Phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ đi trước, lực lượng Già làng luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Với 239 Già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, lực lượng Già làng luôn gắn bó mật thiết, có uy tín với cộng đồng dân cư, được nhân dân tin tưởng, kính trọng và nghe theo.
Bằng uy tín của mình, Già làng, người có uy tín đã vận động người thân trong gia đình và bà con trong làng luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cơ sở hạ tầng,… Mỗi lời nói, việc làm của các Già làng, người có uy tín đều có sự tác động đến toàn thể cộng đồng dân cư.
Ngày nay, trong các phong trào toàn dân đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiều Già làng là những tấm gương mẫu mực trong thôn làng, dòng họ, cộng đồng, đồng thời là động lực động viên con cháu, dân làng tích cực trong sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo. Phần lớn các Già làng, người có uy tín đã đi đầu và vận động con cháu, nhân dân thực hiện đa dạng hóa các mô hình kinh tế hiệu quả giá trị kinh tế cao đem lại mức sống tốt hơn cho gia đình.
|
Đại diện Lãnh đạo UBND huyện Đăk Glei biểu dương, khen thưởng các già làng
đã có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực của đời sống trên địa bàn huyện
|
Mặc dù tuổi đã già, sức yếu nhưng các Già làng luôn nỗ lực làm việc, phối hợp với các tổ chức Đảng, chính quyên, mật trận, đoàn thể ở cơ sở để vận động dân làng ra sức tiết kiệm, phát triển kinh tế, đổi mới cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương. Tiêu biểu như Già làng A Brẫy ở xã Xốp, A Mơ ở thôn Rooc Nầm, xã Đăk Choong, Gìa làng A Chương, A Mon, A Tu ở xã Đăk Môn, Già làng A Đrao, A Bang, A Chan, A Klớt ở xã Đăk Pek.
Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, các Già làng đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm lành mạnh các quan hệ xã hội ngay trong từng gia đình; động viên các gia đình cho con em học hành, thực hiện sống vui, sống khỏe, sống có ích, kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội.
Điển hình là già làng A Pổm, A Mowng, A Trẻ, A Đom xã Đăk Nhoong, A Đăk, A Gới, A Cố, A Branh xã Xốp; các cụ Già làng thường xuyên tham dự các buổi họp thôn, ngày hội của làng để truyền đạt những kinh nghiệm quý báu cho bà con, tham gia đóng góp ý kiến thiết thực trong việc giữ gìn an ninh trật tự trong thôn; giữ gìn vệ sinh thôn làng, ngõ xóm luôn xanh,sạch, đẹp. Điển hình là già làng Y Ế, A Dâng, A Mới, A Đeo, A Nar xã Ngọc Linh, A Boi xã Đăk Môn, cụ Trần Thị Thắm, Y Vanh xã Đăk Pét.
Ngoài ra, các Già làng còn là những tấm gương đi đầu trong việc nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu của những thế lực thù địch muốn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để dụ dỗ, kích động, gây mất an ninh trật tự, phá hoại cuộc sống yên bình của dân làng. Già làng phối hợp với tổ chức Đảng, Chính quyền, mật trận, đoàn thể đến từng gia đình, thuyết phục bà con không nghe, không làm theo để chống lại những âm mưu và thủ đoạn của kẻ xấu.
Trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan niệm, nhận thức, lối sống, tính cách,… nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình và giữa các cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều không thể tránh khỏi. Già làng là những người am hiểu cuộc sống, xã hội, họ ý thức được vai trò và trách nhiệm trong việc gìn giữ sự yên ấm, hòa thuận của các gia đình trong thôn, làng và trong dòng tộc của mình. Mỗi khi có xung đột xảy ra, bằng lời nói và sự uy tín của mình, Già làng đã xoa dịu được cơn nóng giận ở đôi bên.
Trong cuộc vận động xây dựng nền quốc phòng toàn dân và giữ gìn an ninh trật tự xóm làng, lực lượng Già làng luôn thể hiện bản chất cách mạng, tinh thần yêu nước của mình. Nhiều nội dung công việc ở làng, xã như: vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, nhắc nhở dân quân du kích tuần tra, truy quyét nạn khai thác trái phép khoáng sản, tham gia xây dựng tổ chức tự quản, tổ hòa giải, các cụ đều tích cực vận động bà con nhân dân tham gia tích cực. Điển hình có già làng A Ráp, A Phanh, A Hùng, A Chuâk thị trấn Đăk Glei, già làng A Pâm, A Khe xã Đăk Pek.
Có thể khẳng định được rằng đội ngũ Già làng đóng vai trò quan trọng trong gia đình và trong đồng bào dân tộc thiểu số nhất là đối với công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn huyện Đăk Glei. Họ là những người nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng; những khó khăn vướng mắc tại cộng đồng dân cư, từ đó phản ánh với cấp ủy, chính quyền, mật trận Tổ quốc nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Đội ngũ Già làng đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
(congankontum.gov.vn)