Thứ Hai, 25/11/2024
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở công đoàn cơ sở
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với Đảng đoàn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cho rằng trong công tác này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện bài bản, thường xuyên, giúp vai trò của công đoàn ngày càng nâng cao.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, điển hình là khối trường phổ thông, tăng cường vai trò của công đoàn đại diện cho người lao động.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính; công khai, minh bạch, đặc biệt trong sử dụng các quỹ và tài sản công đoàn, đảm bảo đóng góp của người lao động được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả; ứng dụng công nghệ mới trong chỉ đạo, điều hành…

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, tổ chức công đoàn đang tiến hành đổi mới quyết liệt; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Thông qua thực hiện dân chủ cơ sở, tổ chức công đoàn đã tập hợp công nhân lao động đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì, phát triển kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập...

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, công tác tổ chức Hội nghị cán bộ công chức viên chức, bình quân từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ thực hiện đều đạt 99% tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…

Về tổ chức Hội nghị người lao động, trung bình hàng năm đạt 59% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện. Thông qua tổ chức Hội nghị người lao động, hàng vạn thỏa ước lao động tập thể được ký mới hoặc sửa đổi, bổ sung.

Về cơ bản, những nội dung quan trọng, cốt lõi như: Tiền lương, định mức lao động, chế độ trả lương, thực hiện các loại bảo hiểm theo quy định pháp luật, quỹ phúc lợi… đã được đưa vào thỏa ước. Riêng trong năm 2016, công đoàn đã can thiệp bảo vệ được quyền lợi cho 1.259 người lao động trở lại làm việc, 5.384 người giải quyết về tiền lương, hơn 2.000 người giải quyết bảo hiểm xã hội, gần 1.400 người về bảo hiểm y tế, hơn 1.000 người lao động được giải quyết về bảo hiểm thất nghiệp...

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn đã tham gia với các doanh nghiệp tổ chức hơn 82.000 cuộc đối thoại định kỳ 3 tháng 1 lần và hơn 9.400 cuộc đối thoại đột xuất. Năm 2018, tổ chức công đoàn cũng tham gia với người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng mới hơn 11.500 quy chế mới, sửa đổi bổ sung gần 23.000 quy chế.

“Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động; hình thành môi trường sản xuất kinh doanh thân thiện, thu hút vốn đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, một số nơi, thiếu sự phối hợp của chính quyền đồng cấp với công đoàn trong triển khai thực hiện đối với các đơn vị cơ sở trực thuộc; vẫn còn tình trạng “khoán trắng” cho tổ chức công đoàn, coi việc chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ là việc của công đoàn; chưa thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho các Ban Thanh tra nhân dân nên hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ còn thấp...

Đỗ Bình/ TTXVN

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi