Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường theo luật định, góp phần xây dựng kỉ cương, nền nếp, trật tự trong mọi hoạt động của nhà trường, đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc xây dựng khối đoàn kết nội bộ.
Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phát huy tốt Quy chế dân chủ trong trường học. Cụ thể, các trường đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong đơn vị. Trong sinh hoạt hàng tháng của chi bộ, đều có đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức đoàn thể và định hướng cho hoạt động trong tháng tiếp theo. Giữa hiệu trưởng và phó hiệu trưởng có xây dựng bảng phân công trách nhiệm vào đầu mỗi năm học và phổ biến đến cán bộ, giáo viên để tiện liên hệ trong công việc. Hiệu trưởng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong nhà trường thông qua họp Hội đồng giáo dục, sinh hoạt tổ chuyên môn, hoạt động đoàn thể, cha mẹ học sinh, trao đổi trực tiếp của cá nhân ... và có biện pháp giải quyết đúng theo chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước, theo nội quy, quy chế, điều lệ của nhà trường và phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm của hiệu trưởng. Đảm bảo nghiêm túc việc công khai kế hoạch hoạt động, tài chính; thi đua khen thưởng; công khai những việc đối với giáo viên, phụ huynh, học sinh được biết, được tham gia ý kiến. Nhờ vậy, hoạt động của các nhà trường đi vào nền nếp, giữ vững khối đoàn kết nội bộ.
Một trong những nhà trường thực hiện tốt công tác này phải kể đến Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (T.P Thái Nguyên). Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Cao Thị Hằng, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ một số bài học kinh nghiệm: “Với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị cá nhân tôi và tập thể cấp ủy, ban giám hiệu thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Điều đó thể hiện ở chỗ, Nhà trường thực hiện nghiêm túc 3 công khai. Đơn cử như đầu năm học, khi triển khai các khoản thu đóng góp theo quy định hoặc các khoản xã hội hóa, Nhà trường đều báo cáo xin chủ trương của cấp trên, họp phụ huynh toàn trường để xin ý kiến. Nếu như Nhà trường có kế hoạch sửa chữa phòng học hay mua sắm trang thiết bị đều có văn bản báo cáo xin ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo, công khai dự toán kèm theo. Cá nhân tôi trực tiếp triển khai đến tất cả phụ huynh của toàn trường. Nếu các phụ huynh còn băn khoăn, không hiểu tôi sẽ giải thích cặn kẽ. Nhà trường chỉ thực hiện thu các khoản xã hội hóa khi có sự đồng thuận của 100% phụ huynh học sinh. Nhà trường không thu gộp các khoản vào đầu năm học để giảm gánh nặng cho phụ huynh. Không lợi dụng việc xã hội hóa để lạm thu. Với cách làm công khai, minh bạch, dân chủ như trên, các bậc phụ huynh học sinh đều đồng thuận cao, nhiệt tình ủng hộ”.
Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân triển khai các khoản thu xã hội hóa đầu tư nâng cấp trường, lớp học, các trang thiết bị trị giá hàng tỷ đồng nhưng không có ý kiến phụ hunh học sinh nào trái chiều. Bởi bản thân các phụ huynh học sinh đều được công khai bàn bạc dân chủ, thống nhất đóng góp cùng Nhà trường để con em mình được học tập trong một ngôi trường khang trang, hiện đại hơn.
Nằm ở xã 135 nên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, học sinh của Trường Tiểu học Ký Phú (Đại Từ) phần lớn là con em đồng bào dân tộc và hộ nghèo. Trong những năm qua, với những giải pháp thiết thực về chuyên môn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục… nên chất lượng giáo dục của Nhà trường ngày một nâng cao, cơ sở vật chất trường lớp đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Thầy giáo Lê Tuấn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ký Phú khẳng định: Kết quả trên là do Nhà trường phát huy tốt dân chủ trong trường học. Hiện nay Nhà trường đang nỗ lực để được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Ban Giám hiệu Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho lãnh đạo xã, tổ chức họp phụ huynh học sinh để tuyên truyền cho họ hiểu được mục đích, ý nghĩa, tích cực phối hợp cùng chung tay với nhà trường trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Trong quá trình phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, Trường có nhiều thuận lợi khi nhận được sự quan tâm đầu tư nguồn lực của UBND huyện, sự đóng góp của phụ huynh, tinh thần đoàn kết nhất trí, sự kiên trì, nỗ lực phấn đấu của nhà trường trong việc xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất. Nhờ vậy, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đã được khang trang hơn, khuôn viên trường được xây dựng riêng biệt, có tường rào kiên cố”.
Tuy nhiên, thời gian qua, từ những vụ việc liên quan đến các khoản thu, chi ở trường học trên địa bàn tỉnh thiếu minh bạch được báo chí phản ánh và các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, kết luận, xử lý kịp thời cho thấy vấn đề phát huy dân chủ trong trường học còn một số mặt hạn chế. Do vậy đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sư phạm. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cấp tỉnh đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế đó là: Một số đơn vị sự nghiệp công lập (trường học) còn chưa thực hiện tốt các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặc dù tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2016-2019”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều quy định nhằm cụ thể hóa quy chế dân chủ trong trường học, nhưng việc thực hiện ở nhiều nơi còn rất hình thức, mờ nhạt, thiếu thực chất và chưa hiệu quả. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất dân chủ trong trường học, tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa sư phạm, kéo theo hệ lụy là giáo viên khiếu kiện, tố cáo cán bộ lãnh đạo nhà trường, làm xáo trộn việc dạy-học của thầy và trò, gây hoang mang tâm lý trong phụ huynh học sinh…
Thiết nghĩ dân chủ không phải cứ nói nhiều là được thực hiện đến nơi đến chốn. Muốn phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục, ngoài đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ nêu gương của người đứng đầu và phát huy vai trò, quyền hạn của hội đồng nhà trường thì cơ chế giám sát của cộng đồng rất quan trọng. Phải xây dựng cơ chế đủ mạnh để mọi giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều có quyền giám sát các hoạt động của hiệu trưởng, hội đồng nhà trường khi ban hành, giải quyết các việc liên quan đến nhân sự, tài chính, chuyên môn và đời sống vật chất, tinh thần của mọi thành viên trong trường; phụ huynh học sinh giám sát các khoản thu, chi liên quan đến các khoản đóng góp… Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm nếu có.
Thúy Hằng/ baothainguyen.org.vn