Thứ Ba, 26/11/2024
Hiệu quả từ phong trào thi đua “dân vận khéo” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum
 

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lân cùng nhân dân xã Mô Rai dọn dẹp đường làng 

Từ năm 2009, sau khi phát động phong trào thi đua “dân vận khéo”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Biên phòng tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng để tham mưu chính quyền các xã biên giới khảo sát, quy hoạch, tiến tới hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, các đồn biên phòng cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như trồng sâm dây, nuôi bò sinh sản, heo rừng lai… Các mô hình từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giúp 67 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Đại tá Phạm Cảnh Toàn - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ: Trong thời gian triển khai thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo”, BĐBP tỉnh còn phối hợp với Hội LHPN tỉnh thực hiện Chương trình “đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; ra mắt các mô hình phát triển kinh tế với kinh phí hàng trăm triệu đồng, giúp người dân vùng biên có điều kiện vươn lên thoát nghèo…

Ngoài ra, các đồn biên phòng còn huy động hàng chục ngàn lượt ngày công của cán bộ, chiến sĩ giúp người dân tại các xã biên giới sản xuất; chăm sóc; thu hoạch hoa màu; dọn vệ sinh thôn, làng; làm mới, nạo vét, sửa chữa hàng chục kilômét kênh mương thủy lợi, đường giao thông nông thôn… góp phần cải tạo diện mạo nông thôn vùng biên ngày càng đổi mới.

Đại tá Phạm Cảnh Toàn chia sẻ thêm: Các đồn biên phòng còn tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các hương ước, quy ước của thôn, làng, phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục; vận động nhân dân duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình; xây dựng, phát triển các điểm sáng văn hóa tại các thôn, làng.

Đến nay, đã có 58/106 thôn, làng và 6.622 hộ gia đình văn hóa được các cấp công nhận; 16 đồn biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động được công nhận là điểm sáng văn hóa vùng biên.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các cơ quan, ban ngành của tỉnh xây dựng 316 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” với tổng kinh phí 6 tỷ đồng; xây dựng 32 căn nhà “Đại đoàn kết” trị giá 1,6 tỷ đồng, 20 căn nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” trị giá 900 triệu đồng và 7 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” trị giá 480 triệu đồng.

Cũng qua sự phối hợp giữa BĐBP tỉnh cùng với Ủy ban MTTQ, các ngành, các cấp hỗ trợ xây dựng 3 công trình dân sinh nước sạch giếng khoan với tổng vốn đầu tư trên 660 triệu đồng cho một số địa phương thiếu nước sinh hoạt, 10 nhà vệ sinh, 2 bộ máy vi tính cho các xã, 10 xe đạp cho các em học sinh nghèo, xây dựng 1 trường học với diện tích hơn 300m2, sửa chữa 4 phòng học, xây dựng 1 nhà văn hóa thôn… với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng.

Trong các ngày lễ, tết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các đồn Biên phòng thường xuyên tổ chức thăm và tặng quà cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, cán bộ và nhân dân, các gia đình chính sách, các hộ nghèo các xã biên giới hàng ngàn suất quà với kinh phí gần 1 tỷ đồng; phối hợp tổ chức “Ngày hội Bánh chưng xanh cho người nghèo nơi biên giới” và đã tặng 5.340 cặp bánh chưng xanh cho bà con các xã biên giới với kinh phí hàng trăm triệu đồng…

Những việc làm thiết thực của BĐBP tỉnh gắn với phong trào thi đua “dân vận khéo” trong suốt 10 năm qua đã góp phần giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, vươn lên thoát nghèo bền vững, diện mạo nông thôn vùng biên ngày càng khởi sắc. Những việc làm đầy ân tình đó đã tạo thêm sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, BĐBP và nhân dân cùng nắm chắc tay súng, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

(baokontum.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất