Chị Quàng Thị Dua, (bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, Mường Chà, Điện Biên) là một trong số ít nghệ nhân diễn tấu và chế tác được sáo mũi của người Khơ Mú. Không chỉ lưu giữ một di sản văn hóa quý báu của người Khơ Mú đang bị thất truyền, chị còn tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ.
|
Chị Quàng Thị Dua diễn tấu sáo mũi |
Nắm giữ di sản âm nhạc dân gian quý báu
Người Khơ Mú vốn gắn liền tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh hoạt với thiên nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vì thế mang đậm dấu ấn của núi rừng. Nhạc cụ truyền thống của đồng bào hầu hết được làm bằng tre, nứa và đều có nguồn gốc từ những vật dụng quen thuộc để sản xuất, sinh hoạt. Phụ nữ Khơ Mú không những chăm chỉ, tháo vát mà còn có khả năng đặc biệt trong thẩm âm, cảm thụ âm nhạc cũng như khéo léo chế tác và diễn tấu nhạc cụ tre nứa. Hầu hết phụ nữ ở bản Púng Giắt 1 đều biết sử dụng thành thạo các nhạc cụ tre, nứa như đao đao, tăng bu hoặc sáo và gìn giữ được làn điệu Tơm trong sinh hoạt văn hóa. Những di sản văn hóa dân gian đơn sơ, mộc mạc như chính cuộc sống của đồng bào, được đồng bào lưu truyền qua bao thế hệ.
Tuy nhiên, với sáo mũi hay còn gọi là pí tót thì đến nay rất ít người còn biết sử dụng. Chị Quàng Thị Dua là 1 trong 2 người ở bản Púng Giắt 1 và số ít người trong cộng đồng dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên thành thạo diễn tấu cũng như chế tác loại nhạc cụ độc đáo này.
Những nhạc cụ truyền thống bằng tre, nứa của người Khơ Mú khá đơn giản nhưng có hiệu quả cao về nhạc điệu. Nhiều nhạc cụ, trong đó có sáo mũi - chỉ là những ống tre, nứa cắt thành đoạn để sử dụng - tận dụng độ vang theo dạng ống và kinh nghiệm sử dụng nguyên liệu (độ già của tre, nứa) hoặc đục lỗ, cắt khe để tăng hiệu quả âm thanh.
Sáo mũi phải làm từ ống tre (tơ la) thẳng, dài hơn nửa mét, loại bánh tẻ để có độ vang tốt nhất. 2 đầu là 2 đốt mắt để sáo có độ kín hơi. Sau khi phơi trong râm để ống tre khô, đục 2 lỗ nhỏ - 1 lỗ trên dùng thổi hơi vào, 1 lỗ dưới dùng để bấm chỉnh âm thanh phát ra của sáo. Âm thanh phát ra từ việc dùng hơi từ mũi. Người thổi phải biết cách lấy hơi, giữ nhịp để tạo âm và tiết tấu bằng hơi từ mũi, theo làn điệu dân ca đang hát. Khi diễn tấu, người diễn tấu sử dụng một tay, 1 tay bấm vào lỗ ở 1 phía đầu sáo, 1 lỗ sẽ được dùng hơi từ mũi để thổi. Tay còn lại sẽ dùng để múa theo nhịp điệu bài dân ca. Sáo được sử dụng vào những dịp lễ tết, ngày hội và các buổi giao lưu văn nghệ.
“Tôi học thổi sáo mũi từ mẹ tôi đấy. Bà ấy là 1 trong những người thổi sáo hay nhất bản. Tôi được mẹ hát ru với cây sáo mũi và được nghe bà thổi Tót tơm - sáo dọc. Năm 16 tuổi, tôi bắt đầu tự học thổi các loại sáo. Lúc đầu thổi sáo rất khó khăn vì không biết lấy hơi nên thổi không ra tiếng nhưng kiên nhẫn một chút và quyết tâm học, ngày qua ngày rồi biết thổi thôi” - chị cho biết.
Thổi niềm đam mê tới giới trẻ
Ngoài việc ruộng nương và chăm sóc gia đình, chị Quàng Thị Dua dành nhiều thời gian cho tình yêu và niềm đam mê với các giá trị văn hóa truyền thống, dân gian của dân tộc mình. Đây là phần làm nên sức sống mãnh liệt, vượt lên gian khó, lạc quan yêu đời của người Khơ Mú mà các thế hệ cha ông xưa đã sáng tạo, tích lũy trong lao động.
Tình yêu với sáo, những làn điệu dân ca và những giá trị văn hóa của người Khơ Mú ở chị Quàng Thị Dua không chỉ dừng lại ở sự đam mê cá nhân. Mỗi ngày chị âm thầm lan tỏa tình yêu đó sang những người xung quanh, nhất là thế hệ trẻ. Chị vừa diễn tấu thành thục sáo dọc, sáo mũi, vừa hát và sáng tác các làn điệu dân ca với lời mới.
Điều mà Quàng Thị Dua lo lắng là khi một ngày nào đó không xa, không ai còn nhớ cách thổi sáo, hát Tơm. Vì vậy, chỉ cần bạn trẻ quan tâm, chị không tiếc thời gian, công sức để truyền dạy. Ở Púng Giắt 1, Quàng Thị Dua là hạt nhân đội văn nghệ, kết nối các thành viên lan tỏa tình yêu và trách nhiệm gìn giữ vốn quý của cha ông.
Được sự quan tâm của phòng Văn hóa thông tin huyện Mường Chà và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, chị đã phối hợp để truyền dạy các bạn trẻ ở bản hát dân ca, diễn tấu sáo. Chị tận tình hướng dẫn các bạn trẻ cách sử dụng và chế tác các sáo dọc, sáo mũi cũng như diễn xướng dân ca Khơ Mú. Quàng Thị Típ là người trong bản được Quàng Thị Dua truyền dạy thành công diễn tấu sáo mũi.
Chị cũng là người am hiểu và nắm vững những phong tụ tập quán, lễ hội truyền thống của người Khơ Mú. Đặc biệt, với khả năng truyền đạt tốt cả tiếng nói, ngữ văn dân gian, các trò chơi dân gian, các chuẩn mực đạo đức, nghề dệt, trang phục, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian của người Khơ Mú.
Chị tham gia tích cực hoạt động giới thiệu nét văn hóa độc đáo của người Khơ Mú nói chung, sáo mũi nói riêng trong và ngoài tỉnh. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tiết mục diễn tấu sáo mũi của chị trong Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2018 đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước thưởng thức và tìm hiểu.
Năm 2018, chị là một trong 26 nghệ nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú về trình diễn dân gian thổi sáo bằng mũi.
Không có chị với tình yêu dành cho sáo mũi, có lẽ, đến một lúc nào đó không xa, người Khơ Mú đã đánh mất đi một giá trị văn hóa vô cùng độc đáo của mình./.
Nguồn: langvietonline.vn