Thứ Sáu, 27/12/2024
Thành phố Hồ Chí Minh với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Ủy ban nhân dân các phường thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

 Đảng ta luôn khẳng định, dân chủ là bản chất của chế độ; dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Trong công cuộc đổi mới, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một trong những thành tựu nổi bật. Tuy vậy, không phải lúc nào, ở đâu, quyền làm chủ của nhân dân cũng được tôn trọng và phát huy đúng mức.

Chính quyền các phường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng, quán triệt và thực hiện khá tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” đối với sự phát triển của thành phố. Vị trí trung tâm của Quy chế dân chủ cơ sở còn thể hiện qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, xây dựng “khu phố văn hóa”, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chương trình “Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, chương trình “Tăng hộ khá, giảm hộ nghèo”, “Chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới”, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong suốt thời gian qua. Gần đây, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, tăng cường hơn nữa việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ảnh của nhân dân lấy từ bốn nguồn: ý kiến cử tri, qua giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đơn khiếu nại, tố cáo của công dân và phản ánh từ báo chí, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quy định số 1374-QÐ/TU ngày 1/12/2017 về "Quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước". Để thực hiện nghiêm, từ Thành phố đến quận, phường đều thành lập Tổ công tác 1374.

Việc thực hiện dân chủ cơ sở ở phường là mục tiêu, định hướng phát triển bền vững của Thành phố, trên cơ sở là phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và giữ vững ổn định chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Do vậy, thực hiện dân chủ ở phường là yêu cầu và động lực quan trọng của Thành phố, nội dung thực hiện dân chủ ở phường càng cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế mỗi phường, thì dân chủ cơ sở càng được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trên mọi phương diện của đời sống xã hội, động lực để người dân tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý xã hội và quản lý nhà nước một cách có ý thức. Đồng thời, thông qua hoạt động này, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp thúc đẩy Thành phố phát triển trên nhiều mặt và người dân góp ý tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy luôn chú trọng lãnh đạo tổ chức sơ kết, tổng kết, song song với việc ban hành, triển khai các chủ trương mới, chương trình, kế hoạch thực hiện dân chủ cơ sở phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn phường. Mặt khác, các cấp ủy cũng luôn quan tâm việc kiểm tra, giám sát, trong 10 năm (2008-2017) đã tổ chức 1.987 lượt kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở cấp phường và khu phố, tổ dân phố. Ban Chỉ đạo, Tổ chỉ đạo các cấp đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm với chuyên đề “Kinh nghiệm của cấp ủy trong lãnh đạo chính quyền phường tiếp thu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân”; “Công tác vận động nhân dân di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện dự án trên địa bàn”; “Cách làm, kinh nghiệm trong việc phát huy dân chủ trong vận động, công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các khoản đóng góp vận động của nhân dân; chỉ đạo thực hiện chủ trương bồi thường, hỗ trợ, di dời, tái định cư để thực hiện dự án”; “Các giải pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”... Đồng thời, kiểm nghiệm các nội dung, phương pháp thông qua cách làm về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đi vào đời sống xã hội, đánh giá sự tham gia và nhận thức của nhân dân về dân chủ, về quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân trong quá trình thực hiện dân chủ ở phường; về công tác triển khai, vận động và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; đánh giá năng lực đội ngũ cán bộ, công chức về nhận thức và vai trò tham mưu, vai trò lãnh đạo và chỉ đạo trong tổ chức thực hiện dân chủ ở phường. Đây là những chuyên đề mang tính thực tiễn và có ý nghĩa quan trọng, xuất phát từ thực tế đời sống xã hội ở phường trong thời gian qua.

Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cho đoàn viên và hội viên từ phường, đến các cấp uỷ, ban điều hành khu phố; trưởng, phó Ban Công tác Mặt trận khu phố; tổ trưởng tổ dân phố với 959.741 lượt người về nội dung thực hiện dân chủ ở phường. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các nội dung, chương trình cải cách hành chính và kỹ năng giao tiếp hành chính; kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa nơi công sở; kỹ năng tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và tổ chức; quản lý nhà nước về công tác tôn giáo...

