Thứ Bảy, 27/4/2024
Chuyển biến tích cực ở Châu Hưng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
 
Người dân xã Châu Hưng cùng chính quyền kiểm tra lộ nông thôn vừa mới hoàn thành. 


Châu Hưng là xã thuộc chương trình 135 của Chính phủ đầu tư. Toàn xã có 7 ấp, tỉ lệ đồng bào Khmer chiếm 53% tổng số dân. Nhiều năm qua, trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, Đảng bộ Châu Hưng luôn nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu Nghị quyết hàng năm. Đặc biệt cấp ủy, chính quyền xã đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2016 – 2020 và Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Ông Nguyễn Minh Luận, Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị cho biết: “Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và mang tính lâu dài ở địa phương. Chính vì lẽ đó, địa phương luôn vận dụng công tác này trong các cuộc vận động, tuyên truyền trong dân, từ đó việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội ở xã Châu Hưng đều được bà con đồng lòng ủng hộ”.

Nét nổi bật trong thực hiện Quy chế dân chủ ở Châu Hưng là các chương trình dự án được đầu tư ở địa phương, các chính sách liên quan đến đời sống người dân đều được cấp ủy, chính quyền xã công khai cho người dân biết để thực hiện tốt. Cụ thể trong thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được Đảng ủy xã tổ chức nhiều cuộc họp dân tuyên truyền, vận động, kết hợp công khai các chương trình dự án hỗ trợ, để mọi người hiểu và thông suốt nên được người dân đồng thuận cao trong thực hiện. Ông Dương Thanh Lan, Phó Bí thư kiêm Phó Ban nhân dân ấp Xóm Tro 2, xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị cho biết: “Khi hiểu được và thấy được cái lợi của việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bà con trong ấp Xóm Tro 2 rất là đồng tình, tự nguyện áp dụng các mô hình chuyển đổi theo điều kiện của từng gia đình. Mô hình trồng màu trên nền đất ruộng, được coi là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên khấm khá”.

Xác định cây màu là cây chủ lực thứ 2 trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua Châu Hưng đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động bà con thực hiện nhiều mô hình trồng màu mang lại hiệu quả cao. Chỉ tính riêng trong vụ hè thu 2018, toàn xã xuống giống trên 1.000 ha màu, trong đó diện tích màu xuống chân ruộng chiếm gần 300 ha, chủ yếu trồng dưa leo, bầu, bí, khổ qua tây, đậu đũa, rau cải các loại. Qua hơn 2 năm thực hiện mô hình, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chuyển sang trồng chuyên canh màu, với diện tích mỗi năm tăng khoảng 25 ha. Từ một xã khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thì nay đời sống của bà con Châu Hưng, đặc biệt là bà con Khmer đã thay đổi rõ nét, nhiều hộ trở nên khá, giàu nhờ mô hình này. Anh Đỗ Hiếu Ngoan ở ấp Xóm Tro 2, xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị nói: “Xét về điều kiện thủy lợi, thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế gia đình, tôi áp dụng mô hình trồng đậu bắp trên nền đất ruộng. Vì đây là cây trồng ít vốn, không đòi hỏi nước tưới nhiều; giá bán thấp nhất cũng từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg, trung bình 1 công đậu bắp cũng cho lợi nhuận từ 10 đến 15 triệu đồng, so với trồng lúa thì cao hơn nhiều”. 

Để thực hiện Quy chế dân chủ trên lĩnh vực an sinh xã hội mà cụ thể như hỗ trợ vay vốn, xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, xã Châu Hưng đã chỉ đạo các ấp tổ chức họp dân thông qua danh sách, xem xét và lựa chọn đối tượng bức xúc, để ưu tiên thụ hưởng trước. Chính nhờ công khai minh bạch mà từ đầu năm đến nay, xã đã xây dựng được gần 50 căn nhà theo Quyết định 22 với tổng kinh phí 1,6 tỉ đồng, nhân dân đối ứng trên 2 tỉ đồng, huy động từ nguồn lực xã hội trên 200 triệu đồng, qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao, không có trường hợp khiếu nại trong nhân dân. Ông Bùi Thanh Sơn ở ấp 13, xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị chia sẻ: “Do hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng chật vật, nhà ở xuống cấp mấy năm nay rồi mà chưa có điều kiện cất mới, nay nhờ có Nhà nước hỗ trợ vốn cất nhà, tôi rất vui mừng và cảm ơn Nhà nước quan tâm chăm lo cho bà con nghèo”.

Đối với các chương trình, công trình, dự án, đóng góp các khoản phí, lệ phí, huy động sức người, sức của có liên quan đến chính sách an sinh, xã hội, các công trình phúc lợi phục vụ đời sống,sản xuất, chính quyền địa phương đều phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã chỉ đạo, hướng dẫn và phân công cán bộ trực tiếp xuống ấp, tổ chức cho người dân bàn bạc thống nhất và biểu quyết những công việc của cộng đồng dân cư. Nhờ đó nhiều năm qua, xã không có trường hợp người dân khiếu nại về quyền lợi và bà con địa phương cũng tham gia tích cực hơn trong các phong trào của địa phương. Ông Quách Sĩ Hùng ở ấp 13, xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị nói: “Trước đây vào mùa mưa, đường giao thông trong ấp 13, bà con đi lại rất vất vả. Khi địa phương vận động làm đường thì bà con chúng tôi sẵn sàng ủng hộ đóng góp kinh phí, hiến đất để làm đường. Giờ thì đường từ ấp ra xã đã được thông suốt”. 

Đảng ủy Châu Hưng còn gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, đưa nội dung thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở vào Nghị quyết, kế hoạch công tác năm, đồng thời gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với công tác tự phê bình và phê bình từ cấp ủy đến đảng viên chi bộ, cán bộ, công chức. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân; tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức có chuyển biến tốt, tạo được niềm tin trong nhân dân về sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, các phong trào hành động cách mạng được phát huy mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực đời sống - xã hội. Từ đó tác động tích cực đến thực hiện thắng lợi các phong trào hành động cách mạng ở địa phương và góp phần xây dựng đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ông Nguyễn Minh Luận, Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục củng cố lại Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ, để thực hiện thắng lợi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng các mô hình thiết thực, phù hợp; tranh thủ cùng ngành chức năng xét hỗ trợ vốn cho bà con thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là khâu thủy lợi để bà con có điều kiện tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập gia đình”.

Nhờ tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở, Châu Hưng đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Mọi người đã ý thức được quyền làm chủ của mình trong thực hiện Quy chế dân chủ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới./.

Bích Phượng/ thst.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất