Thứ Sáu, 26/4/2024

Hải quân Việt Nam - Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển

Tình quân dân nơi đầu sóng ngọn gió

Quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa có 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân của bộ đội Hải quân. Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có 15 Nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 hải quân. 33 điểm đóng quân và 15 Nhà giàn DK1 ấy, không chỉ đơn thuần là nơi “đồn trú” doanh trại của lính biển canh đường biên ngoài biển của Tổ quốc phía ngàn khơi, mà những người lính biển còn là “cột mốc sống”, là phên dậu và điểm tựa vững chắc ân tình nhất của bà con ngư dân các tỉnh, thành trên cả nước… ra đây đánh bắt hải sản xa bờ.

Từ năm 2009, khi các điểm đảo chìm, nổi của quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 được “điện hóa” từ pin năng lượng mặt trời, hệ thống thông tin được “nối liền mạch máu” liên tục với đất liền; nhiều cầu cảng, công trình dân sinh được xây mới, nhất là hệ thống âu tàu ở đảo Đá Tây A, B, C, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Sơn Ca được xây dựng hiện đại; thì quần đảo Trường Sa thực sự là “điểm đến, đậu, tựa” vững chắc nhất của tàu cá của bà con ngư dân.

Một trong hàng trăm câu chuyện ngư dân gặp nạn giữa biển khơi được bộ đội Hải quân Việt Nam cứu giúp luôn nhắc nhớ trong hành trình mưu sinh của ngư dân và cán bộ chiến sĩ “áo vằn cánh sóng”.

Hồi cuối năm 2018, ngư dân Trương Minh Ý (sinh năm 1994 ở ấp Tân Phước, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) bị trôi dạt trên biển được bộ đội Nhà giàn DK1/14 cứu kịp thời.  Đó là chiều ngày 6/11, trong lúc bộ đội đang huấn luyện học tập như thường lệ thì chiến sĩ trực canh phát hiện có người trôi dạt trên biển. Qua ống kính TZK, chiến sĩ quan sát thấy một ngư dân bám vào tấm xốp nắp hầm cá màu xanh, chới với giữa sóng biển. Ngay lập tức, chỉ huy nhà giàn cử tổ cấp cứu nhanh, làm công tác chuẩn bị cứu người khẩn cấp. Cáng chuyên dụng, thuốc cấp cứu được được triển khai. Hai chiến sĩ khỏe bơi sóng mặc áo phao, chuẩn bị dây mồi chờ lệnh. Lúc này ngư dân Trương Minh Ý bám vào mảng phao cách nhà giàn DK1/14 gần 100 mét. Thời điểm ấy, sóng to gió lớn biển động bởi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Những con sóng lừng lững dâng cao như quả núi rồi đổ ập nhấn chìm ngư dân Ý trong sóng biển.

 “Xuất phát” - mệnh lệnh cứu người từ chỉ huy trưởng nhà giàn phát ra, ba chiến sĩ mặc áo phao chuyên dụng, cầm theo dây mồi, phao tròn nhảy xuống biển bơi xuôi dòng nước ra chỗ ngư dân Ý. Lúc này, trên nhà giàn tăng cường quan sát bằng kính TZK và thông báo với tàu trực sẵn sàng cứu nạn đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Khi tiếp cận được ngư dân Ý, ba chiến sĩ đã dìu Ý vào sát chân đế nhà giàn. Sóng lớn, việc đưa người gặp nạn lên nhà giàn cực kỳ khó khăn. Trời tối dần, sóng mỗi lúc một lớn, nếu không khẩn cấp đưa người lên giàn sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trước tình huống đó, chỉ huy nhà giàn lệnh cho quân y thả cáng chuyên dụng sát mặt nước. Lợi dụng lúc sóng dâng cao, ba chiến sĩ nâng người ngư dân Ý đặt lên cáng, cố định vững chắc để các chiến sĩ trên nhà giàn kéo lên sàn cập tàu, sau đó chuyển lên sàn công tác cấp cứu. Sau hơn 2 giờ ủ ấm và tích cực cấp cứu, ngư dân Trương Minh Ý dần tỉnh nhưng có biểu hiện hoảng loạn và không nhớ về quá khứ. Được cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/14 động viên, chăm sóc sức khỏe, anh Ý bước đầu đã nhận biết được xung quanh và hồi phục dần, sau đó chuyển xuống tàu đưa về đất liền.

