Thứ Hai, 25/11/2024
Ninh Bình đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Bài học dân chủ, công khai, đi sâu, đi sát

Trở lại huyện Gia Viễn mới đây, điều làm chúng tôi ấn tượng là chuyển biến về thực hiện dân chủ ở cơ sở qua công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp. Huyện có bốn khu công nghiệp rộng gần 520 ha với hàng chục nghìn lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước đạt hơn bảy nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12% so năm 2016; góp phần vào thu ngân sách hơn năm nghìn tỷ đồng (toàn tỉnh đạt 8.700 tỷ đồng). Theo ông Nguyễn Văn Hùng, người dân ở xã Gia Vân, thuộc vùng mở rộng Khu công nghiệp Gia Vân, không riêng trong công tác giải phóng mặt bằng, cứ việc gì liên quan quyền lợi của dân thì chính quyền đều công khai thông tin và cử cán bộ, đoàn thể gặp gỡ, lắng nghe, giải tỏa kịp thời băn khoăn, vướng mắc, cho nên nhân dân tin và đồng thuận. Chẳng hạn như xây dựng nông thôn mới, ngoài việc đạt 19 tiêu chí do Trung ương quy định, địa phương còn lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân để xem xét trước khi công nhận xã nông thôn mới.

Theo Bí thư Huyện ủy Gia Viễn Lê Xuân Minh, để bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy trong công tác giải phóng mặt bằng, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện rà soát quy hoạch, kế hoạch thu hồi đất; yêu cầu Ban chỉ đạo thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm Trưởng ban) chủ động phối hợp chính quyền, cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động. Ðồng chí huyện ủy viên phụ trách địa bàn phải bám cơ sở, chủ động gặp gỡ, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của các hộ dân có đất bị thu hồi. Thường trực Huyện ủy có những buổi tiếp xúc, trực tiếp lắng nghe người dân bày tỏ khó khăn, phản ánh những biểu hiện quan liêu, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; nghe ngành chức năng báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng và tổ giám sát báo cáo kết quả hoạt động để kịp thời có chỉ đạo phù hợp. Nhờ đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được thuận lợi, không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.

Trên đây là bài học kinh nghiệm tốt cho các địa phương bởi trước đó chưa lâu, ở Gia Viễn có tình trạng tổ chức đảng, chính quyền không chịu lắng nghe dân, thiếu dân chủ, cho nên dân không dám nói hoặc nói (tố cáo) mà không được tiếp thu giải quyết. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, việc xử lý cán bộ sai phạm chưa kiên quyết, kịp thời, gây dư luận xấu, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, đông người. Ðó là tám cán bộ chủ chốt, công chức xã và huyện cấu kết lập danh sách khống hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của Nhà nước trong quá trình thu hồi đất thực hiện dự án nạo vét tuyến thoát lũ Ðầm Cút và mở rộng cửa thoát lũ Mai Phương - Ðịch Lộng, giai đoạn 2009 - 2011. Tám người này sau đó đã phải nhận các hình thức kỷ luật của Ðảng, trong đó, cảnh cáo Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Gia Viễn, khai trừ Ðảng đối với Chủ tịch UBND xã Gia Hưng.

Ðồng chí Mai Văn Tuất, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, khi nhận thấy một bộ phận cán bộ, công chức các cơ quan tỉnh thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa sâu sát cơ sở và không ít cán bộ, công chức cấp xã có năng lực lãnh đạo, điều hành còn hạn chế, Tỉnh ủy đã giao các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phụ trách 56 xã còn khó khăn trên một số lĩnh vực, mặt công tác. Từ khi có chủ trương này, cán bộ công chức cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phải lăn lộn với cơ sở, việc tiếp xúc giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với nhân dân được tăng cường. Ðội ngũ cán bộ, công chức xã và những người hoạt động không chuyên trách thì có điều kiện được bồi dưỡng kiến thức, tích cực đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm công tác. Ðến nay, đã có 17 xã đặc thù đạt chuẩn nông thôn mới (toàn tỉnh có 80 trong tổng số 119 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hai huyện nông thôn mới). Bác Nguyễn Văn Lềnh ở thôn Ðông Nhạc 2 (thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô) tâm sự: "Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy đã dành cho địa phương sự quan tâm, giúp đỡ. Cán bộ, đảng viên gần dân, hiểu rõ đời sống của dân là điều chúng tôi vui hơn cả".

Phát huy sức mạnh quần chúng

Có sâu sát cuộc sống, trách nhiệm với nhân dân mới tạo được sự đồng thuận và phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của quần chúng trong lao động, sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Ðồng chí Nguyễn Sỹ Trí, Bí thư Huyện ủy Hoa Lư cho biết, hai năm qua, từ khi được công nhận huyện nông thôn mới, huyện có thêm 76 mô hình, điển hình "Dân vận khéo", rõ tác phong "miệng nói, tay làm", nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, có sức lan tỏa. Chị Mai Thị Phi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Chấn Lữ, xã Ninh Vân không chỉ là tấm gương điển hình về vượt khó, vươn lên làm giàu (nghề sản xuất đá mỹ nghệ), mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, trong đó có bảy lao động nữ, thu nhập bình quân sáu triệu đồng/người. Chị tích cực vận động các hội viên tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn và sử dụng vốn sao cho hiệu quả. Tổ vay vốn do chị quản lý hiện có 107 thành viên với tổng dư nợ hơn hai tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp năm hộ hội viên thoát nghèo, giúp nhiều gia đình mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hay như chị Nguyễn Thị Tương ở thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên, sau khi được cán bộ xã, cán bộ ngành nông nghiệp huyện động viên, tận tình hướng dẫn kỹ thuật, đã mạnh dạn mua thêm máy làm đất, máy cấy, máy gặt và thuê gần 10 ha đất của những hộ dân không cấy lúa để cấy lúa và trồng cây thuốc trạch tả. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi vài trăm triệu đồng.

Theo đồng chí Phạm Quang Ngọc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, thực tế vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí công tác dân vận, thực hiện chưa hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Việc kiểm tra, giám sát trách nhiệm tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại của chủ tịch UBND xã một số nơi với nhân dân còn bất cập; xử lý cán bộ mắc sai phạm chưa kịp thời; thông tin về chương trình, dự án, công trình chưa được công khai đầy đủ, chưa thực hiện tốt việc lấy ý kiến nhân dân, chưa giải quyết triệt để những thắc mắc, bức xúc trong quá trình thực hiện... là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, phát sinh bức xúc ở cơ sở.

Mới đây, người dân thôn Côi Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư rất bức xúc về việc trạm bơm Côi Khê được đầu tư 29 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước không phát huy tác dụng. Nguyên nhân do trạm xây cao hơn kênh nước, cho nên bơm 15 phút thì phải dừng vì cạn bể; tiêu úng cũng rất khó khăn. Nằm cạnh khu dân cư nhưng trạm bơm không được che đậy bằng tấm bê-tông, gây nguy hiểm cho mọi người. Thân kè của trạm bơm được phía thi công dùng gạch hoa thải để làm vật liệu... Nhiều người dân ở đây cho biết, nếu quá trình thi công công trình này, người dân được cung cấp đầy đủ thông tin, được tạo điều kiện tham gia góp ý, giám sát, thì hẳn là chất lượng và tác dụng của công trình được bảo đảm, phát huy công năng một cách hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình tiếp hơn 2.450 lượt công dân, với 17 lượt đoàn đông người, trong đó, cấp tỉnh tiếp 568 lượt, cấp huyện tiếp 858 lượt. Nội dung công dân đến trụ sở tiếp dân chủ yếu khiếu nại, phản ánh, tố cáo liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng; quản lý, sử dụng đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Kết quả qua giải quyết khiếu nại, đã kiến nghị xử lý hành chính một người, kiến nghị xử lý kỷ luật năm cán bộ cấp xã và thu hồi về ngân sách nhà nước gần 770 triệu đồng.

Thời gian tới, cùng với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quan điểm của Ðảng về công tác dân vận, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Ninh Bình tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác này trong các cơ quan nhà nước, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và là tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua đối với tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, chú trọng ở những ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp; đề cao việc tự kiểm tra của các tổ chức đảng, chính quyền, đơn vị. Sau kiểm tra, cần theo dõi, kịp thời giúp những nơi thực hiện còn yếu kém, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; khuyến khích người dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, tích cực với công tác dân vận của Ðảng, chính quyền.

Hoàng Lâm/ nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi