Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/T.W của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, đặc biệt là sau 3 năm thực hiện Kết luận 120 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, vị trí làm chủ của nhân dân không ngừng được cải thiện, tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, người dân phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chung sức, đồng lòng cùng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.
|
Từ thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình
đã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Trong ảnh: Nhà văn hóa xã Gia Hưng (Gia Viễn).
Ảnh: Minh Quang
|
Xóm Nam Trung Trữ, xã Ninh Giang (Hoa Lư) là xóm đi đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã. Để xây dựng được nhà văn hóa thôn rộng trên 1.200m2, trị giá gần 700 triệu đồng; đổ bê tông gần 3 km đường trong ngõ, xóm hàng tỷ đồng và nhiều ngày công; thực hiện dồn điền, đổi thửa thành công gần 40ha đất, từ 3-4 thửa/hộ còn 1-2 thửa/hộ…, mỗi gia đình phải đóng góp hàng triệu đồng.
Đây là số tiền không nhỏ đối với mỗi người dân nơi đây, nhưng nhờ được tuyên truyền, vận động đúng, trúng, kịp thời và phát huy được quyền làm chủ trong giám sát, triển khai thực hiện, người dân đã sẵn sàng hiến đất, hiến công, đóng góp tiền của để xây dựng NTM tại thôn, xóm mình.
Bà Lê Thị Tính, người dân xóm Nam Trung Trữ, xã Ninh Giang cho biết, trước khi thực hiện xây dựng NTM, tất cả mọi người dân trong xóm đều được dự các cuộc họp bàn và nêu ý kiến trước những chủ trương, kế hoạch thực hiện của chi bộ, chính quyền thôn đưa ra.
Khi đã đồng nhất về chủ trương, kế hoạch, trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là những khoản thu – chi trong xây dựng nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng…, chính quyền thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của đại diện nhân dân, nên chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền, hiến đất để xây dựng NTM. Gia đình tôi có 5 người, sẵn sàng đóng góp mỗi khẩu 300 nghìn đồng làm đường trong ngõ xóm, ngoài ra còn ủng hộ nhiều công lao động, đóng góp tiền xây dựng nhà văn hóa xóm…
Đồng chí Lê Xuân Hoàn, Bí thư Chi bộ xóm Nam Trung Trữ cho biết: Thực hiện QCDC ở cơ sở, Chi bộ đã họp bàn và công khai mọi việc, các khoản thu chi để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Với việc thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xóm, khẳng định việc thực hiện QCDC tại cơ sở có vai trò quan trọng và quyết định đến sự thành công khi triển khai các nhiệm vụ, phần việc tại địa phương.
Xóm Nam Trung Trữ là đơn vị đi đầu và đã thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM tại thôn, xóm, được xã Ninh Giang chọn làm điểm thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu. Hiện xóm Nam Trung Trữ tiếp tục chương trình xây dựng NTM bằng việc nâng cao các tiêu chí đã đạt, trong đó quan tâm đến việc chỉnh trang đường làng ngõ xóm, trồng hoa, cây cảnh làm đẹp bộ mặt nông thôn.
Đồng chí Dương Thị Nhị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ninh Giang cho biết: Ninh Giang là xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Hoa Lư và cũng là 1 trong những xã về đích NTM sớm của tỉnh. Để có được kết quả đó, rút kinh nghiệm từ bài học trong quá khứ, khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM, Ninh Giang luôn chú trọng, đề cao và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Theo đó, các khoản đóng góp của người dân, vấn đề thu - chi khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM người dân được biết, được bàn, được quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến mình, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện, giúp cho Ninh Giang về đích NTM trước kế hoạch đề ra.
Cũng theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ninh Giang Dương Thị Nhị, trong hệ thống chính trị ở cơ sở, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, vì vậy để việc thực hành dân chủ ngày càng đi sâu vào mọi hoạt động của đời sống xã hội thì các tổ chức này cần phải nâng cao chất lượng giám sát, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân.
Cùng với đó cần nêu cao vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc quyết định chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Điều đó đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thật sự phát huy dân chủ, trước tiên là trong tổ chức Đảng, sau đó là trong chính quyền và tới nhân dân.
Đồng thời, việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thụ hưởng không chỉ là khẩu hiệu mà phải trở thành phương châm hành động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương, từ đó mới tạo được niềm tin và sự thành công khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh, những năm qua, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở được thực hiện tương đối tốt. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt hàng chục nội dung công khai; chất lượng phục vụ của chính quyền cơ sở được nâng lên, nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vai trò chủ thể của nhân dân được phát huy, tạo sự đồng thuận và huy động được đông đảo các lực lượng tham gia.
Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đã coi người dân là chủ thể, đề cao vai trò của người dân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc luôn công khai, minh bạch, dân chủ bàn bạc, cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân, từ đó trong xây dựng NTM ở Ninh Bình không phát sinh khiếu kiện, bức xúc liên quan đến nội dung này.
Nhờ thực hiện tốt QCDC trong xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 80/119 xã đạt chuẩn NTM, chiếm hơn 67% số xã, có 2 đơn vị cấp huyện là huyện Hoa Lư đạt chuẩn NTM và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 17,5 tiêu chí/xã (tăng 12 tiêu chí/xã so với năm 2010), không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Sau 7 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã huy động được trên 33 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó người dân đóng góp hơn 8 nghìn tỷ đồng và trên 10 vạn ngày công; vận động người dân hiến hơn 1.000 ha đất dồn điền, đổi thửa và xây dựng đường giao thông nông thôn... Ninh Bình cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân để xem xét khi công nhận là xã đạt chuẩn NTM.
Theo đó, chỉ khi nhận được từ 90% số phiếu nhất trí đồng tình trở lên của người dân thì địa phương mới được xem là đủ điều kiện để xét công nhận đạt chuẩn NTM. Kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, đảm bảo an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Hạnh Chi/ baoninhbinh.org.vn