Thực hiện dân chủ ở phường còn gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính, cụ thể là tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra công chức, công vụ; triển khai và thực hiện đồng bộ Bộ thủ tục hành chính áp dụng tại phường theo Đề án 30 của Chính phủ, 100% các phường thực hiện giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông; các phường đã gắn thực hiện quy chế dân chủ với công tác cải cách hành chính, để “nhân dân biết, dân giám sát” mọi hoạt động của cán bộ, công chức. Vì vậy, trong thời gian qua, Chương trình cải cách hành chính, mà cụ thể là nội dung cải cách thủ tục hành chính ở các phường đã được cải tiến, giảm đáng kể phiền hà cho nhân dân, trình độ năng lực giải quyết công việc của cán bộ được nâng lên, cơ sở vật chất phục vụ tiếp công dân được cải thiện, hình thức phục vụ được cải tiến đảm bảo nhanh chóng, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, đây cũng là mục tiêu thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn”. Qua tổng hợp kết quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính hàng năm các phường đều đạt trên 90% số hồ sơ giải quyết kịp thời theo đúng quy định hiện hành. Do thực hiện tốt Quy chế dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, nên nhân dân phấn khởi, nêu cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và các công trình phúc lợi công cộng, các dự án cơ sở hạ tầng về giao thông, về cấp thoát nước... chính quyền các phường đã cơ bản phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, qua 10 năm có 7.381 cuộc, với 435.246 lượt người tham dự để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, nắm bắt và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của người dân, đồng thời phát huy tinh thần sáng tạo của người dân tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, dân chủ trong nhân dân được phát huy ở cơ sở, mặt khác đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức hiểu được tầm quan trọng vai trò của quần chúng nhân dân, tăng cường công tác phối hợp, công tác liên tịch giữa chính quyền phường với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phường. Đặc biệt, trong quá trình đô thị hóa nhanh ở các quận vùng ven, việc phát huy sức dân trong tham gia đóng góp các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa, thể thao, các công trình phúc lợi công cộng... có những chuyển biến tích cực, thúc đẩy việc phát triển các phong trào văn hóa - xã hội, làm cho đời sống nhân dân các phường của Thành phố được nâng cao về mọi mặt.

Để hạn chế khiếu nại, tố cáo và giải quyết ngay từ cơ sở các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, công tác hòa giải ở cơ sở được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Thông qua công tác hòa giải thành ở cơ sở, mỗi năm có hàng nghìn vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được hòa giải trên cơ sở tình làng, nghĩa xóm đã góp phần làm giảm phát sinh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Tổ hòa giải cơ sở được xây dựng theo địa bàn khu dân cư (khu phố), lực lượng chính tham gia các tổ hòa giải mà lực lượng chính là thành viên các Ban Công tác của Mặt trận, trưởng phó khu phố, tổ dân phố.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các phường quan tâm thực hiện và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức và công dân về công tác này từng bước được nâng lên; cấp ủy và chính quyền phường đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền, quy trình, quy định; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường; đã tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, khiếu nại, tố cáo kéo dài, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố...

Cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị phường, thông qua nhiều kênh, nhiều phương thức như: tăng cường tiếp xúc và đối thoại giữa chính quyền với người dân; định kỳ hàng quý Ủy ban nhân dân phường tổ chức hội nghị giao ban gồm trưởng khu phố, tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn để báo cáo, thông tin tình hình hoạt động của chính quyền và hệ thống chính trị - xã hội, lắng nghe ý kiến, tiếp thu, trả lời những thắc mắc của người dân có liên quan đến điều hành, quản lý của chính quyền cơ sở (hình thức dân chủ trực tiếp của chính quyền ở cơ sở). Việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân còn được tiến hành thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (dân chủ đại diện). Thông qua quy chế phối hợp hoạt động giữa Ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong việc tiếp nhận và xử lý, trả lời kiến nghị của người dân.

Những kinh nghiệm bước đầu trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở

Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức học tập, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, khu vực; thường xuyên cập nhật quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về Quy chế dân chủ cơ sở ở phường, khu phố, tổ dân phố, xây dựng tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành, dễ kiểm tra.... Công tác này cần có sự thống nhất lãnh đạo tập trung của cấp ủy, chính quyền và có sự phối hợp đồng bộ với Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội.

Hai là, việc xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy định, quy chế, quy ước phải phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Phát huy được trí tuệ của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân, làm cho mọi người dân nhận thức đúng đắn quyền làm chủ của mình để tự nguyện, tự giác thực hiện. Trong thực hiện phải tăng cường giám sát, kiểm tra để kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ba là, cấp ủy phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và nhất là không khoán trắng cho chính quyền. Xây dựng nghị quyết của cấp ủy về giám sát, kiểm tra và lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đưa nội dung thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vào Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ và hàng năm. Trong từng giai đoạn, từng thời điểm, người lãnh đạo và người đứng đầu cần chọn nội dung trọng tâm triển khai theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Quá trình kiểm tra, phát hiện những nội dung không phù hợp phải chủ động kiến nghị cụ thể nội dung cần sửa chữa với cấp trên, nhằm phát huy thật sự quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội, để Quy chế dân chủ cơ sở trở thành mục tiêu và động lực phát triển.

Bốn là, cấp ủy, lãnh đạo chính quyền địa phương phải nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát. Nhất là việc phải tự mình nêu gương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; quan tâm bố trí cán bộ, củng cố tổ chỉ đạo tham mưu tốt cho cấp ủy trong thực hiện Quy chế dân chủ. Tinh thần quyết tâm, ý thức của chính quyền và người dân ở cơ sở là một trong những yếu tố chủ yếu để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

Nguồn: tapchimattran.vn/ Lê Văn Cường - Nguyễn Thị Thu Hà

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi