Thứ Hai, 23/12/2024
Vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo “sống tốt đời đẹp đạo”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định

 Cán bộ huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định trao đổi với linh mục Chánh xứ
Giáo xứ Đại Đê (xã Nghĩa Sơn) về đẩy mạnh công tác vận động đồng bào Công giáo 
 sống tốt đời, đẹp đạo

Nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Nam Định xác định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tôn giáo, nhất là công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Đưa hoạt động tôn giáo đi vào ổn định, sinh hoạt nền nếp, tuân thủ quy định pháp luật; nhiều năm qua tỉnh không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo. Tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước “sống tốt đời đẹp đạo”, tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo hệ thống chính trị tỉnh triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác tôn giáo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; giải quyết các kiến nghị, đề nghị của các tổ chức tôn giáo đúng quy định của pháp luật, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến tôn giáo; thực hiện tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương về tôn giáo cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng đông đồng bào có đạo. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng chương trình tập huấn nghiệp vụ tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, cốt cán phong trào làm công tác tôn giáo... làm chuyển biến rõ nét về ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và đa số cán bộ, đảng viên đối với công tác tôn giáo. Nhận thức của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và các tầng lớp nhân dân được nâng lên, từ đó xóa dần mặc cảm, đoàn kết trong thực hiện các nhiệm vụ ở mỗi địa phương; tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền; phấn khởi trong cả hai cuộc sống đời và đạo, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp cho phát triển ổn định và tăng trưởng về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Để nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân, trong đó có tín đồ tôn giáo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung thu hút các nhà đầu tư để đầu tư mới và mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; triển khai các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Chính quyền các cấp quan tâm làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng có đông tín đồ tôn giáo; đặc biệt là tạo điều kiện cấp phép cho các tôn giáo xây mới, sửa chữa, mở rộng cơ sở thờ tự bị xuống cấp, đáp ứng nguyện vọng của tín đồ có nơi hành lễ an toàn, khang trang, bảo đảm an ninh trật tự.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vào cuộc vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đặc biệt, từ phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp nhà cửa, đẹp xứ họ, đẹp ruộng đồng” của đồng bào Công giáo tham gia xây dựng NTM, chức sắc, tín đồ tín đồ đã tự nguyện hiến hơn 32 nghìn mét vuông đất thổ cư, ủng hộ hơn 400 tỷ đồng để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, chức sắc tôn giáo quyên góp được trên 30 tỷ đồng, xây mới 376 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương tặng cho người nghèo, ủng hộ trên 4,5 tỷ đồng vào các quỹ từ thiện, tặng gần 1.000 sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sỹ, người nghèo cô đơn. Tòa Giám mục Bùi Chu tổ chức mổ tinh thể miễn phí cho 1.100 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo, có 28 cơ sở tôn giáo đang nuôi dưỡng chăm sóc trên 300 người già cô đơn. Nhiều địa phương vùng có đông đồng bào tôn giáo xuất hiện các phong trào thi đua “đặc thù” như: “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”, “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Xây dựng chùa tinh tiến”… Kết quả, đã có 1.452 lượt xứ, họ đạo đạt “Xứ, họ tiên tiến”, 98.793 lượt gia đình Công giáo đạt “Gia đình Công giáo gương mẫu”; 571/842 chùa đạt “Chùa tinh tiến”...

Trong các ngày lễ trọng, những sự kiện lớn của tôn giáo, ngày tết cổ truyền của dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ từ tỉnh tới xã đều tổ chức các đoàn đến chúc mừng, thăm hỏi, động viên chức sắc, người tu hành đứng đầu giáo hội, những người, cơ sở thờ tự tiêu biểu, qua đó tạo không khí gần gũi, tăng cường hiểu biết, cởi mở, chân thành, xây dựng niềm tin để chức sắc, tín đồ tôn giáo hiểu, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo và giữa các tôn giáo với nhau.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy được vai trò nòng cốt của tín đồ các tôn giáo khi tham gia các tổ chức chính trị - xã hội. Đội ngũ đảng viên, cốt cán phong trào trong các tôn giáo luôn gương mẫu, tiêu biểu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với đồng bào có đạo, thực sự phát huy được vai trò nòng cốt, cũng như vai trò cốt cán tôn giáo trong công tác vận động quần chúng.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngoài việc ra Thông bạch - Thư chung để hướng dẫn tín đồ thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, tổ chức các buổi lễ theo hình thức trực tuyến…  chức sắc, tín đồ các tôn giáo còn tích cực ủng hộ Quỹ vắc-xin, nhu yếu phẩm phục vụ cho công tác phòng chống dịch; nhiều tăng, ni trong tỉnh tình nguyện tham gia hỗ trợ, phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh...

Có được kết quả trên là do Tỉnh ủy đã có chủ trương, chính sách đúng trong định hướng phát triển kinh tế; UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn để triển khai thực hiện; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức được những nét đặc thù, cơ bản của tín đồ tôn giáo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để chức sắc, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của một công dân như mọi công dân khác. Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh Nam Định rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phải thường xuyên học tập, quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác tôn giáo; chú trọng tổng kết rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đề ra giải pháp để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Cần nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện các hoạt động của tôn giáo; gạt bỏ định kiến mặc cảm; đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Giải quyết kịp thời những nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tín đồ tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Hai là, chăm lo củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ở vùng tôn giáo tập trung. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ chuyên môn, năng lực công tác cho cán bộ, đảng viên; nhất là cán bộ, đảng viên là tín đồ tôn giáo. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt ở cơ sở vùng tôn giáo tập trung.

Ba là, quan tâm xây dựng các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, chú trọng đến vùng tôn giáo tập trung. Không ngừng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho tín đồ tôn giáo. Có chính sách đưa những dự án phát triển kinh tế khả thi, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống về những địa phương còn khó khăn. Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho tín đồ có đời sống đạo thuận tiện trong khuôn khổ pháp luật.

Bốn là, xây dựng và duy trì mối quan hệ cởi mở, gần gũi, ứng xử chân tình giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể với tổ chức và chức sắc tôn giáo, nhất là những người có uy tín, có xu hướng tiến bộ, có vị trí cao trong hàng giáo phẩm. Thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ, đối thoại, xây dựng thái độ quan hệ hợp tác tốt; cung cấp thông tin, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương để chức sắc, nhà tu hành hiểu rõ và đồng tình ủng hộ; thông qua họ để tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức giáo hội, chức sắc trong các hoạt động xã hội, từ thiện, xóa đói, giảm nghèo… Có những biện pháp thích hợp nhằm lôi kéo chức sắc tôn giáo, kiên quyết đấu tranh với những chức sắc có tư tưởng chống đối, làm trái pháp luật.

Năm là, chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo bằng pháp luật và những quy định cụ thể ở địa phương. Phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm tại chỗ những vi phạm trong các hoạt động tôn giáo. Khi giải quyết những vụ việc về tôn giáo phải biết vận dụng tổng hợp các biện pháp bảo đảm yêu cầu cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo trong ứng xử, coi trọng phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục và cảm hóa./.

Trần Minh Thắng, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nam Định

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác