Thứ Bảy, 27/4/2024

Phú Thọ: phát huy vai trò của các hội quần chúng trong phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động đối với các hội quần chúng, cụ thể hóa chính sách đối với lãnh đạo hội như: Thông tri số 09-TT/TU ngày 28/12/2012 “về việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với các hội quần chúng”; Thông báo 1306-TB/TU ngày 19/6/2014 “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với các hội đặc thù”; Thông báo kết luận số  1308-TB/TU ngày 19/6/2014 “về tình hình hoạt động của các hội đặc thù và định hướng hoạt động, giải quyết các kiến nghị đề xuất đối với các hội đặc thù”; Kế hoạch số 5293/KH-UBND ngày 08/12/2014 về “Triển khai thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng”...

Trên tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, hoạt động của các hội quần chúng được quan tâm hơn; công tác quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường, việc hướng dẫn, kiểm tra, củng cố tổ chức được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đúng pháp luật. Công tác phối hợp thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với các hội quần chúng được quan tâm và xác định là nhiệm vụ rất quan trọng để nâng cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc theo dõi, nắm bắt, duy trì nền nếp hoạt động giao ban, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các hội quần chúng được các ban, ngành thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Bám sát nhiệm vụ chính trị, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội quần chúng đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ hội, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 05 năm qua, các hội quần chúng đã có nhiều  đóng góp nổi bật được cấp ủy, chính quyền đánh giá, ghi nhận.

Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, vận động thành lập Quỹ khuyến học... Hằng năm, Hội Khuyến học các cấp đã trích hàng chục tỷ đồng để vinh danh, khen thưởng cho hàng nghìn học sinh, sinh viên, giáo viên đạt thành tích xuất sắc tại kỳ thi. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hàng nghìn phòng học, mua sắm nhiều trang thiết bị với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng; vận động được trên 100 tỷ đồng cho quỹ khuyến học các cấp; vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, tổ chức thu hút được hàng trăm nghìn lượt người đến học tại các Trung tâm học tập cộng đồng.

Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, các hội quần chúng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao, tích cực truyền dạy, thực hành các làn điệu Xoan Phú Thọ gắn với giới thiệu, quảng bá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan, thờ cúng Hùng Vương, phát triển các phong trào thể dục, thể thao phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, tết trên địa bàn tỉnh.

Trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, các hội: Đông y, Chữ thập đỏ, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Ban đại diện Hội người cao tuổi, Hội Dược học… đã phối hợp cùng ngành Y tế có nhiều đóng góp thiết thực trong công tác khám, chữa bệnh cho đối tượng chính sách, người nghèo, phòng chống dịch bệnh, chữa bệnh; tuyên truyền hiến máu tình nguyện. Trong 05 năm gần đây đã vận động hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho trên 8.600 người nghèo, hỗ trợ trên 653.000 lượt bệnh nhân nghèo được khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay đã trợ giúp cho hơn 211.930 lượt người gặp rủi ro, thiên tai với số tiền trên 92 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hội, liên hiệp hội chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hàng trăm lượt người mỗi năm, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành, hội thảo khoa học và tư vấn, phản biện các đề tài, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng và hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, các hội xã hội, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội như Hội Cựu thanh niên xung phong, Liên minh Hợp tác xã, Hội Đông y, Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn... đã phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với người có công, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; tập hợp đông đảo thành viên, hội viên hoạt động theo nghề nghiệp, quan tâm bảo vệ lợi ích hội viên, thành viên; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp của hội viên...

Có thể khẳng định, hoạt động của các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có nhiều đóng góp thiết thực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Các điều kiện về kinh phí hoạt động, phương tiện làm việc, chế độ thù lao cho cán bộ các hội nhìn chung còn khó khăn, đối với các hội đặc thù chủ yếu vẫn dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các hội quần chúng khác do các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ nhưng thiếu tính bền vững. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức hội có chuyển biến nhất định nhưng còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Công tác phối hợp giữa các hội với ngành chức năng liên quan, với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chưa thường xuyên, hiệu quả còn nhiều hạn chế.

Để tiếp tục phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các hội quần chúng có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền toàn tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về quan điểm của Đảng, Nhà nước về hội quần chúng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua công tác quản lý nhà nước, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý tổ chức hội; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền và việc chấp hành quy định pháp luật, tôn chỉ, mục đích hoạt động của các hội quần chúng. Tiếp tục rà soát, củng cố, vận động giải thể những hội hoạt động không có hiệu quả; xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại một số hội có chức năng hoạt động tương đồng. Quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các hội quần chúng về kinh phí thông qua giao nhiệm vụ, đề tài, đề án, dịch vụ... đối với các hội có đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội, công tác xã hội hóa; tạo điều kiện thuận lợi để các hội được tham gia các lĩnh vực hợp tác thu hút đầu tư, quan hệ đối ngoại, khoa học - công nghệ, tư vấn, phản biện và giám định xã hội các dự án phát triển, bảo vệ môi trường.

Các hội quần chúng cần chủ động đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo, định hướng hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý lĩnh vực hoạt động của hội, nhất là về công tác tổ chức, nhân sự; tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện, giám định xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp. Thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở các hội cơ sở; làm tốt công tác phát triển hội viên theo hướng đa dạng, tự nguyện, gắn bó với ngành nghề, sở thích...

Nguyễn Thị Thanh Huyền
UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN