Thứ Sáu, 27/12/2024
Ðối thoại để giải quyết các vấn đề dân sinh
 

Người dân xã Ðồng Thạnh, huyện Gò Công Tây nêu ý kiến trong cuộc tiếp xúc lãnh đạo UBND tỉnh. 


Khi người đứng đầu vào cuộc

Nhiều người dân tại ấp 7, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành đến nay vẫn tâm đắc việc đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xuống tận địa bàn khảo sát, tiếp xúc với người dân để xử lý dứt điểm bức xúc về trại gà gây ô nhiễm môi trường. Ðó là trại nuôi gà lấy trứng theo mô hình chăn nuôi công nghiệp của Công ty TNHH Thuần TTG. Trại gà hoạt động từ đầu năm 2017, với số lượng lên đến hàng chục nghìn con gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mùi hôi, thối bốc lên nồng nặc và nước thải từ chuồng trại xả thẳng ra môi trường làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân ở khu vực. Người dân bức xúc kiến nghị chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan nhưng không được giải quyết dứt điểm. Từ đó dẫn đến việc, giữa tháng 10-2018, nhiều hộ dân ở ấp 7 đã có hành động ngăn cản không cho xe đưa thức ăn vào trại gà và xe vận chuyển chất thải từ trại ra ngoài; giữa tháng 11-2018, họ tiếp tục phản ứng quyết liệt hoạt động của trại gà.

Ngày 21-11-2018, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đi khảo sát trại gà, tiếp xúc đối thoại với người dân, doanh nghiệp và kết luận rõ ràng: "Dù rất cần doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng quan điểm của tỉnh là không lấy môi trường và sức khỏe của người dân ra đánh đổi". Ðồng chí chỉ đạo: Ðến ngày 25-11, Công ty TNHH Thuần TTG phải hoàn tất việc dời đàn gà trong trại ra khỏi địa bàn và xử lý dứt điểm các vấn đề môi trường. Cách giải quyết này nhận được sự ủng hộ của tất cả các hộ dân trong cuộc họp. Bà Nguyễn Thị Cho, ở ấp 7 cho biết: "Ba ngày sau cuộc họp, chủ trại gà đã di dời toàn bộ đàn gà, nhờ đó, tình trạng ô nhiễm đến nay đã chấm dứt. Ðiều mong muốn nhất bây giờ của chúng tôi là, nếu chính quyền cho phép trại gà hoạt động trở lại thì phải quản lý chặt chẽ quy trình xử lý ô nhiễm môi trường".

Trường hợp nêu trên là thí dụ điển hình trong rất nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với người dân của lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền tỉnh Tiền Giang trong thời gian gần đây, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, lấy lại niềm tin của người dân. Còn nhớ đầu nhiệm kỳ, Tiền Giang là một trong những địa phương có nhiều người khiếu nại kéo đến tụ tập trước trụ sở các cơ quan Trung ương, gây khó khăn cho cơ quan chức năng các cấp, làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm, chủ yếu về lĩnh vực thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân… Thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; tổ chức trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài, gồm có bảy trong số 14 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham gia và đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nhiệm vụ được phân công, đồng chí trưởng ban triển khai công tác tiếp dân theo Luật Tiếp công dân và tăng cường hoạt động đối thoại để giải quyết khiếu nại, đồng thời tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã từ ba đến bốn lần trong năm. Ban chỉ đạo yêu cầu UBND các huyện hằng quý phải tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hoặc kiến nghị cấp trên giải quyết.

Ðể đạt hiệu quả thực chất

Với các giải pháp nêu trên, công tác giải quyết các vụ việc phức tạp và khiếu nại, tố cáo ở địa phương đã có những chuyển biến rõ nét. Về tiếp công dân, Tỉnh ủy, HÐND tỉnh vừa thực hiện vai trò lãnh đạo, giám sát vừa tăng cường trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân, trong đó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh và Thường trực HÐND tỉnh trực tiếp tiếp công dân. Hệ thống chính quyền, cơ quan chức năng các cấp đã tăng cường và duy trì thường xuyên công tác tiếp công dân. Nhờ đó, số lượt người dân bức xúc đến điểm tiếp công dân giảm dần. Thí dụ, trong năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 92 lượt với 526 người (có 11 đoàn đông người), nhưng đến năm 2018, con số này giảm xuống còn 39 lượt với 193 người (có bốn đoàn đông người). Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã tiếp nhận 366 đơn khiếu nại, giải quyết được 350 đơn thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ hơn 95%. Cùng với đó, số người khiếu kiện của tỉnh kéo đến các cơ quan Trung ương đã giảm mạnh.

Từ tháng 10-2018 đến nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ động các biện pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) bằng việc tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến đại diện nhân dân tại cơ sở nhằm tạo thêm sự tương tác, gần gũi, gắn kết giữa người dân với chính quyền. Kết quả triển khai thực hiện cho đến hết năm 2018, các đoàn gồm chủ tịch, phó chủ tịch và thành viên UBND tỉnh đã tổ chức gặp gỡ nhân dân tại 48 trong số 173 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với sự tham gia của khoảng 7.700 người dân. Ðây được xem là kênh tiếp xúc mới của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.

Qua khảo sát bước đầu cho thấy, sau các cuộc gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo tỉnh, người dân đánh giá cao hoạt động này và ngày càng đồng tình, hưởng ứng, tích cực tham gia phát biểu ý kiến và kiến nghị. Phần lớn người dân cũng hài lòng với kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở, qua đó góp phần giảm khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Tuy nhiên, làm thế nào để hoạt động gặp gỡ, giải quyết bức xúc, kiến nghị của người dân mang lại kết quả thực chất lâu dài? Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Thanh Ðức, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Khi tổ chức thực hiện chương trình gặp gỡ nhân dân, lãnh đạo tỉnh từng băn khoăn về hiệu quả của công tác này. Nếu tổ chức không tốt, việc tiếp xúc dân dễ trở thành phong trào. Cán bộ hứa với dân nhiều quá mà không giải quyết sẽ dẫn đến khuyết điểm tiếp theo là tồn đọng nhiều vấn đề không xử lý được. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả, chính quyền lựa chọn những vấn đề trọng tâm để giải quyết. Tỉnh phân công văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành theo dõi, đôn đốc tiến độ xử lý kiến nghị của người dân. Tất cả ý kiến chỉ đạo xử lý của tỉnh đều được thông báo về cơ sở để người dân có thể kiểm tra, giám sát. Chính quyền địa phương phải duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát và phản hồi thông tin để đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Theo kế hoạch, đến hết quý III-2019, các cuộc tiếp xúc, đối thoại của lãnh đạo tỉnh sẽ được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Sau đó, tỉnh sẽ tiến hành quay vòng lại các cuộc tiếp xúc, đối thoại ở từng cơ sở để kiểm tra xem có vấn đề gì phát sinh không, lãnh đạo chính quyền địa phương và các sở, ngành có xử lý triệt để các kiến nghị của dân không. Có như vậy mới có sự so sánh, đánh giá được kết quả, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở và các sở, ngành, cũng như hiệu quả lâu dài của hoạt động tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân.

Từ Anh Tuấn/ nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi