các thôn, bản, khu phố cũng chủ động thực hiện tốt việc tuyên truyền thông qua các cuộc họp tổ dân phố, sinh hoạt các chi, tổ hội các đoàn thể, hệ thống truyền thanh, phát tài liệu... Qua đó, tình hình tư tưởng, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân được cán bộ mặt trận nắm bắt kịp thời, đầy đủ, khách quan, từ đó đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ và các đoàn thể chủ trì, phát động trong xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh... được người dân hưởng ứng nhiệt tình, tự nguyện, hiệu quả...
Cùng với các nội dung trên, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thường xuyên, hiệu quả và góp ý kịp thời nội dung giám sát đối với lĩnh vực quản lý của các cơ quan nhà nước, hoạt động của công chức, công vụ liên quan đến giải quyết công việc với công dân - doanh nghiệp. Những việc nhân dân được biết, được bàn, được giám sát, kiểm tra được thực hiện thường xuyên hơn, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, giám sát hoạt động của chính quyền.
Ở các địa phương, công tác giám sát của mặt trận được gắn với việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Các nội dung kiến nghị sau giám sát và các nội dung góp ý xây dựng chính quyền cơ bản được tiếp nhận, tiếp thu, nghiên cứu và trả lời kịp thời, đúng các quy định nêu trong quy chế, quy định. Với việc giám sát thực hiện QCDC cơ sở, nhân dân đã được bàn và quyết định cũng như tham gia kiểm tra, giám sát nhiều vấn đề, như: Huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi; xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa; Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", Quỹ "Ngày Vì người nghèo" và các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư; thành lập ban giám sát các công trình xây dựng do nhân dân đóng góp; bình xét gia đình văn hóa, hộ nghèo... Năm 2018, các ban đã tổ chức trên 650 cuộc giám sát, kiến nghị xem xét giải quyết gần 200 vụ việc, trong đó gần 170 vụ việc đã được xem xét giải quyết đúng quy định. Từ đó, đã hạn chế được các khiếu nại, thắc mắc trong nhân dân.
MTTQ và các tổ chức thành viên đã góp phần quan trọng để quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy. Nhân dân được biết, được đóng góp ý kiến và giám sát vào nhiều lĩnh vực. Từ đó, tham gia quản lý nhà nước, giám sát hoạt động của chính quyền, khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng...
Hoàng Giang