Thứ Sáu, 27/12/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình
 
 Từ thực hiện tốt QCDC trong xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình đã được đầu tư
 xây dựng khang trang, kiên cố. Trong ảnh: Nhà văn hóa xã Gia Hưng (Gia Viễn)


Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp không ngừng được phát huy; bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng; góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Khẳng định qua thực hiện QCDC ở cơ sở người dân ngày càng thấy vai trò của mình trong đời sống xã hội, nhận thấy rõ thành quả của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình là địa phương có xuất phát điểm thấp, bình quân chỉ đạt 5 tiêu chí/xã, có xã mới đạt 1-2 tiêu chí; cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn lực có hạn; một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Trước những khó khăn trên Ninh Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Các cấp, các ngành chỉ đạo quán triệt, triển khai nghiêm túc, sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, bằng việc tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ từ tỉnh đến thôn, xóm; tổ chức sinh hoạt chi bộ, đoàn thể nhiều kỳ, kết hợp với thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông qua đó, nhận thức của nhân dân có sự chuyển biến tích cực. Nhân dân hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới chính là làm đổi thay diện mạo làng, xã, quê hương mình, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, của doanh nghiệp thì nhân dân đóng vai trò chủ thể quan trọng trong việc triển khai thực hiện. Với sự tham gia tích cực của người dân, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Đã thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Tại các xã, ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, các chính sách về an sinh xã hội, huy động đóng góp… đều được công khai để nhân dân được biết, được bàn, được quyết định, được giám sát theo đúng tinh thần Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương bổ sung quy ước, hương ước của thôn, xóm những nội dung mới về xây dựng nông thôn mới để thuận lợi trong quá trình bàn bạc quyết định, tham gia của nhân dân. Nhiều nội dung phải lấy ý kiến của nhân dân nhiều lầntrao đổi kỹ để nhân dân hiểu, nhân dân được giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Cùng với việc chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ đi dự sinh hoạt chi bộ, đoàn thể của các đồng chí cấp ủy viên từ tỉnh đến cơ sở. Để tạo điều kiện cho cán bộ các sở, ban, ngành đoàn thể gần cơ sở, sát nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 140-QĐ/TU, ngày 01/3/2016 về việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, Doanh nghiệp kết nghĩa với các xã có tính chất đặc thù; phân công 56 cơ quan, đơn vị phụ trách và 98 doanh nghiệp kết nghĩa với 56 xã đặc thù, nhằm giúp đỡ các xã còn nhiều khó khăn xây dựng nông thôn mới. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện cho thấy đây là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, với phương châm “xã là chính, cơ quan, đơn vị phụ trách là quan trọng, doanh nghiệp là cần thiết” đã có 17 xã/56 xã đặc thù đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh thực hiện có chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Trung ương quy định, tỉnh Ninh Bình quy định thêm tiêu chí số 20 về “Ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân” để xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó trước khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình xem xã đã đủ điều kiện công nhận nông thôn mới hay không; và chỉ khi nhận được từ 90% số phiếu nhất trí đồng tình trở lên thì mới đủ điều kiện để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Qua thực tiễn cho thấy tiêu chí này được đông đảo nhân dân đồng tình nhất trí và tích cực tham gia. Đây cũng là một trong những cách làm sáng tạo của Ninh Bình, góp phần đưa chỉ số SIPAS đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2017 xếp thứ 2 toàn quốc.

Công tác giám sát và phản biện xã hội, việc tổ đối thoại trực tiếp với nhân dân theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI) được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo không khí dân chủ trong xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện 687 cuộc giám sát; phối hợp tham mưu cho lãnh đạo các cấp tổ chức 193 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân; riêng cấp tỉnh tổ chức 27 cuộc giám sát, 7 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã trực tiếp đối thoại với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động định kỳ hằng năm. Qua đó đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm; giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân; tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, vì vậy tỉnh Ninh Bình không có điểm nóng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Với những cách làm chủ động, hiệu quả, qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, tỉnh Ninh Bình đã huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền gần 33 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn huy động từ sự đóng góp của nhân dân trên 8,1 ngàn tỷ đồng; vận động nhân dân hiến trên 1.000 ha đất để dồn điền đổi thửa và xây dựng đường giao thông nông thôn, huy động trên 10 vạn ngày công. Hết năm 2017, các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đều đạt ở mức cao, bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã (tăng 12 tiêu chí/xã so với năm 2010). Không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Đến hết năm 2018, đã có 90/119 đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 75,6 %), 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 01 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là kết quả ấn tượng, đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Ninh Bình được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Do làm tốt việc công khai, minh bạch, dân chủ bàn bạc, tôn trọng, cầu thị, cho nên quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh không phát sinh những khiếu kiện, những bức xúc của người dân trong đóng góp xây dựng nông thôn mới. Tình làng nghĩa xóm, mối đoàn kết lương giáo được nâng lên. Lễ đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới diễn ra như một ngày hội, nhân dân địa phương vui vẻ, phấn khởi, con em quê hương ở xa về ủng hộ, chung vui. Từ thực tiễn có thể khẳng định, việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, đưa việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở đi vào nền nếp, giành nhiều kết quả hơn, không ngừng phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020./.

Lê Cường, Lê Chung/ tinhuyninhbinh.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi