Thứ Sáu, 26/4/2024
Viettel: Doanh nghiệp thực hiện hiệu quả công tác dân vận

Viettel là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng, vừa bảo đảm xây dựng hạ tầng mạng lưới cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông-công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội (KT-VH-XH), vừa bảo đảm nhiệm vụ cho vu hồi mạng thông tin quân sự. Quán triệt chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quá trình xây dựng, hình thành và phát triển, Đảng ủy Tập đoàn xác định quan điểm xuyên suốt trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với thực hiện CTDV và các hoạt động CSXH. Thông qua tiến hành CTDV, thực hiện hiệu quả các hoạt động CSXH, Viettel cùng với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên từng địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo, vùng giao thông không thuận tiện và kinh tế còn nhiều khó khăn.

Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn xác định triết lý “Kinh doanh luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, cộng đồng”. Hoạt động về CSXH của tập đoàn hướng vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả những chủ trương, mục tiêu về an sinh xã hội (ASXH) mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Theo đó, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Viettel lãnh đạo, chỉ đạo CTDV và hoạt động CSXH nhằm góp phần thúc đẩy phát triển KT-VH-XH đất nước; đặc biệt là các mục tiêu được Chính phủ xác định trong thực hiện ASXH và xóa đói, giảm nghèo. Với tinh thần đó, thời gian qua, Viettel đã triển khai các hoạt động CTDV và CSXH trên từng địa bàn phù hợp với khả năng và nhu cầu thực tế. Tập đoàn hỗ trợ tập trung vào ba nhóm hoạt động chính, gồm: Phát triển giáo dục, phát triển y tế và thoát nghèo nhanh, bền vững. Với quan điểm “Hỗ trợ cần câu, không hỗ trợ con cá” để khơi dậy ý thức tự vươn lên, chủ động trong thoát nghèo của người dân, vì thế, Viettel xác định tổ chức và tham gia chương trình hoạt động chính sách, xã hội là hoạt động tái đầu tư cho sự phát triển và hỗ trợ SXKD. Viettel làm tốt hoạt động, chương trình CSXH, từ thiện vì cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy KT-VH-XH phát triển. Các hoạt động CTDV và CSXH của Viettel đã được các cấp, các ngành ghi nhận, được nhân dân đón nhận, trân trọng.

Viettel đã xây dựng hệ thống trạm thu phát sóng, hệ thống cáp quang và kết nối sâu, rộng, phủ sóng từ thành thị, nông thôn đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo một cách đồng bộ, đủ để bảo đảm tốt hạ tầng mạng lưới phục vụ vững chắc nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các hoạt động thông tin liên lạc của người dân. Tập đoàn đã đưa điện thoại đến với người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; tiên phong trong xây dựng các gói cước hỗ trợ ngư dân, thông tin về thời tiết, gói cước buôn làng... Từ năm 2013, Viettel đã xây dựng tổng đài tiếng dân tộc với gần 10 ngôn ngữ, giúp đồng bào tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống xã hội.

Chương trình "Internet trường học" được Viettel triển khai đến nay đã hoàn thành cung cấp internet miễn phí tới hơn 30.000 trường học trên toàn quốc, để hơn 25 triệu giáo viên, học sinh, sinh viên có thể sử dụng internet vào hoạt động nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Viettel đã hỗ trợ 3 huyện: Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hóa) và Đakrông (Quảng Trị) về xóa nhà tạm, trao tặng bò giống, cây trồng; hỗ trợ cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, viễn thông-công nghệ thông tin phục vụ quản lý, lãnh đạo của chính quyền cơ sở... Tính đến nay, kinh phí giúp 3 huyện này là hơn 202 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình “Bò giống giúp hộ nghèo vùng biên giới”, Viettel phối hợp Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các đơn vị, qua hai năm (2014-2015) đã trao tặng 24.000 con bò giống, giúp hộ đồng bào nghèo các dân tộc 11 tỉnh biên giới phía Bắc ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế; với mức kinh phí bảo đảm hơn 380 tỷ đồng.

Chương trình “Trao tặng xi măng cứng hóa nền nhà” được Viettel phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương thực hiện trong hai năm (2015-2016) đã tiến hành trao tặng 23.000 tấn xi măng (kinh phí hơn 40 tỷ đồng), giúp 18.900 hộ gia đình nghèo trên địa bàn các xã vùng giáp biên của 10 tỉnh biên giới cứng hóa nền nhà và chuồng trại chăn nuôi, tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống, động viên người dân an cư lạc nghiệp.

Trong 5 năm qua (2013-2018), Chương trình “Trái tim cho em” Viettel đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các bệnh viện lớn hỗ trợ 40 chương trình khám tim sàng lọc cho hơn 130.000 cháu, phát hiện 1.280 cháu bị bệnh tim, đề nghị mổ tim cho 800 cháu. Cùng với đó, kinh phí Viettel hỗ trợ chương trình, nâng cao năng lực các bệnh viện là 25 tỷ đồng.

Viettel tiếp tục thực hiện triết lý “Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, cộng đồng” và tập trung tham gia những hoạt động, chương trình hỗ trợ phát triển các lĩnh vực về giáo dục, y tế và thoát nghèo nhanh, bền vững. Những hoạt động này hướng tới thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ASXH. Cách làm của Viettel trong tổ chức và tham gia hoạt động chính sách, ASXH được triển khai với quan điểm “Sáng tạo, khác biệt và hiệu quả”; hoạt động hỗ trợ thoát nghèo với quan điểm “Hỗ trợ cần câu, không hỗ trợ con cá”, với thời gian triển khai khoảng 1-2 năm/chương trình. Viettel cũng nhất quán quan điểm, chương trình sẽ được tổ chức “Quản lý tập trung và thực hiện phân tán”, hướng đến khơi dậy ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Các hoạt động chương trình CSXH, từ thiện phải gắn liền với hoạt động SXKD, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu Viettel và sự phát triển ổn định, bền vững của tập đoàn. Đó cũng là cách Vietteli góp phần thúc đẩy KT-VH-XH đất nước phát triển.

Viettel xác định tổ chức, tham gia các chương trình và hoạt động CSXH là hoạt động tri ân, tái đầu tư cho sự phát triển và hỗ trợ ngược lại cho SXKD. Bởi lẽ, khi xã hội phát triển, khách hàng cộng đồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ nhiều hơn sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Cùng với đó, Viettel tập trung hỗ trợ đồng bào tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, vùng dân tộc ít người, vùng tôn giáo, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn và chậm phát triển. Hướng hoạt động xã hội, tri ân tới đối tượng người có công và gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và hộ cận nghèo neo đơn đặc biệt...

Minh Hằng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất