Thứ Sáu, 26/4/2024
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ III
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cùng các đại biểu dự Đại hội

 

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Vũ Chí Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo Đại hội nhấn mạnh, với chủ đề “Các dân tộc Vĩnh Phúc bình đẳng, đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55 nghìn người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh sinh sống tập trung ở khu vực ven dãy núi Tam Đảo và núi Sáng của 5 huyện, thành phố gồm: huyệnTam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên, đông nhất là các dân tộc: Sán Dìu, Cao Lan và Dao.

Những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai hiệu quả làm bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Đến nay, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 630 hộ, chiếm tỷ lệ 6,3%; tỷ lệ hộ nghèo của 40 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi cuối 2018 giảm còn 5,7%. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2018 đạt khoảng 37,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2014.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong những năm qua. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cần có chủ trương, kế hoạch, giải pháp cụ thể để tập trung sự chỉ đạo nhằm giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS; đi đầu xây dựng các mô hình kiểu mẫu để phát triển kinh tế; có giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS. Bên cạnh đó, đồng bào cũng phải chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, ra sức thi đua, hăng hái lao động sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho biết thêm: thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/10 vừa qua, UBDT đã trình với Quốc hội Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đến ngày 18/11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua, nếu được thông qua thì đây sẽ là dấu mốc lịch sử lần đầu tiên có một chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho vùng DTTS… Đề án được phê duyệt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi phát triển bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững…

Các Đại biểu tham dự Đại hội đã đồng lòng thông qua Quyết tâm thư thể hiện sự đoàn kết, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Thực hiện tốt Chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước…

Tại Đại hội, 01 tập thể và 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 20 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc; 05 tập thể; 17 cá nhân nhận được Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; 04 tập thể, 12 cá nhân nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại hội đã bầu ra 05 đại biểu ưu tú tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II sẽ được tổ chức tại Hà Nội năm 2020.

Trường Giang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất