Thứ Sáu, 13/9/2024
Vĩnh Phúc đạt kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội năm 2019

Năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, thực hiện các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong công tác lãnh đạo, điều hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn kiên định các mục tiêu đề ra; chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý; đánh giá toàn diện chỉ số năng lực cạnh tranh, xây dựng kế hoạch để nâng cao các chỉ số thành phần đạt thấp. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành tăng cường bám sát các địa phương, cơ sở; kiểm tra thực tế, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp để có những chỉ đạo kịp thời.


 Toàn cảnh khu Trung tâm Hành chính tỉnh

 

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được tập trung triển khai, nhất là các dự án có quy mô lớn như dự án Khu công nghiệp Tam Dương 2 - khu A; dự án nâng cấp quốc lộ 2B đoạn từ Km 9 đến khu du lịch Tam Đảo I; đường vành đai 3 đoạn Yên Lạc - Bình Dương; dự án cụm công nghiệp Đồng Sóc; dự án Khu công nghiệp Chấn Hưng; dự án đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai; dự án đường vành đai II, TP Vĩnh Yên; dự án Khu danh thắng Tây Thiên và Tam Đảo 2; dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc...

Các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay, tập trung cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực tiêu dùng, lĩnh vực có rủi ro cao, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tăng cường huy động vốn, nhất là vốn dài hạn. Dự kiến đến 31-12-2019, tổng nguồn vốn huy động trên toàn tỉnh ước đạt 78,67 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ năm 2018. Tổng dư nợ cho vay đạt 78 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm 2018.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ước đến hết năm 2019, toàn bộ 112 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 trong số 9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2019 ước đạt 8,05%, trong đó công nghiệp - xây dựng giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng của tỉnh với mức tăng 13,11%. Ngành nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn do giá sản phẩm chăn nuôi không ổn định và bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, vì vậy tăng trưởng âm (-2,77%) so với năm 2018. Các lĩnh vực dịch vụ tăng 6,8%. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh dần được cải thiện. Sản xuất công nghiệp khu vực chế biến chế tạo tăng khá và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và tăng trưởng chung. Năng suất lao động ước đạt 187,9 triệu đồng/lao động, tăng 16,27 triệu đồng so năm 2018.

Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 118,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%, tăng 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 102,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp từ 8,18% năm 2018 còn 7,37% năm 2019 và tăng khu vực công nghiệp - xây dựng từ 61,15 lên 62,41%. Khu vực dịch vụ giảm từ 30,66 còn 30,22%.

Kết quả tổng thu ngân sách năm 2019 của tỉnh ước đạt 32.457 tỷ đồng, tăng 16,8% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 17,6% dự toán. Thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 21.500 tỷ đồng tăng 8% so dự toán, do sản lượng xe ô-tô nhập khẩu của Honda và Toyota tăng dẫn đến số thuế tiêu thụ đặc biệt tăng. Ước tổng chi ngân sách năm 2019 của tỉnh đạt 18.924 tỷ đồng, tăng 12,1% dự toán, trong đó tỷ lệ chi đầu tư phát triển ước đạt 41,8% tổng chi ngân sách của tỉnh.

Kết quả thu hút vốn đầu tư năm 2019 tăng cao so với năm trước, trong đó vốn FDI ước đạt 670 triệu USD, tăng 27,2% so năm 2018; vốn DDI ước đạt 13,55 nghìn tỷ đồng, tăng 154,2% so với năm 2018. Tỉnh đã thu hút và tăng vốn một số dự án lớn như: Dự án Xây dựng khu nhà ở cho công nhân, cán bộ, chuyên gia và người có thu nhập thấp làm việc tại các khu công nghiệp thuộc huyện Bình Xuyên (4.323 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Bá Thiện - Phân khu I (2.300 tỷ đồng); Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói (4.499,55 tỷ đồng); Dự án Khu dịch vụ nghỉ dưỡng và khách sạn Grand Victory Tam Đảo (823,51 tỷ đồng); Dự án của Công ty Solum Electronics Việt Nam (50 triệu USD); Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Partron Vina (40 triệu USD)...

Số doanh nghiệp được thành lập mới trên địa bàn tỉnh năm 2019 ước đạt 1.160 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 7.793 tỷ đồng, tăng 9,4% về số doanh nghiệp và tăng 14,8% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Trong năm 2019, có 195 doanh nghiệp sau thời gian đăng ký tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại sản xuất, kinh doanh và có 394 doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể, tạm ngừng hoạt động. Lũy kế đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 10.693 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký hơn 119 nghìn tỷ đồng, trong đó có 7.792 doanh nghiệp thực tế hoạt động.

Nhờ những nỗ lực nêu trên, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, là động lực cho tăng trưởng chung của tỉnh. Giá trị sản xuất năm 2019 (giá so sánh 2010) ước đạt 244,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2018. Trong các ngành công nghiệp thì ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt với mức tăng trưởng hai con số, trong đó ngành sản xuất linh kiện điện tử dẫn đầu với mức tăng kỷ lục 40,6% so năm 2018. Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Các làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển, giải quyết tốt việc làm cho người dân khu vực nông thôn.

Năm qua, tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng giai đoạn 2019-2025 nhằm tu bổ, tôn tạo các di tích bảo đảm gìn giữ tối đa yếu tố lịch sử văn hóa lâu đời. Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tốt.

Năm học 2018-2019, ngành giáo dục và đào tạo có bước tiến toàn diện. 100% giáo viên đạt chuẩn các bậc học. Cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị học tập được quan tâm đầu tư, trong đó ưu tiên một số trường mầm non ở các xã miền núi, xã nghèo, xã xây dựng nông thôn mới còn thiếu phòng học. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12, tỉnh có 79 học sinh đoạt giải, cao nhất từ trước đến nay. Kỳ thi THPT quốc gia, kết quả tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98,1%, chất lượng điểm trung bình các môn thi đứng thứ sáu toàn quốc. Các cấp, ngành đã đầu tư 60 phòng tin học - ngoại ngữ cho 41 trường tiểu học và 19 trường THCS, 66 phòng học ngoại ngữ chuyên dụng cho 66 trường tiểu học, 50 phòng tin học cho 43 trường THCS và 7 trường THPT với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh đang từng bước được cải thiện ở cả ba tuyến. Công suất sử dụng giường bệnh tăng 19% so với năm 2018. Các quy chế bệnh viện, quy trình kỹ thuật chuyên môn được thực hiện nghiêm túc từ khâu tiếp đón người bệnh, làm hồ sơ bệnh án, chẩn đoán và điều trị. Thuốc, vật tư y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng. Các cơ quan liên ngành đã tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về hành nghề. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra 4.155 cơ sở về vệ sinh an toàn thực phẩm, qua kiểm tra đã nhắc nhở, xử lý 13,7% số cơ sở không đạt tiêu chuẩn. Cơ sở vật chất ngành y tế tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như Bệnh viện Sản nhi và Bệnh viện đa khoa tỉnh. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đạt được những kết quả tích cực, đã có tám đơn vị y tế công lập thực hiện liên doanh, liên kết với các loại trang thiết bị y tế chủ yếu thuộc các lĩnh vực xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, thận nhân tạo; 100% đơn vị y tế thực hiện giá dịch vụ y tế theo đúng quy định.

Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho hơn 24 nghìn lao động. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được duy trì, huy động được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư tham gia. Hơn 22,8 nghìn người nghèo và 29,4 nghìn người cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hơn 300 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở được đăng ký vay vốn; 75 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở từ nguồn kinh phí xã hội hóa; 13,5 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội... Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,46%. Không có hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công.

Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt nhiều kết quả. Năm 2019 có thêm 21,1 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, 67,2 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế. Qua đó, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 33,3% lực lượng lao động, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 30% lực lượng lao động và người tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5% số dân.

Những kết quả nổi bật của năm 2019 là tiền đề quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2020.

Ngọc Minh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất