Thứ Năm, 26/12/2024
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn

Là 1 trong 19 dân tộc đang sinh sống, gìn giữ mảnh đất biên cương nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, dân tộc Mông ở Hà Giang hiện có gần 250.000 người, chiếm 31,8% dân số toàn tỉnh. Tại 4 huyện vùng cao phía Bắc của Hà Giang là: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, dân tộc Mông chiếm trên 90% dân số. Dân tộc Mông có một đời sống tinh thần, tâm linh rất phong phú, đa dạng, với nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống của người Mông chính là lễ hội Gầu Tào.

Ông Hùng Đình Quý, nhà thơ cao niên người dân tộc Mông ở Hà Giang, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: Trong đời sống của dân tộc Mông, họ đặc biệt yêu thích "Hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa xuân" mà tiếng Mông gọi là "Gầu Tào" (gruôv taox). Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mà bên cạnh phần lễ, phần hội bộc lộ rõ bản sắc văn hóa dân tộc Mông qua các sinh hoạt cộng đồng.

Gầu Tào là lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông với mục đích cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sức khỏe, thịnh vượng; cầu phúc, cầu lộc cho người dân trong bản Mông một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Lễ hội Gầu Tào cũng là dịp để mỗi người con dân tộc Mông trong bản đi làm ăn, công tác xa về với gia đình, bản làng để tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa vụ canh tác, sản xuất chăn nuôi mới.


 Một nghi lễ cúng trong lễ hội

Sà Phìn là xã vùng cao biên giới của huyện Đồng Văn (Hà Giang), nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc Mông. Hội Gầu Tào từ lâu đã là “đặc sản” văn hóa tinh thần từ ngàn đời nay của người Mông nơi đây. 

Năm nay, thời tiết thuận lợi, đồng bào dân tộc Mông ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, được đón Tết cổ truyền trong không khí vui tươi, phấn khởi. Sau một năm lao động vất vả, với bộn bề lo toan cuộc sống, ngày Tết cổ truyền là lúc mọi người được nghỉ ngơi, hòa mình vào dòng người đi chơi Tết.

Cũng như mọi năm, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào dân tộc Mông ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, lại tưng bừng tổ chức lễ hội Gầu Tào. Theo truyền thống, lễ hội bao giờ cũng bắt đầu với nghi lễ dựng cây nêu, thực hiện nghi lễ cúng trời đất, để cầu phúc, cầu mệnh, cầu cho bản làng yên vui, may mắn khỏe mạnh; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 

Lễ hội Gầu Tào gồm phần lễ và phần hội. Mở đầu là phần lễ, sau khi gia chủ hoặc thầy mo, già làng trưởng bản làm những thủ tục lễ bái, bà con trong bản đều đến tập trung đông đủ. Lễ tạ ơn trời đất, thần linh được tiến hành xong sẽ tiếp đến phần hội, với các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, thể thao dân tộc diễn ra sôi nổi. Các chàng trai, cô gái người Mông lần lượt thử tài nhau qua các điệu múa sênh tiền, múa khèn, hát giao duyên. Đặc biệt, trong dịp này, nhiều trò chơi thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, đánh quay, đẩy gậy, kéo co, đá bóng, đi cà kheo… đã thu hút đông đảo thanh niên trong làng tham gia khiến không khí lễ hội càng thêm phần rôm rả, tưng bừng, nhộn nhịp.

Anh Lê Thanh Tùng, du khách ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, chọn Cao nguyên đá Đồng Văn là điểm dừng chân trong hành trình du xuân cùng gia đình. Anh Tùng cho biết: “Lần đầu tiên đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những giá trị ý nghĩa trong lễ hội Gầu Tào của bà con dân tộc Mông, được tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống, nguyên sơ, đặc sắc thông qua lễ hội. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có dịp trở lại Cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài mục đích du lịch, còn có thể tiếp cận đầy đủ hơn các giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây”. 

Ông Thào Mí Hờ, Phó Chủ tịch UBND xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn cho biết, lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất của người Mông. Lễ hội này gắn với đời sống tâm linh, niềm tin của người Mông về sự ấm no, hạnh phúc. Nhiều năm qua, UBND xã Sà Phìn duy trì thường xuyên tổ chức lễ hội, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, vui vẻ trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời hấp dẫn du khách.

Tết ở vùng cao đến sớm nhưng đi thật muộn bởi phải chờ đến khi sương muối thôi rơi, mặt trời ở lại lâu trên núi, đất mới mềm ra để trồng cấy. Trên khắp các bản làng, những chén rượu nồng cùng với những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới hòa quyện cùng tiếng khèn, tiếng hát của các chàng trai, cô gái Mông trở thành một giai điệu rộn ràng, thiết tha mời gọi du khách đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, đến với lễ hội Gầu Tào… để được trải nghiệm, khám phá những nét đẹp riêng có của đồng bào dân tộc Mông nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc./.

Nguồn: thanhtra.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi