Trong mỗi thời kỳ cách mạng, trước mỗi bước ngoặt lịch sử, Đảng ta đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận, luôn nhấn mạnh việc phải đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận để đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, bài báo “Dân vận” của Bác Hồ đăng trên báo Sự Thật, số ra ngày 15/10/1949 đã trở thành kim chỉ nam cho công tác dân vận của Đảng không những trong cách mạng dân tộc, dân chủ, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thực hiện tư tưởng của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng để lãnh đạo công tác dân vận, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đây là Nghị quyết có bước phát triển mới về tư duy lý luận và thực tiễn của Đảng đối với công tác dân vận trong giai đoạn mới.
Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp công tác vận động quần chúng tạo sự thống nhất nhận thức trong Đảng, sự đồng thuận xã hội về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phát triển tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận như: Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bắc Ninh; Quy định lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân; Quy định cấp ủy viên đi cơ sở, dự sinh hoạt chi bộ nông thôn; Quy định trách nhiệm tiếp thu góp ý kiến của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân…
Tổ chức bộ máy Dân vận, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp được củng cố, kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Vì người nghèo”; phong trào thi đua “Dân vận khéo”… đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của nhân dân được bảo đảm, nâng cao.
Kế thừa truyền thống quý báu và thành tựu công tác dân vận đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu về công tác dân vận; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác dân vận. Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng tạo, hướng tới mục tiêu tương đồng, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, phát huy vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; tăng cường thực hiện các chính sách về an sinh và phúc lợi xã hội; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Ba là, tập trung làm tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp, trọng tâm là: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương trên cơ sở bảo đảm hài hoà các lợi ích, đồng thời quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ kết hợp với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác dân vận; phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đảm bảo vai trò là trung tâm đoàn kết, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết và kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân xuất sắc.
Sáu là, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của dân và thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.
Nguyễn Công Thắng
Ủy viên Ban Thường vụ,Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh
(baobacninh.com.vn)