Cũng thời điểm đó ở một diễn biến khác tại nhà giàn DK1/15, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn này đã cứu một ngư dân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Đó là vào một buổi trưa nắng chói chang mặt biển. Sau bữa cơm trưa chiến sĩ quan sát báo cáo có 2 mục tiêu lạ hướng Đông Bắc đang tiến vào nhà giàn. Mở ra-đa quan sát, thì đó là hai ghe ngư dân. Theo kinh nghiệm phán đoán, đó là tàu cá ngư dân gặp nạn đang “lao” nhanh về nhà giàn. Lúc này, chỉ huy trưởng nhà giàn là Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn đã lệnh y sĩ chuẩn bị cấp cứu tại chỗ. Hơn một giờ sau, 2 ghe cá đã tiến sát nhà giàn và phát tín hiệu xin được cấp cứu. Sóng lừng, chiếc ghe tròng trành chao đảo. Các chiến sĩ chạy xuống sàn cập tàu, tung dây mồi. Một người đàn ông trạc hơn 50 tuổi nói: “Các chú ơi xin cứu chúng tôi với”. Ông chỉ kịp nói như thế rồi òa khóc. 2 ngư dân bị nạn nhanh chóng được cõng lên nhà giàn. Đại úy chuyên nghiệp y sĩ Nguyễn Phương Đông nhanh chóng sơ cứu và chẩn đoán cho biết, cả 2 ngư dân bị ngất vì tắc tiểu, nguy cơ vỡ bàng quang và tử vong cao, trong đó có một người đã có dấu hiệu chết lâm sàng. Khẩn cấp vô trùng các thiết bị y tế, vừa hô hấp nhân tạo và nhanh chóng luồn ống thông tiểu. 1 phút, 2 phút trôi qua, nước tiểu không dẫn được ra ngoài, bệnh nhân bắt đầu co dựt, mắt trợn ngược, mạch chủ không tìm thấy. Trước nguy kịch ấy, y sĩ Đông đã dùng miệng của mình hút nước tiểu của người bệnh ra qua ống thông tiểu. Máu và nước tiểu lẫn lộn được hút ra ngoài, cùng với hô hấp nhân tạo, xoa bóp lồng ngực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Sau hơn 3 giờ tận tình cấp cứu chăm sóc, 2 ngư dân đã tỉnh lại. Câu đầu tiên họ nói trong nước mắt là “Xin cảm ơn các anh bộ đội, nếu không có các anh, chúng em đã bỏ mạng ở vùng biển này”.

Luôn đồng hành bám biển cùng ngư dân

Tiếp nối “Đồng hành bám biển cùng ngư dân”, sáng ngày 30/5, tại cảng Phước Hưng, huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức phát động chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”. Đây là hoạt động diễn ra trong tuần lễ “Biển và hải đảo Việt Nam” nhằm giúp đỡ và đồng hành cùng ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và ngư dân Việt Nam ở các tỉnh, thành nói chung trong hải trình vươn khơi, khai thác, đánh bắt thủy hải sản xa bờ, và cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới. 

Phát biểu tại chương trình, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Phong Cảnh, Chính ủy Vùng 2 khẳng định: Cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung và Bộ Tư lệnh Vùng 2 nói riêng luôn coi đồng hành, giúp đỡ và làm điểm tựa cho bà con ngư dân trên mọi miền đất nước, trong đó có ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ trong làm kinh tế biển, và xây dựng nền quốc phòng an ninh trên biển. “Với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, trong những năm qua, Vùng 2 Hải quân đã luôn đồng hành cùng ngư dân, bảo vệ môi trường hòa bình trên biển. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả, vận động hỗ trợ bà con ngư dân khai thác thủy, hải sản an toàn, đúng pháp luật; gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo...”.

Ngay trong buổi phát động chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, Bộ Tư lệnh Vùng 2 đã tặng 250 lá cờ Tổ quốc cho 250 hộ gia đình ngư dân, 100 phao tròn cứu hộ cứu nạn, 10 gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà (tiền), nhiều bà con ngư dân được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại cầu cảng. Nhận lá cờ Tổ quốc còn nguyên nếp, thơm mùi vải mới, ông chủ tàu cá VT-1286 TS Đỗ Văn Nhạn, xúc động nói: “Đánh cá giữa biển khơi, nhìn lá cờ Tổ quốc chúng tôi kiêu hãnh lắm. Nếu đánh bắt ở vùng biển giáp ranh không có cờ Tổ quốc rất nguy hiểm. Khi ấy, “tàu lạ” sẵn sàng lao tới và lên máy kêu hỏi. Lá cờ Tổ quốc treo trên đỉnh mũi cào, là khẳng định chủ quyền Việt Nam”.

Trung tá Nguyễn Xuân Lai, Chủ nhiệm chính trị của Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 Hải quân khẳng định: “Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân có ý nghĩa như trao chủ quyền Tổ quốc. Mỗi con tàu như cái nhà, treo cờ Tổ quốc trên mỗi con tàu là khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Lá cờ cũng thể hiện tình yêu biển đảo, và luôn nhắc nhở trong tim mỗi ngư dân phải tôn trọng và đánh bắt hải sản đúng phạm vi lãnh hải, vùng biển của mình. Khi bị tàu nước ngoài gây hấn, lá cờ đỏ sao vàng như khẳng định “Đây là chủ quyền lãnh thổ người Việt trên biển”.

Trong hải trình mới, các ngư dân đều tự hào, vì luôn có bộ đội hải quân đồng hành và làm điểm tựa để họ yên tâm đánh bắt xa bờ, vươn khơi bám biển.

 

Mai Thắng

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN