|
Một buổi giáo dục chính trị cho chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn. |
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 30/CT-TW ngày 18/2/1998 về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã ban hành các chỉ thị, hướng dẫn, quy chế, quy định cụ thể trên các mặt, các lĩnh vực, để chỉ đạo việc thực hiện QCDCCS trong quân đội. Ngày 4/10/2010, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW “Về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện QCDCCS trong quân đội”; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 111/2009/TT-BQP ngày 20/11/2009, Thông tư số 165/2018/TT-BQP ngày 1/12/2018 Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quân nhân trong QĐND Việt Nam...
Ngay sau khi Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW, Thường vụ Đảng ủy BĐBP đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị 63-CT/ĐU ngày 14/4/2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện QCDCCS trong BĐBP”, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo QCDCCS trong BĐBP. Ban Chỉ đạo đã xây dựng các quy chế, kế hoạch sát với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của lực lượng và triển khai chỉ đạo tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo trên từng lĩnh vực công tác như: Quy chế làm việc của cấp ủy, của chỉ huy; Quy chế lãnh đạo các mặt công tác: Cán bộ, quân lực, tài chính, tuyển sinh đào tạo, xây dựng cơ bản... đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy, chỉ huy với mọi hoạt động của đơn vị, đồng thời, phát huy được dân chủ, đề cao được trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng tham gia vào quá trình xây dựng chủ trương, biện pháp và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị.
Trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính, đó là: Dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy đảng; trong quản lý, điều hành của chỉ huy các cấp và quyền dân chủ của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động.
Để thực hiện tốt nội dung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt đầy đủ chỉ thị, nghị quyết của trên về thực hiện các nhiệm vụ và cụ thể hóa bằng việc đề ra các nghị quyết, chỉ thị, các chủ trương, giải pháp đúng, sát với thực tiễn tình hình, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; tổ chức thảo luận dân chủ rộng rãi từ các tổ chức cơ sở, được mọi cán bộ, đảng viên tham gia đóng góp ý kiến; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm; giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Đối với người chỉ huy, nhìn chung, đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp trong BĐBP thời gian qua đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của trên và của cấp ủy cấp mình, nắm vững chức trách, nhiệm vụ của bản thân; xây dựng phong cách, tác phong công tác sâu sát, bám nắm cơ sở, gần gũi quần chúng. Qua đó, đã giải quyết tốt các mối quan hệ công tác, nhất là quan hệ giữa bí thư cấp ủy, chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy; giữa cấp trưởng với các cấp phó, giữa cán bộ và chiến sĩ.
Định kỳ hàng tháng, quý, chỉ huy các đơn vị tổ chức sinh hoạt thông báo tình hình, quán triệt nhiệm vụ; phổ biến công khai các quy chế, quy định, chế độ chính sách, tiêu chuẩn, nhất là trong công tác cán bộ... để bộ đội biết, giám sát thực hiện và phát huy tính tự giác của mọi quân nhân trong việc chấp hành kỷ luật, pháp luật, tăng cường củng cố niềm tin, sự đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ nhau trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Trong năm 2018 và đầu năm 2019, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã tổ chức được 6.818 lần đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền để kịp thời giải đáp và trả lời thỏa đáng các kiến nghị, đề xuất, đóng góp của cán bộ, chiến sĩ. Tháng 3 năm 2019, thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy BĐBP, tập thể thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP do đồng chí Tư lệnh chủ trì đã trực tiếp làm việc, đối thoại với tập thể cấp ủy, chỉ huy và trưởng, phó các phòng ban, đơn vị thuộc Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, các Cục và 4 hải đoàn, 3 đoàn đặc nhiệm (thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm). Qua làm việc, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã tiếp thu các ý kiến đóng góp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh đối với từng mặt công tác; đồng thời, giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị của từng cơ quan, đơn vị cũng như chỉ đạo, định hướng, xác định các trọng tâm công tác từng chuyên ngành trong thời gian tới.
Để đảm bảo QCDCCS, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh cũng chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp phát huy quyền dân chủ của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động thông qua hoạt động của Hội đồng Quân nhân (HĐQN), các tổ chức quần chúng và thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ chức này. Các tổ chức quần chúng và HĐQN ở các cơ quan, đơn vị đã duy trì thực hiện tốt các chế độ sinh hoạt theo quy định, giữ vững mối quan hệ gắn bó và phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy vai trò tập hợp quần chúng trong tổ chức các phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và tham gia xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Từng tổ chức quần chúng đã phát huy dân chủ, thảo luận, bàn biện pháp thực hiện các nghị quyết của cấp ủy; chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của người chỉ huy. Định kỳ, các đơn vị đều tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động, các tổ chức quần chúng tham gia đóng góp ý kiến cho cấp ủy, chỉ huy, đội ngũ đảng viên thông qua các buổi sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt tự phê bình và phê bình, ngày văn hóa tinh thần ở cơ sở.
Nhờ đó, sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ huy luôn được tăng cường, dân chủ được mở rộng hơn; mối quan hệ giữa người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên với bí thư, cấp ủy ở các đơn vị chặt chẽ hơn. Cấp ủy đảng các cấp đã thường xuyên coi trọng duy trì thực hiện có nền nếp các chế độ sinh hoạt (học tập, lãnh đạo, tự phê bình và phê bình), gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP.
Trong thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình, các ý kiến phê bình đóng góp đã bám sát vào đặc điểm nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, từng cương vị chức trách của cán bộ đảng viên để phê bình, đóng góp giúp cho từng cấp ủy đảng tự kiểm điểm, đánh giá thực chất công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức, năng lực, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên mà trọng tâm là đội ngũ cán bộ, chỉ huy các cấp.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chọn khâu đột phá về chấp hành kỷ luật, pháp luật, đảm bảo an toàn, xây dựng chính quy, kết hợp với thực hiện các cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Bầu không khí trong từng cơ quan, đơn vị đều đoàn kết, dân chủ; cảnh quan môi trường, bộ mặt các đơn vị “Xanh, sạch, đẹp”; các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị hoàn thành tốt, một số mặt công tác hoàn thành xuất sắc; lãnh đạo chỉ huy thường xuyên gặp gỡ đối thoại dân chủ với quần chúng, với cấp dưới; công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính, chế độ chính sách; các chế độ nền nếp sinh hoạt được duy trì nghiêm, tình hình đơn thư khiếu nại, vi phạm kỷ luật giảm tối đa; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được đảm bảo; quan hệ của đơn vị với cấp ủy chính quyền, nhân dân nơi đóng quân tốt, được đánh giá cao.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn và cầu thị thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDCCS trong BĐBP vẫn còn một số hạn chế, chưa đảm bảo dân chủ đầy đủ do hiểu chưa đúng các vấn đề trên. Nhiều nơi hoạt động dân chủ mang tính hình thức, chưa tập trung vào nhiệm vụ chính trị, xây dựng đơn vị, các quy chế, quy định gắn xây dựng đơn vị với thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức, con người. Có nơi việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định về dân chủ còn mang tính hình thức; vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng chức thực sự phát huy được dân chủ rộng rãi. Bên cạnh đó, HĐQN, các tổ chức quần chúng chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, chưa có tiếng nói đúng mức để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, hội viên.
Để khắc phục những tồn tại này, các cấp ủy, chỉ huy cần quán triệt, nhận thức đúng, rõ vai trò ý nghĩa của QCDCCS; gắn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng QCDCCS với việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 8/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 308-KH/ĐU ngày 11/10/2016 của Đảng ủy BĐBP về việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP”. Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho mọi quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện QCDCCS.
Đồng thời, thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy đảng, dân chủ trong quản lý điều hành của người chỉ huy; tập trung đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cấp ủy, chỉ huy các cấp, tạo sự gần gũi, sâu sát, nắm chắc cơ sở, kịp thời khắc phục những hạn chế trong quản lý tư tưởng, kỷ luật; chăm lo đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần và mọi quyền lợi chính đáng cho quân nhân, công nhân viên quốc phòng và người lao động.
Bên cạnh đó, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của HĐQN và các tổ chức quần chúng để thực hiện tốt 3 nội dung dân chủ: Dân chủ về quân sự - chuyên môn, dân chủ về chính trị, dân chủ về kinh tế và đời sống. Đặc biệt, thực hiện dân chủ phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, quyền và nghĩa vụ của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động, đóng góp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP
(bienphong.com.vn)