Thứ Bảy, 4/1/2025
Cuộc hành trình của niềm tin và trái tim người lính Viettel Thanh Hóa

Đi lên từ “mã số tiết kiệm”

Đầu những năm 2000, trong bối cảnh giá cước điện thoại đường dài còn ở mức cao, dịch vụ 178 của Công ty Viễn thông quân đội Viettel ra đời đã đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân. Để triển khai dịch vụ này trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2002, Viettel đã chủ trương xây dựng, thành lập chi nhánh tại Thanh Hóa. Đến ngày 30/4/2003, POP Thanh Hóa đã được thành lập với những thành viên đầu tiên.

Kể lại ngày tháng ấy, những người lính Viettel còn nhớ như in bao khó khăn, gian khổ phải vượt qua. Họ phải giải quyết cả khối việc khổng lồ, là tìm kiếm văn phòng làm việc, tuyển nhân sự, đàm phán, kết nối với các nhà mạng khác, triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ đến điểm bưu điện văn hóa xã và người dân... Dịch vụ 178 của Viettel được triển khai thành công là cuộc cách mạng về giá cước, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Từ đó người dân Thanh Hóa đã được biết đến mã số tiết kiệm 178, khi giảm được tới 45% chi phí so với cuộc gọi đường dài thông thường.

Năm đầu tiên đi vào hoạt động, với họ, đó là thời gian khó khăn, vất vả nhất, nhưng cũng phản ánh rõ nhất những phẩm chất, ý chí quyết tâm và cách làm, là hành trang quý giá của những người lính Viettel trên mặt trận làm kinh tế.

Đến ngày 15/10/2004, hòa cùng không khí khai trương mạng di động Viettel trên toàn quốc, Viettel Thanh Hóa đã chính thức cung cấp dịch vụ di động với 15 trạm phát sóng và 12 cán bộ nhân viên. Chỉ hơn 2 năm sau, tháng 8/2006 Viettel Thanh Hóa đã chính thức vươn lên trở thành mạng di động có số lượng trạm phát sóng, và vùng phủ sóng lớn nhất trên toàn tỉnh.

Từ dịch vụ 178 ban đầu với đội ngũ nhân viên ít ỏi, hạ tầng mạng lưới khiêm tốn, đi qua hành trình 15 năm, Viettel Thanh Hóa đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh và đang trên con đường phát triển toàn diện, bền vững. Hiện tại, biên chế tổ chức của đơn vị đã có 5 phòng, 27 Viettel huyện, thị.

Bằng phương châm tự lực, tự cường, đội ngũ cán bộ, công nhân viên kỹ thuật đã thực sự trưởng thành qua những thách thức, làm chủ mọi hoạt động của mạng lưới kỹ thuật. Từ 4 trạm 2G đầu tiên năm 2004 đến nay, Viettel Thanh Hóa đã có hạ tầng mạng lưới rộng lớn với hơn 1.300 trạm vị trí, trạm 3G, gần 1.400 trạm 4G... phủ sóng 100% dân số của tỉnh. “Cánh sóng” Viettel đã vươn rộng khắp vùng biên giới, biển đảo của tỉnh, góp phần giữ vững thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy chiến đấu, phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên biển, đảm bảo thông tin liên lạc cho các nhiệm vụ QP - AN trong mọi tình huống.

Với dịch vụ di động, Viettel Thanh Hóa có khoảng trên gần 2 triệu thuê bao đang hoạt động, chiếm thị phần khoảng 73% về doanh thu và thuê bao. Ngoài ra Viettel đang thực hiện nhiều các dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử; cùng ngành y tế xây dựng hồ sơ sức khoẻ người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em; phần mềm cổng thông tin điện tử (Vpostal), chương trình của kỳ thi quốc gia, chương trình Internet trường học với  2.180 điểm trường và cơ sở giáo dục được Viettel cung cấp hạ tầng internet miễn phí...

Cứ thế, Viettel Thanh Hóa đã đạt mức tăng trưởng cao, liên tục trong 15 năm qua và lớn mạnh không ngừng. Đến hết năm 2017 doanh thu của đơn vị đã đạt 1.880 tỷ đồng, năng suất lao động đạt 3,87 tỷ/người/năm, thu nhập bình quân đạt trên 19 triệu đồng/tháng/người, tăng gấp nhiều lần so với thu nhập ban đầu. Đồng nghĩa Viettel là một trong những đơn vị nộp thuế cao hàng đầu cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa.

Kết quả trên khẳng định tinh thần nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén trong kinh doanh vì lợi ích cộng đồng của Viettel Thanh Hóa. Nói đúng hơn, họ đã luôn tạo dựng, bảo vệ, gìn giữ và phát huy chữ “tín” trong kinh doanh, tạo niềm tin vững chắc trong lòng khách hàng thông qua những chương trình chăm sóc khách hàng, tặng quà tri ân, giảm giá cước...

Và tấm lòng người lính

Với triết lý phát triển: Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, 15 năm xây dựng và trưởng thành cũng là hành trình Viettel Thanh Hóa gắn bó với đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể, đơn vị đã thực hiện chủ trương xây dựng mạng lưới, phủ sóng góp phần phát triển KT - XH, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân tại các xã: Bát Mọt, Yên Nhân (Thường Xuân), Mường Chanh, Mường Lý (Mường Lát),...Đồng thời triển khai các chương trình trọng điểm, như: Chương trình mỗi xã 1 trạm BTS, Quang hóa đến xã; Internet đến xã, trường học, chương trình Homephone cho hộ nông dân, cung cấp hàng chục ngàn thuê bao viễn thông công ích... Qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Bên cạnh đó, được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai thực hiện việc hỗ trợ các huyện Bá Thước, Mường Lát giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a Chính phủ, đơn vị đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện. Từ năm 2013 đến nay đã triển khai hỗ trợ với tổng kinh phí: 141,2 tỷ đồng với các hạng mục như: Đầu tư hỗ trợ xóa nhà tạm hộ nghèo, hỗ trợ mô hình nuôi bò sinh sản, xây dựng trạm y tế xã, hỗ trợ xây dựng trạm truyền thanh không dây từ huyện tới các xã, thôn, bản... Trong Chương trình Vì em hiếu học, mỗi năm Viettel Thanh Hóa trao tặng 1.510 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng/ suất dành hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn những điều kiện tốt hơn trong quá trình học tập, rèn luyện để vươn lên trong cuộc sống và lập nghiệp trong tương lai. Để thực hiện có hiệu quả chương trình này, không ít lần cán bộ, chiến sỹ của Viettel Thanh Hóa đã trèo đèo, lội suối, đến từng hộ dân ở vùng sâu, nắm bắt đời sống nhân dân.

Tôi nhớ lại lần ngược ngàn cùng cán bộ, chiến sỹ Viettel Thanh Hóa lên huyện vùng biên Mường Lát trong mùa mưa năm 2013. Trong chuyến đi nghĩa tình ấy  Viettel Thanh Hóa đã trao hỗ trợ cho đồng bào huyện Mường Lát những chiếc điện thoại, trang thiết bị y tế, tiền làm nhà...Và tôi được chứng kiến những nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt của những người dân nơi đây. Bởi tôi nghĩ, những món quà ấy sẽ giúp họ có thêm niềm tin, yên tâm bám núi, bám rừng, giữ từng tấc đất nơi biên cương của tổ quốc còn bộn bề gian khó.

Theo báo cáo, chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, Viettel Thanh Hóa đã dành hơn 250 tỷ đồng hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh, như: Hỗ trợ Internet trường học, hỗ trợ Quỹ khuyến học Lam Sơn, tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, xây dựng nhà tình nghĩa, Chương trình trái tim cho em, hỗ trợ đồng bào bị bão lụt,...

Từ những ngày đầu hiện diện trên thị trường Thanh Hóa, đến nay những khó khăn, thách thức đã dần ở lại sau lưng để vươn lên một sức sống mãnh liệt, bền bỉ, luôn đi cùng với cộng đồng, một Viettel Thanh Hóa trưởng thành. Ghi nhận những thành công ấy, đơn vị và các thế hệ cán bộ, lãnh đạo đã được Đảng, Nhà nước các cấp trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Nhưng thành công lớn nhất của họ là đã tạo dựng được niềm tin, uy tín trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa qua những việc làm, hành động bằng cả trái tim, tấm lòng người lính.

Mai Hoa

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất