Thứ Bảy, 27/4/2024

Chung tay xây dựng, phát triển bảo hiểm y tế vì sức khỏe toàn dân

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhân đạo và rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT. Tròn 10 năm Ngày BHYT Việt Nam (01/7/2009 - 01/7/2019), Bảo hiểm xã hội Việt Nam chọn chủ đề truyền thông năm nay là “Chung tay xây dựng, phát triển BHYT vì sức khỏe toàn dân”.

BHYT - trụ cột của chính sách an sinh xã hội

Chính sách BHYT chính thức ra đời cách đây gần 27 năm, theo Nghị định số 299/HĐBT, ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Đây là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống chính sách an sinh của nước ta. Đặc biệt, đối với người nghèo và cận nghèo, BHYT đang là điểm tựa có ý nghĩa to lớn trong việc chia sẻ gánh nặng chi tiêu khi gia đình ốm đau.

Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2009. Để ghi dấu mốc quan trọng này trong quá trình phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01/7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam để tuyên truyền Luật BHYT; khuyến khích, động viên nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ, nhân viên ngành Y tế.

Với tính xã hội sâu sắc, nêu cao đạo lý truyền thống của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, trải qua 27 năm thực hiện, BHYT đã được các tầng lớp cán bộ, nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ. Mục tiêu BHYT toàn dân được thể chế hóa tại Luật BHYT, mang tính bắt buộc, trở thành một chính sách lớn, do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận. Đây là giải pháp hữu hiệu huy động nguồn lực tài chính của cộng đồng, cùng với Nhà nước chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nội hàm của chủ đề Ngày BHYT Việt Nam năm 2019 “Chung tay xây dựng, phát triển BHYT vì sức khỏe toàn dân” không chỉ hàm nghĩa phát triển đối tượng, mở rộng bao phủ BHYT, mà còn bao gồm cả công tác xây dựng, phát triển, hoàn thiện cơ chế, chính sách;  tổ chức thực hiện chính sách; bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT.

Số người tham gia BHYT và số lượt khám chữa bệnh tăng nhanh 

Những năm qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp người có thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh (KCB) đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT được KCB chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả 80%-100% chi phí KCB theo phạm vi và quyền lợi hưởng tùy thuộc vào nhóm đối tượng.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tỷ lệ tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Năm 2009, khi Luật BHYT có hiệu lực, tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 45% và đến hết tháng 5/2019 đạt 89%, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 (88,1%), trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Với kết quả này, mục tiêu đến năm 2020 có hơn 90,7% dân số tham gia BHYT là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có hơn 95% dân số có BHYT theo mục tiêu mà Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã đề ra.

Còn theo BHXH Việt Nam, năm 2018, BHXH Việt Nam đã tổ chức chi trả chi phí KCB BHYT cho khoảng 170 triệu lượt bệnh nhân với tổng kinh phí đã cấp tạm ứng là 90.792 tỷ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2019, tổng kinh phí đã cấp tạm ứng chi KCB BHYT là 38.700 tỷ đồng, bảo đảm quyền lợi cho gần 42 triệu lượt người có thẻ BHYT. Trong đó, có hàng triệu người mắc các bệnh nan y, được chi trả với số tiền hàng trăm triệu đồng… Hiện nay, ở nước ta tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025.

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT

Để đạt được kết quả nêu trên có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó công tác tuyên truyền, vận động được coi là khâu đột phá, đã huy động sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động  nhân dân tham gia BHYT.

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là ở cơ sở, khu dân cư chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vận động “Toàn dân tham gia BHYT” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động linh hoạt, đa dạng, sát đối tượng để những nội dung cơ bản của chính sách BHYT toàn dân đến được từng hộ gia đình và người dân ở mỗi khu dân cư. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, qua đó làm cho chính sách BHYT ngày càng gần gũi, thiết thực với người dân, để mọi người dân tin tưởng, yên tâm tham gia.

Các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thông qua nhiều kênh khác nhau như: tổ chức hoạt động tập huấn, đối thoại, hội thi, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, xây dựng các đại lý thu BHYT, xây dựng các mô hình BHYT toàn dân, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng... Các nội dung tuyên truyền tập trung vào quyền lợi và trách nhiệm của nhân dân trong việc thực hiện chính sách BHYT; vai trò, tính ưu việt, ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước; phổ biến hình thức, thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách... Qua đó, đã có rất nhiều mô hình được thành lập, hoạt động hiệu quả tại cộng đồng như: “Chi/tổ phụ nữ tiết kiệm mua BHYT - Vì sức khỏe phụ nữ”, “Quỹ tương trợ BHYT”, “Tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên nông dân tham gia BHYT; “Hội viên cựu chiến binh vận động thành viên trong gia đình tham gia BHYT 100%”; “Vận động các tín đồ các tôn giáo tham gia BHYT”…

Nhờ các nỗ lực của các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể, nhận thức của đa số nhân dân về chính sách BHYT đã được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay còn gần 11% dân số (khoảng 10 triệu người) chưa tham gia BHYT, chủ yếu là đối tượng thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong một số doanh nghiệp tư nhân và sinh viên. Nhiều người vẫn chưa tham gia BHYT vì nhiều nguyên nhân, trong đó, một bộ phận do khó khăn về kinh tế. Điều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội ở nước ta, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào “bẫy” nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, tai nạn.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, trong thời gian tới Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT. Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT. Đặc biệt, đẩy nhanh độ bao phủ BHYT toàn dân; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý KCB và quản lý hiệu quả quỹ BHYT...

Ngọc Mai

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN