Thứ Năm, 25/4/2024
Quảng Bình: Thực hiện chính sách dân tộc theo lời căn dặn của Bác

Tỉnh Quảng Bình có 2 DTTS chính, gồm: Bru-Vân Kiều và Chứt, với 5.543 hộ, 24.313 khẩu; trong đó, dân tộc Bru-Vân Kiều có các tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì và dân tộc Chứt có các tộc người: Sách, Rục, A Rem, Mã Liềng, Mày.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trên 150 hộ với 700 khẩu thuộc thành phần các DTTS khác, như: Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa Cô, Ca Rai... ĐBDTTS sinh sống tập trung ở 106 thôn, bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao, biên giới và một bộ phận sống xen ghép với người Kinh ở các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Đây là những địa bàn có tiềm năng phát triển kinh tế, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng. an ninh và môi trường sinh thái của tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi, nâng cao dần mức sống của đồng bào các dân tộc, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc.

Cùng với việc chú trọng công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS, các cấp ủy, tổ chức đảng đã phân công cấp ủy viên và cán bộ phụ trách các địa bàn gặp nhiều khó khăn, xây dựng và phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS.

Các cấp, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn; trong đó, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở vùng DTTS”.


 Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang thăm và tặng quà
đồng bào A Rem tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch

Xác định phát triển kinh tế-xã hội ở vùng ĐBDTTS là một trong những nhiệm vụ cấp bách, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU và đưa ra các giải pháp quy hoạch lại khu dân cư, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở vùng DTTS và đầu tư xây dựng các vùng kinh tế mới, các trung tâm cụm, xã dọc tuyến biên giới.

Trong các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội các giai đoạn, Chính phủ, UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, các huyện có ĐBDTTS đã ưu tiên đưa các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển vùng ĐBDTTS, từ đó, ưu tiên bố trí các nguồn lực để đầu tư thực hiện.

Từ năm 2011 đến nay, các vùng ĐBDTTS và địa bàn miền núi của tỉnh đã được đầu tư trên 1.096 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo Minh Hóa (chương trình 30a) 536,4 tỷ đồng; dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, biên giới (chương trình 135) 538,9 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình ngoài chương trình 30a, chương trình 135 giai đoạn 2016-2019 là 5,2 tỷ đồng...

“Nhờ thực hiện các chính sách ưu tiên, đến nay, kết cấu hạ tầng vùng ĐBDTTS tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ từ điện-đường-trường-trạm. Đây là nền tảng quan trọng cho ĐBDTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, ông Phan Công Khánh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định.

Từ năm 2009 đến nay, Quảng Bình không còn hộ đói trong vùng ĐBDTTS, số hộ nghèo giảm bình quân 4-5%/năm, số hộ có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng; 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã, có nhà văn hóa, trụ sở làm việc, điện sinh hoạt, trên 70% số dân được dùng nước sạch. Việc nâng cao trình độ dân trí, đời sống tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho ĐBDTTS cơ bản đạt mục tiêu đề ra theo Chương trình hành động số 24.

Hiện tại, 100% xã vùng DTTS đã phủ sóng phát thanh, có máy điện thoại, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt trên 90% dân cư; có trường, lớp tiểu học và THCS; có trạm y tế xã và đã có bác sỹ... Tỉnh đã có chính sách đặc thù hỗ trợ về tài chính cho học sinh, sinh viên là con em ĐBDTTS vào học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Cơ sở hạ tầng vùng ĐBDTTS được đầu tư, các tộc người, như: Khùa, Ma Coong, Rục, Mã Liềng, Mày... đã biết chuyển đổi tập quán sản xuất nương rẫy sang sản xuất thâm canh lúa nước. Số hộ ĐBDTTS làm kinh tế khá, giỏi ngày càng tăng.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 700 hộ ĐBDTTS làm kinh tế khá, giỏi; trong đó có trên 500 hộ thu nhập trên 30triệu đồng/hộ/năm, còn lại có thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên/hộ/năm. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực huy động nguồn vốn của Ủy ban MTTQVN tỉnh, các sở, ngành, địa phương, từ năm 2005 đến nay, có hàng nghìn hộ ĐBDTTS đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, cơ bản giải quyết được tình trạng du canh du cư.

Nhiều bản tổ chức tốt công tác định canh định cư, phát triển sản xuất, đời sống của ĐBDTTS ngày càng được nâng lên. Điển hình là các bản: Khe Khế, Cây Bông, Cồn Cùng (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), Tân Ly, Xà Khía (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy), Cửa Mẹc, Khe Giữa (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy), Khe Dây (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh), Sắt, Trung Sơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh)...

Tiếp tục thực hiện lời căn dặn của Bác: “Đảng phải biết quan tâm đầy đủ đến đời sống quần chúng, nên chú ý đến cuộc sống của đồng bào miền núi”, Đảng bộ và chính quyền tỉnh sẽ vận dụng sáng tạo, cụ thể các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào tình hình thực tiễn của địa phương; đồng thời, tạo sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân để cùng với hệ thống chính trị hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến chính sách dân tộc trong những năm tiếp theo./.

(baoquangbinh.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất